Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Kinh doanh

Hàng thủ công mỹ nghệ: Vẫn yếu ở khâu thiết kế

10/07/2020 - 2435 Lượt xem
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề rất đa dạng, bao gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình; hàng đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; hàng dệt gia dụng và thêu ren; hàng quà tặng và sản phẩm của các đồng bào dân tộc; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác... Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề thủ công mỹ nghệ lại đang yếu ở khâu thiết kế, mẫu mã sản phẩm.

Phát huy ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm

Ông Lê Đức Kế - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ thương mại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) - cho biết, nếu nhìn nhận gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần túy thì không cần phải bàn thêm, song nếu nhìn làng nghề là thủ công mỹ nghệ thì những mặt hàng ở đây đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn… Hơn nữa, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là… thợ khéo tay, chứ họ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước bạn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội - cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Theo bà Expert Claire Driscoll - chuyên gia giới thiệu, phân tích những xu hướng thiết kế mới trên thế giới (Hội đồng Anh), các nghệ nhân, nhà thiết kế cần đặt tâm thế để sản xuất sản phẩm hướng đến thị trường. Thiết kế là "linh hồn" của sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục. Nếu hiểu rõ làm gì, cho ai và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thị trường thì sản phẩm đó sẽ thành công.

Bà Nguyễn Thị Lương - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) - chia sẻ, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, công ty đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sáng tạo, các chuyên gia đã tư vấn, chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, việc thay đổi như vậy là cần thiết để ngành thủ công mỹ nghệ có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế quốc tế...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, có việc chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm thiếu tính sáng tạo, nhiều sản phẩm chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, còn dập khuôn theo các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc theo đơn đặt hàng từ phía khách hàng mà ít có những sản phẩm của riêng mình. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…

Về điểm yếu này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - nhận định, đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ ở nước ta. Do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Trong khi đó, nhiều cơ sở cũng e ngại, nếu bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu bài bản, thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị các cơ sở khác làm nhái, vì vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm. Do đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Nguồn: congthuong.vn
BTV Lưu Ly

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995