Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Vĩnh Phúc: ''Giữ chân'' lao động trẻ trong các làng nghề truyền thống

28/08/2020 - 2340 Lượt xem
Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là vẫn còn những làng nghề đang phải đứng trước nguy cơ mai một vì người dân không còn mặn mà với nghề. Việc “giữ chân” lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của các sở, ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh và những người tâm huyết với làng nghề truyền thống.

Nguy cơ mai một vì thiếu lao động

Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, toàn tỉnh hiện có 25 làng nghề đã được công nhận, trong đó, 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu gồm: Mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế biến nông lâm sản, tạo việc làm hơn 55.000 lao động nông thôn. Thu nhập trung bình của mỗi lao động tại các làng nghề đạt từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng; một số lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực mộc, chế tác đá, bông vải sợi…có thu nhập cao hơn, ở mức từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài 80 tuổi, ông Lưu Đình Cung, thôn Kim Tiến vẫn đau đáu nỗi lo rồi đây nghề mây tre đan ở Triệu Đề sẽ bị thất truyền vì lớp trẻ không mấy người còn mặn mà với nghề này

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do thiếu nhân lực có kỹ thuật, tay nghề cao; hầu hết chủ hộ sản xuất chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất nghề truyền thống hiện nay có rất ít thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng nên sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch một ngày đầu tháng 6. Mặc dù người dân nơi đây đã thu hoạch xong mùa vụ, trẻ em cũng bước vào kỳ nghỉ hè nhưng không còn hình ảnh người dân tập trung dưới những lũy tre làng chẻ nan, đan thúng, mủng, nong, nia… như nhiều năm về trước.

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, so với các nghề truyền thống khác, nghề mây tre đan có thu nhập khá thấp, chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/người/tháng song đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con, đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng mặc dù những năm qua, UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay tín chấp ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp đào tạo, truyền nghề mây tre đan, với phương châm "người biết truyền cho người không biết” song từ chỗ có trên 1.000 hộ làm nghề, đến nay toàn xã chỉ còn 850 hộ. Trong đó, nhiều gia đình chỉ có 1 lao động tham gia, chủ yếu là người già, người trung niên và phụ nữ, có khi cả tháng mới làm được chục sản phẩm, thu nhập cũng bấp bênh hơn so với trước đây.

“Nguyên nhân dẫn đến làng nghề có nguy cơ mai một là do sự phát triển của kinh tế thị trường, các sản phẩm đơn giản người đân làm ra bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm nhựa, nhôm không chỉ đa dạng, màu sắc phong phú mà giá thành cũng rẻ hơn. Mặt khác, những năm gần đây, xung quanh xã có nhiều công ty đi vào hoạt động đã thu hút một lực lượng lớn lao động trẻ. Với thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày lại được hưởng các chế độ bảo hiểm, y tế và nhiều chính sách đãi ngộ khác trong khi cả ngày công làm nghề chỉ từ 50 – 100.000 đồng lại chỉ loanh quanh ở nhà  nên lớp trẻ không còn mặn mà học và duy trì nghề”, ông Chiến lý giải.

Có lịch sử hình thành hơn 300 năm với những sản phẩm truyền thống chum, vại, nồi, niêu, ấm chén, tiểu, ống nước… đã một thời, cái tên “gốm Hương Canh” được người dân nhiều địa phương trong cả nước đón nhận, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhưng rồi từ những năm 1990 trở về đây, các lò gốm tại đây đã thưa dần vì bị cạnh tranh khốc liệt bởi các sản phẩm gốm cùng loại của Bát Tràng, sứ Hải Dương, gốm sứ Trung Quốc cùng sự xuất hiện của đồ nhựa, đồ sứ, thủy tinh, Inox... với giá cả rẻ, mẫu mã đẹp và bền. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, gốm Hương Canh đi vào ngõ cụt, mai một dần khiến người làng nghề phải xoay sở sang làm những công việc khác để kiếm sống. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh, các khu công nghiệp được xây dựng trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, rất ít người còn “nặng lòng” với nghề gốm.

