Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Sản phẩm làng nghề cần thêm nhân lực mỹ thuật

28/11/2020 - 2351 Lượt xem
Trả lời phỏng vấn báo chí tại tại Hội nghị "Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn”, diễn ra ngày 23/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, muốn phát triển các ngành nghề nông thôn hiệu quả, phải đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nhân lực thiết kế mỹ thuật để có những ý tưởng sáng tạo mới.

Sản phẩm "Vụn Art" là những bức tranh được ghép từ vải lụa vụ của làng Vạn Phúc - Hà Đông - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn hiện nay?

Ông Trần Thanh Nam: Việc thực hiện Nghị định 52 tập trung vào xây dựng các tiêu chí công nhận làng nghề và hỗ trợ các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn. Sau 2 năm, đến thời điểm  này, trên địa bàn cả nước đã có 817.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, trong đó có 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 4.000 hợp tác xã, tăng 14% so với trước khi có Nghị định 52.

Việc phát triển các ngành nghề nông thôn cũng góp phần tạo việc làm cho 2,3 triệu lao động, với thu nhập cao hơn lao động thuần nông. Đây là định hướng tốt để chuyển đổi ngành nghề nông thôn, nơi nào sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thì có thể chuyển sang làm các ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm của ngành nghề nông thôn lên đến 2,3 tỷ USD. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2020, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cũng tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các địa phương đã rà soát và công nhận được 25 nghề truyền thống, 94 làng nghề và làng nghề truyền thống và thu hồi giấy chứng nhận của 106 làng nghề do không đáp ứng được tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Như vậy, đến nay cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề, trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống đã được công nhận.

Việt Nam có rất nhiều ngành nghề truyền thống, giàu giá trị văn hóa, ẩn chứa lịch sử phát triển hàng trăm năm. Để khơi dậy được “mỏ vàng” này, theo Thứ trưởng, các địa phương cần làm gì?

Ông Trần Thanh Nam: Từ những con số phát triển ngành nghề nông thôn trong 2 năm qua có thể thấy, phát triển ngành nghề nông thôn cần tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.

Để khơi dậy được tiềm năng này, các địa phương cần tạo điều kiện, xây dựng các cơ chế chính sách để doanh nghiệp, hợp tác xã và người làm nghề sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Theo đánh giá về thị trường, nhiều ngành nghề có tiềm năng phát triển tốt như gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, thêu dệt,… Nếu phát triển theo chuỗi giá trị, chúng ta có thể tạo sức bật chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

 Thực tế, những sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ,… của Việt Nam đã vươn tới 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, đem lại thu nhập cao cho người dân, chứng tỏ những sản phẩm từ bàn tay khéo léo, tinh tế của người thợ Việt đã chinh phục được người tiêu dùng.

Trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung các giải pháp gì để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, thưa Thứ trưởng?

Ông Trần Thanh Nam: Trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế chính sách, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đẩy mạnh triển khai áp dụng cơ chế, chính sách vào thực tiễn.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống; tổ chức công nhận nghề làng nghề; công nhận và tôn vinh nghệ nhận, thợ giỏi; hỗ trợ tín dụng, đổi mới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ hạ tầng, mở rộng mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại.

Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định: Rà soát đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ngành nghề, làng nghề. Triển khai nghiên cứu chọn, tạo và phát triển các giống có năng suất, chất lượng cao để chuyển giao, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định cho phát triển ngành nghề. Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển một số trung tâm nguyên liệu tập trung lớn cho sản xuất các sản phẩm chủ lực như mây tre đan lá, thêu dệt, gốm sứ.. tại các địa phương có điều kiện phù hợp.

Hỗ trợ và tạo điều kiện mặt bằng đất đai để xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sáng tạo các ngành nghề thủ công chủ lực của Việt Nam theo hướng xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm tại một số địa phương có ngành phát triển mạnh với chức năng là trung tâm thiết kế sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực; bảo tồn và trưng bày giới thiệu sản phẩm; trải nghiệm nghề, giao lưu văn hóa làng nghề; kết nối phát triển thị trường và du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch; tăng cường mở các tour, tuyến du lịch làng quê, làng nghề, phố nghề vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề để các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước.

Tăng cường phòng chống, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề qua việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT. Hỗ trợ đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề; xây dựng hệ thống thu gom, phân loại chất thải rắn.

Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo thiết kế mỹ thuật để có nhiều ý tưởng sáng tạo, đồng thời nâng cao vai trò của hiệp hội ngành nghề nông thôn. Hiện, chúng tôi đang hỗ trợ ban vận động thành lập hiệp hội gốm sứ, mây tre đan, thêu dệt ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đỗ Hương (thực hiện)

Nguồn Báo điện tử Chính Phủ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/San-pham-lang-nghe-can-them-nhan-luc-my-thuat/415009.vgp

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995