Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tương lai mở

Thừa Thiên Huế: Tạo đà cho công nghiệp nông thôn

15/10/2021 - 2487 Lượt xem
Ngành công thương Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương nhằm tạo ra giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, sẽ ưu tiên đầu tư các nguồn vốn khuyến công, phát triển nghề cho các cơ sở CNNT

Ưu tiên đầu tư máy móc thiết bị

Đề án khôi phục và phát triển làng nghề đệm bàng Phò Trạch đến năm 2025 và định hướng đến 2030 đã được UBND huyện Phong Điền phê duyệt với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Trong đó, xã Phong Bình đã quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 8ha, đồng thời tiếp tục nhân rộng để tăng lên 20ha vào năm 2030, tạo việc làm cho hơn 900 lao động.

Trong 3 năm  2019- 2021, huyện Phong Điền đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các cơ sở CNNT trang bị máy móc thiết bị. Sắp tới, huyện tranh thủ các nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT, chú trọng các làng nghề có tiềm năng như đệm bàng Phò Trạch, điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích…

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, để tiếp sức cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch, từ nguồn vốn khuyến công Quốc gia năm 2020, mới đây, Sở Công thương đã hỗ trợ 200 triệu đồng trang bị máy cắt laser và máy sấy lạnh phục vụ sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ống hút từ cỏ bàng. Các thiết bị này góp phần giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để tiếp sức cho các làng nghề truyền thống, 5 năm trở lại đây, từ nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương đã hỗ trợ cho các cơ sở CNNT khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xúc tiến quảng bá sản phẩm. Các địa phương tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các khu trưng bày sản phẩm và hỗ trợ máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui - Trần Văn Lực cho rằng, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, cùng với việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, năng suất phải cao và giá thành hợp lý. Với nguồn hỗ trợ 300 triệu đồng từ vốn khuyến công trong năm 2020, DN đầu tư thêm 700 triệu đồng đối với dây chuyền chiết rót tinh dầu, góp phần tiết giảm nhân công, nâng công suất chiết rót tăng gấp 3 lần so với dây chuyền thủ công.

Phát triển sản phẩm làng nghề

Tháng 1/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển CNNT năm 2021 nhằm triển khai thực hiện các nội dung chương trình, nhiệm vụ đề án phát triển CNNT tỉnh năm 2021, lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển CNNT, góp phần thực hiện tiêu đề án phát triển CNNT tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, sẽ chú trọng phát triển sản phẩm làng nghề, ưu tiên phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 để phục vụ tích hợp phần quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề trong khu dân cư ra sản xuất tại CCN. Tiếp tục hoàn thiện công tác thành lập, lập quy hoạch chi tiết các CCN Hương Phú (Nam Đông), Bình Thành (TX. Hương Trà); đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại một số CCN để tạo mặt bằng thu hút các DA đầu tư đối với các CCN Điền Lộc, Hương Hòa, Hương Phú, A Co, Thủy Phương, Tứ Hạ...

Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất CNNT, tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu tràm tại huyện Phú Lộc, Phong Điền để phục vụ sản xuất dầu tràm cho làng nghề sản xuất, chế biến dầu tràm; nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho làng nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch (xã Phong Bình, Phong Điền); vùng nguyên liệu mây tre phục vụ sản xuất các làng nghề đan lát (xã Quảng Phú, Quảng Điền), đồng thời phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm đến năm 2030”.

Với tổng nhu cầu vốn gần 1.900 tỷ đồng, đề án “Phát triển CNNT tỉnh đến năm 2025” sẽ ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm CNNT có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao động và thân thiện với môi trường...

Hiện, trên địa bàn có khá nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đó là có nguồn nhân lực dồi dào bởi hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và hệ thống trung tâm dạy nghề; có tiềm năng tài nguyên khoáng sản, có bờ biển và hệ thống đầm phá lớn là những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh, bền vững các lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến gỗ rừng trồng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Theo Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh, cùng với đề án phát triển CNNT, định hướng của tỉnh trong thời gian tới là phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của ngành CNNT.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Nguồn Báo Thừa Thiên Huế online

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995