Anh Nguyễn Hồng Quang, một trong những người đã và đang nỗ lực khôi phục làng nghề gốm Hương Canh tâm sự: “Hơn 90% hộ làm nghề đã chuyển sang làm các ngành nghề khác, nhiều thợ có tay nghề cao đã “nhắm mắt xuôi tay”, những lớp kế cận không quá mặn mà với nghề khiến hiện nay Hương Canh chỉ còn chưa tới 10 hộ gắn bó với nghề gốm. Dù rất mong muốn giữ lửa cho làng nghề nhưng ngoài việc cần nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi mẫu mã, chất liệu, một trong những điều kiện tiên quyết là các lò gốm phải có đủ nguồn nhân lực. Trên thực tế, xưởng gốm của gia đình tôi đã từng phải từ chối 2 hợp đồng của đối tác nước ngoài do họ đặt số lượng sản phẩm rất lớn mà nhân lực, vật lực của xưởng chưa đủ đáp ứng”.  

Không chỉ với nghề mây tre đan, nghề gốm, thiếu hụt lao động trẻ đang là tình trạng khá phổ biến ở nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Dẫu chưa có con số thống kê chính thức song trong mấy năm gần đây đã có hàng nghìn lao động bỏ nghề truyền thống đi kiếm việc mới, kéo theo đó nhiều làng nghề chỉ có thể duy trì nhưng không thể phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Cần giải pháp căn cơ

Xác định công tác truyền nghề là khâu then chốt trong việc phát triển làng nghề, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quản lý, tổ chức thực hiện học nghề và truyền nghề theo Nghị quyết 207 của HĐND về hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trung bình mỗi năm, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn có làng nghề được công nhận mở gần 20 lớp truyền nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” gắn với yêu cầu tuyển dụng lao động thực tế tại các doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm và nhu cầu của thị trường. Hằng năm, tỉnh đã tích cực tổ chức hội thi tay nghề nhằm khuyến khích đội ngũ thợ làm nghề phát huy khả năng, trí tuệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế cao để nhân rộng sản xuất.

Tổ chức các hội thi là một trong những cách làm hay của tỉnh nhằm khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy khả năng sáng tạo để nâng tầm cho sản phẩm truyền thống

Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 219 tỷ đồng xây dựng 8 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 81 ha. Đồng thời, nhân cấy một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ; thu hút doanh nghiệp "đứng chân" ngay trong làng, xã có nghề truyền thống và coi đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành tiền đề phát triển làng nghề. Thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách tỉnh cũng đã hỗ trợ mỗi đơn vị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn 11 triệu đồng/thương hiệu. Chỉ tính riêng năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã dành 5,5 tỷ đồng tập trung hỗ trợ cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng chất lượng sản phẩm…

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh không chỉ gia tăng giá trị kinh tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước mà còn giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động thủ công, lao động nông thôn. Tuy nhiên, một thực tế là vẫn có hàng nghìn lao động bỏ nghề truyền thống đi kiếm việc mới khiến làng nghề bị thiếu hụt đội ngũ kế cận. Trong đó, nguyên nhân chính khiến lao động trẻ không gắn bó với nghề là do thu nhập không ổn định, công việc bấp bênh, sản xuất hàng thủ công đòi hỏi tính kiên trì, sự khéo léo, kiên nhẫn nhưng mức thu nhập bình quân hằng tháng của lao động thấp hơn so với làm nghề tự do khác hoặc đi làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp nên chưa đủ sức giữ chân lao động trẻ.  

Không thể phủ nhận, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giới trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Thế nhưng, để lực lượng lao động trẻ gắn bó với nghề truyền thống, đầu tiên phải giúp họ sống được bằng nghề - điều mà nhiều làng nghề vẫn chưa thể làm được.

Qua tìm hiểu, nhiều nghệ nhân trẻ hiện đang theo nghề truyền thống luôn trăn trở về việc thiếu lao động tay nghề cao. Điều này không hẳn thiếu căn cứ, bởi đứng trước sự tự thanh lọc của nền kinh tế thị trường, nhiều làng nghề truyền thống đã không còn trụ vững. Các nghệ nhân lớn tuổi dần mất đi mà chưa kịp truyền thụ lại hết tinh hoa nghề cho lớp trẻ. Thế nên, có nhiều thợ giỏi và níu giữ được họ là cơ sở căn bản để bảo tồn những tinh túy trong các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu nhà nước có những chính sách bảo tồn thích hợp với các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống, nhất là tạo điều kiện việc làm, hỗ trợ đất đai, vay vốn, quy hoạch hướng phát triển làng nghề… thì chắc chắn các làng nghề truyền thống nói chung và những nghệ nhân trẻ sẽ phát huy được hết khả năng, thế mạnh vốn có của mình.

Nguồn: vinhphuc.gov.com
BTV Nguyệt Ánh

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995