Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Nghệ An: Làng nghề vượt khó trong đại dịch

18/07/2021 - 2343 Lượt xem
Vượt lên những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, các làng nghề truyền thống trên địa bàn Nghệ An đang nỗ lực thích nghi với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị các điều kiện cho việc khôi phục sản xuất khi dịch bệnh đi qua.

Chuyển hướng sản xuất

Làng nghề mây tre đan ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc… ở Nghệ An chuyên sản xuất với các sản phẩm gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Nếu như trước kia, các làng nghề hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng.

Các đối tác nước ngoài vẫn có nhu cầu nhập hàng, nhưng hàng sản xuất ra lại phải lưu kho. Ông Thái Đại Phong, Giám đốc công ty TNHH Đức Phong chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu cho biết: “Hiện công ty đang liên kết với 16 làng nghề trên địa bàn tỉnh làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan xuất khẩu sang 34 quốc gia, chủ yếu là châu Âu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 quay trở lại, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của công ty, nhất là chi phí vận tải…”.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại công ty TNHH Đức Phong – KCN Nghi Phú – TP Vinh (Nghệ An)

Theo ông Phong, giá cước vận tải đường thủy đi châu Âu tăng 8-10 lần so với trước và đơn hàng tiêu thụ chậm hơn trước. Thế nhưng công ty vẫn đảm bảo việc làm cho gần 500 lao động ở các làng nghề và các đơn hàng xuất khẩu cho đến tháng 8 năm nay… Phương án được đưa ra, nếu dịch bệnh kéo dài thì vẫn tập trung sản xuất chấp nhận để hàng tồn kho, khi có điều kiện thì xuất sau. Cùng với các phương án như tạo thêm mẫu mới, vì vùng nguyên liệu Nghệ An hiện rất dồi dào. Khi dịch bùng phát ở các nước, công ty đã chuyển hướng tìm thị trường trong nước có chiều hướng khá tốt, nhưng từ khi có dịch không có khách du lịch nên lại ách tắc, mặc dù trước đây mở cửa hàng trong nước nhưng cũng là kênh để giới thiệu hàng xuất khẩu, nhưng giờ cũng tắc ngẽn. Còn thị trường trong nước thì rất nhanh bão hoà…ông Phong cho biết thêm.

Đây cũng là thực trạng chung của các làng nghề trên địa bàn Nghệ An trong thời điểm hiện nay. Với 164 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề tham gia xuất khẩu hàng hóa thì đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, doanh thu mà còn ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hàng nghìn lao động. Trước thực trạng đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Làng nghề sản xuất hương thẻ Tây Lân, Nghi Trường (huyện Nghi Lộc) với gần 300 lao động. Nghề làm hương thẻ ở Tây Lân sản xuất trong nước chủ yếu là dịp tết, còn quanh năm xuất khẩu qua Lào và Thái Lan. Từ khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp cũng là thời điểm đối tác trong và ngoài nước yêu cầu các cơ sở sản xuất hương ở Tây Lân phải giảm đơn hàng, giãn tiến độ thực hiện hợp đồng.

Làng nghề sản xuất hương thẻ Tây Lân (Nghệ An)

Anh Lê Văn Việt, một hộ dân sản xuất hương Tây Lân cho biết: “Từ tháng Giêng đến tháng 10 âm lịch hàng năm thì cả làng dồn sức để làm hương xuất khẩu sang thị trường các nước và các tỉnh phía Nam phục vụ lễ hội tâm linh, chùa chiền…Từ đầu năm đến nay, mọi hoạt động lễ hội, lễ chùa bị dừng lại, các điểm tâm linh ở Lào, Thái cũng ngưng đón khách nên các đơn hàng tiêu thụ hương giảm mạnh, sản xuất đình trệ, đơn hàng huỷ bỏ, thu nhập giảm sút rất nhiều…”.

Các làng nghề ở thị xã Cửa Lò cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các hoạt động du lịch tạm thời ngưng trệ. Không có khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, sản phẩm nước mắm, hải sản khô… của các làng nghề chế biến hải sản ở Cửa Lò lâm vào ế ẩm. Ông Võ Hồng Thạch, Trưởng làng nghề chế biến hải sản khối Bình Minh (phường Nghi Thủy, T.X Cửa Lò) cho biết: “Hàng trăm tấn hải sản khô, hàng trăm nghìn lít nước mắm hiện đang bí đầu ra, khó tiêu thụ do không có khách du lịch. Nhiều hộ bảo quản không tốt đành để cá, mực, tôm tép ngả màu, kém chất lượng…”.

Thay đổi để đón cơ hội

Theo ông Thái Đại Phong, thời gian này, công ty chủ yếu tập trung sáng tác mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nhu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, nếu mình cứ đứng yên một chỗ, khi dịch đi qua sẽ không kịp bắt nhịp với yêu cầu mới từ thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để công ty tập trung quảng bá sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, thu hút thêm các đơn hàng mới, tìm kiếm thị trường mới và chuyển hướng sản xuất thêm các mặt hàng khác, đảm bảo việc làm, thu nhập cho các người dân làng nghề…

“Dù vẫn còn đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, thế nhưng nếu dịch vẫn kéo dài thì công ty đã có phương án thích ứng. Đó là chủ động phối hợp với công ty xuất khẩu nước ngoài để cập nhật mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cùng địa phương xây dựng sản phẩm OCOP Quốc gia…” ông Phong cho biết thêm.

Làng Ngề chế biến nước mắm ở Thị xã Cửa Lò (Nghệ An)

Với những hộ dân ở làng nghề chế biến hải sản ở thị xã Cửa Lò, thời điểm này khi hải sản ế ấm bà con tìm cách bảo quản sản phẩm, trong các kho đông lạnh vừa tìm kiếm các kênh tiêu thụ trong nước. Bà Dương Thị Lan, một hộ dân làng nghề chế biến hải sản Nghi Thủy, Cửa Lò chia sẻ: “gia đình vừa phải đầu tư một kho đông, chứa khoảng 10-15 tấn hải sản khô. Tạm thời, cấp đông để tránh hư hỏng. Ngoài ra, tôi chủ yếu chạy chợ bán lẻ, hoặc tìm cách kết nối với các bạn hàng ở các tỉnh để tiêu thụ…”.

Chia sẻ về khó khăn của bà con làng nghề, ông Võ Văn Lý – Trưởng phòng kinh tế Thị xã Cửa Lò nói, “chính quyền địa phương đã động viên bà con duy trì sản xuất, chế biến, hướng dẫn bà con cách bảo quản hải sản, khuyến khích các hộ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua kênh online. Đồng thời, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các làng nghề đăng ký xây dựng các sản phẩm OCOP. Theo đó, sản phẩm 3 sao OCOP được hỗ trợ 10 triệu đồng, 4 sao 15 triệu đồng và 5 sao 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm…”.

Ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay thì vấn đề chủ động vượt thách thức của các chủ doanh nghiệp, người dân làng nghề có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì sản xuất và tìm kiếm cơ hội mới. Mặt khác, từ việc nắm bắt thực tế, chúng tôi đã đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp tục hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua việc hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, phát triển nhãn mác, bao bì sản phẩm… qua đó giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề từng bước vượt qua khó khăn…/.

Hoàng Trinh 

Nguồn TTV

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995