Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Bảo tồn, khai thác nhà cổ trong lòng di sản Tràng An

27/11/2023 - 2242 Lượt xem
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014 nhờ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan và nền văn hóa được kết tinh, bồi tụ trải dài suốt hàng chục thế kỷ.

Những năm qua, Ninh Bình luôn chú trọng tới công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản theo các cam kết với UNESCO, bao gồm cả việc bảo tồn nhà cổ trong lòng di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Một ngôi nhà cổ với kiến trúc truyền thống độc đáo trong quần thể danh thắng Tràng An

Làng quê truyền thống giữa lòng di sản

Tràng An là một vùng đất cổ. Hơn 10 thế kỷ trước, nơi đây từng là kinh đô của nước Đại Việt (968 - 1010) dưới 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý. Ngày nay, quần thể danh thắng Tràng An được biết đến là một di sản hỗn hợp “độc nhất vô nhị” ở khu vực Đông Nam Á với hệ thống dãy núi đá vôi hình thành 250 triệu năm trước. Đó là nơi bảo tồn, chứa đựng hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú.

Là nơi quần cư lâu đời nên quần thể danh thắng Tràng An được ví như một “di sản sống” và là một ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú đặc biệt của loài người. Ở đó có các xóm làng trù mật với những nếp nhà cổ ẩn hiện giữa những dãy núi đá vôi đặc trưng của vùng đất bán sơn địa, tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, đến tháng 9-2023, trong vùng lõi của di sản có khoảng 100 nếp nhà truyền thống được xây dựng cách đây từ 50 - 100 năm, phân bố chủ yếu ở các xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Vân (huyện Hoa Lư). Những ngôi nhà này hầu hết được dựng bằng gỗ, đá với kiểu kiến trúc ba gian hai chái. Khuôn viên truyền thống gồm cổng, hàng rào xếp bằng đá thô, vườn trước, ao, sân, nhà chính, nhà phụ, vườn sau..., thể hiện tính tự cấp tự túc đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ xưa.

Góp phần tạo nên khung cảnh làng quê truyền thống đặc trưng ở các ngôi làng cổ trong quần thể danh thắng Tràng An không thể thiếu những con đường, ngõ nhỏ liên kết với không gian cảnh quan mặt nước, ao hồ. Xen kẽ giữa những ngôi nhà cổ, đường làng, vườn tược, giếng làng là các đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ tổ... tạo nên khung cảnh truyền thống độc đáo. Bởi thế, hệ thống nhà cổ, làng cổ trong quần thể danh thắng Tràng An được Ninh Bình coi là một nguồn tài nguyên văn hóa, một loại hình di sản độc đáo cần được bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Khuyến khích vai trò của cộng đồng

Mặc dù tốc độ đô thị hóa ở khu vực quần thể danh thắng Tràng An chậm hơn so với nhiều nơi khác nhưng cũng ảnh hưởng đến không gian di sản. Trước sức ép của gia tăng dân số, nhiều gia đình mong muốn mở rộng không gian sống nên đã cải tạo hoặc phá dỡ nhà cổ để xây dựng những ngôi nhà hiện đại, khang trang hơn. Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà truyền thống cũng bị xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có các biện pháp trùng tu kịp thời.

Việc đưa nhà truyền thống vào hoạt động du lịch là cách đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Những năm qua, sự phát triển của du lịch cộng đồng đã góp phần cải thiện nguồn sinh kế của cư dân địa phương. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hiện nay, hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% cơ cấu kinh tế. Sự gia tăng thu nhập từ du lịch cũng giúp bà con gắn bó hơn với di sản.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn di sản theo quy định, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An, bao gồm hỗ trợ tu bổ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong vùng lõi di sản; hỗ trợ xây dựng mới nhà ở trong vùng lõi di sản... nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa. “Với mong muốn quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Ninh Bình đặc biệt coi trọng việc nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và quản lý giá trị di sản, thể hiện rõ nhất ở việc mỗi người dân tham gia giữ gìn, bảo tồn ngôi nhà của chính mình” - ông Mạnh nói.

Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc phát triển du lịch bền vững, ông Bùi Quang Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho rằng, chỉ có người dân ở đây mới bảo vệ và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Do vậy, cần tạo điều kiện để cộng đồng được tham gia hoạt động phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần để họ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa.

Đồng thời phải khai thác được những giá trị văn hóa địa phương để xây dựng sản phẩm điểm đến, lấy giá trị văn hóa bản địa làm sản phẩm du lịch cốt lõi nhưng vẫn bảo đảm các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô.

Bảo Khánh /Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995