Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Lào Cai: Thăng trầm nghề mộc

01/12/2023 - 2299 Lượt xem
Nghề mộc là một trong những nghề truyền thống của người Việt. Từ những tấm gỗ, người thợ mộc sử dụng đôi tay khéo léo, mắt thẩm mỹ và năng khiếu nghệ thuật để làm ra sản phẩm độc đáo, với họa tiết, hoa văn tinh tế. Ở Lào Cai, nghề mộc tuy không phát triển thành làng nghề nhưng vẫn được nhiều người theo đuổi, giữ gìn và quyết tâm sống cùng nghề.

Ghé thăm cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Quang Kiên, ở đường Trần Phú, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai), vừa bước chân tới, tôi đã bị thu hút bởi mùi đặc trưng từ các loại gỗ được trưng bày tại cửa hàng. Trong không gian không quá rộng, anh Kiên trưng bày khoảng 200 sản phẩm mỹ nghệ được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, như tượng Phật Di Lặc, đồng hồ quả lắc, cóc ngậm tiền, tranh gỗ, lục bình… Tất cả sản phẩm đều do anh Kiên và thợ của cửa hàng chế tác.

"Tôi học chuyên về làm đồ thờ và bàn ghế. Sau một thời gian làm nghề, tôi lại thấy có hứng thú hơn với các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ." - Anh Kiên cho biết.

Sản phẩm chủ yếu được làm từ các loại gỗ lũa chứ không phải gỗ tươi. Anh thường tự mình đi vào tận các bản, làng vùng cao, vùng xa để tìm gỗ. “Dù làm mộc nhưng tôi không ủng hộ việc chặt phá rừng, mà chỉ muốn tìm các loại gỗ lũa để đem về chế tác thành những đồ gỗ mỹ nghệ, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa có thu nhập, lại thỏa mãn đam mê”, anh Kiên bộc bạch.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cửa hàng của anh Kiên khá đông khách. Tuy nhiên, từ sau dịch bệnh, thị trường đồ gỗ nói chung và đồ gỗ mỹ nghệ nói riêng gặp khó khăn. Trong năm, thường chỉ thời điểm cuối năm, gần tết là đông khách. Sản phẩm mà anh Kiên làm ra cũng kén người mua vì là đồ trang trí, trưng bày, giá cả cũng không rẻ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/món, nhưng vì đam mê nên anh vẫn theo đuổi và giữ nghề.

Cũng đam mê nghề mộc, anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ xưởng mộc Nga Hoàng, ở phường Nam Cường (thành phố Lào Cai) đã có gần 30 năm làm nghề. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề “thổi hồn” vào gỗ, năm 20 tuổi, anh học từ bố những kiến thức đầu tiên về nghề mộc. Niềm đam mê với gỗ cứ ngấm dần, do muốn tìm hiểu sâu, tiếp cận kỹ thuật mới nên anh đã đi học nghề ở nhiều xưởng mộc. Đến năm 2004, được vài người bạn giới thiệu, anh quyết định đưa gia đình từ Phú Thọ lên Lào Cai lập nghiệp. Sau quãng thời gian làm thuê và học nghề, đến năm 2008, anh mở xưởng của riêng mình và gắn bó, phát triển với nghề mộc từ đó đến nay.

Để có xưởng mộc như hôm nay, tôi và gia đình đã phải cố gắng rất nhiều. Những năm đầu mở xưởng, do vốn ít, xưởng nhỏ, vợ chồng tự làm và động viên nhau. Ban đầu, xưởng chỉ nhận làm những đơn hàng nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ, bàn, ghế, giường… Sau này, có được sự tin tưởng của khách hàng, tôi nhận được nhiều đơn hàng lớn, như làm nội thất nhà ở, khung ngoại, hệ cửa... anh Hoàng chia sẻ.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tuy gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với hàng gỗ công nghiệp hoặc chất liệu khác như nhựa, kim khí… nhưng với sự ham học hỏi, không sợ khó cộng với niềm đam mê về đồ mộc, kinh nghiệm và khéo léo trong tìm kiếm thị trường, các sản phẩm gỗ của anh Hoàng làm ra đều tinh xảo, đẹp và được nhiều người tin tưởng, đặt hàng. Xưởng của anh đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Xu hướng hiện nay của người tiêu dùng thường ưu tiên sử dụng các vật liệu khác thay đồ gỗ nên các xưởng mộc ở Lào Cai cũng như các thợ mộc gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chính nhờ những người đam mê, tâm huyết với nghề như anh Kiên, anh Hoàng nên không ít xưởng mộc vẫn duy trì hoạt động và nhiều thợ mộc vẫn gắn bó với nghề.

Điều đó cho thấy, dù xã hội ngày càng phát triển, thị trường nội thất có phong phú, đa dạng đến thế nào thì đồ gỗ và nghề mộc cũng luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân.

Hoàng Thương /Báo Lào Cai

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995