Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Nghề thêu của người Dao đỏ, Tuyên Quang: Sự tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ

16/06/2021 - 2545 Lượt xem
Với sự tinh tế trong trang phục, phụ nữ người Dao đỏ tại Tuyên Quang đã tạo ra những nét rất riêng trong bộ trang phục truyền thống không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào. Đặc biệt, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là động lực để đồng bào Dao đỏ duy trì, phát triển nghề thêu trang phục truyền thống.

“Báu vật” của người Dao đỏ

Đồng bào người Dao ở Tuyên Quang hiện có khoảng 90.600 người, với 9 ngành Dao, trong đó người Dao Đỏ sống tập trung chủ yếu ở xã Sơn Phú, Sinh Long, Năng Khả…(huyện Na Hang) và xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình). Đối với người Dao Đỏ, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Với sự tinh tế trong cách mặc, phụ nữ người Dao đỏ tạo ra những nét riêng trong cách bài trí trang phục, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.

Dù còn ít tuổi song những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được các bà, mẹ truyền dạy nghề may vá thêu thùa truyền thống. Và khi đến tuổi "cập kê" cũng là lúc các thiếu nữ biết làm những trang phục đẹp cho riêng mình.

Phụ nữ Dao đỏ, Tuyên Quang trong trang phục truyền thống.

Hỏi thăm các cụ cao niên trong xã Hoàng Khai, Yên Sơn được biết: Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.

Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần. Phía trên quần màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng ở phía dưới, họa tiết được thêu rất tỉ mỉ. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục. Khăn đội đầu là một trong những phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết như cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.

Có lẽ vì thế, mà những ngày giáp Tết, các bản làng người Dao luôn rộn ràng hơn bởi những đoàn khách du lịch ghé thăm. Thấp thoáng hai bên đường bê tông phẳng lì là nếp nhà của đồng bào Dao nổi bật bởi những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ được treo ngay ngắn trước hiên nhà. Mỗi thềm nhà, bậc cửa đều có bóng dáng những người phụ nữ Dao đỏ khéo léo đưa từng đường kim mũi chỉ.

Giữ “lửa” nghề thêu truyền thống

Trước kia, khi chưa có dịch Covid -19, người Dao đỏ thường mang quần áo dân tộc Dao Đỏ đem bán vào mỗi buổi chợ phiên, nay chuyển sang bán online. Mỗi bộ quần áo mặc thường ngày, giá bán dao động từ 5-7 triệu đồng, còn quần áo cô dâu, thầy cúng có thể lên tới 10-12 triệu đồng. Đối với khách mua lẻ chiếc khăn, chiếc quần, cái áo... người Dao đỏ lúc nào cũng có sẵn để đáp ứng.

Đặc biệt, theo tâm sự của số đông người Dao đỏ thì đây cũng chính là quãng thời gian lý tưởng để họ duy trì nghề thêu, may trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngồi bên hiên nhà hướng dẫn cô con gái học thêu, chị Bàn Thị Khé (người Dao đỏ tại Na Hang – Tuyên Quang) cho biết: Đối với người Dao mặc trang phục dân tộc vừa là sự tự hào, hãnh diện, vừa mang yếu tố tâm linh. Bởi đối với người Dao trong mọi nghi lễ cúng, nhất là cúng cấp sắc thì các thành viên của gia đình đều phải mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình. Gia đình nào tự làm được trang phục thì tổ tiên sẽ chứng giám cho lòng thành. Nhờ vậy mà đối với người phụ nữ Dao việc cắt may, thêu thùa trang phục cho gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, không thể không làm.

Cũng theo ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao của tỉnh khẳng định: Trang phục dân tộc là hồn cốt của người Dao, không có trang phục sẽ không có lễ cấp sắc. Ý thức được tầm quan trọng và nét văn hóa độc đáo đó, người Dao luôn chú trọng việc truyền nghề thêu cho con cháu, duy trì cho hậu thế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều câu lạc bộ thêu thùa, hoạt động sôi nổi, thiết thực.

Cụ thể như Câu lạc bộ thêu trang phục Dao tiền thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang). Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào ngày cuối tuần tại nhà văn hóa thôn. Qua giao lưu mọi người có thể trao đổi để nâng cao kỹ năng thêu sao cho bền, đẹp, nhanh. Vừa qua nhiều du khách lên với Hồng Thái được tận mắt xem chị em thêu, rồi thuê trang phục mặc để chụp ảnh, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Tạm biệt bản làng người Dao, tạm biệt những người đau đáu với văn hóa Dao, trong chúng tôi vẫn vẳng lời hát Páo dung do chính ông Bàn Xuân Triều tự biên, tự diễn:

“Tồ lầy gòi khoa siên nin tháo
Nhần nhần phàng vủi quía siên nin
Sơn liềm viện ây nhần viện ấy
Tồng dòi viện ấy mẫy teo lìn”

Dịch nghĩa:
“Mận đào khoe sắc xuân mới đến
Người người hớn hở đón mừng xuân
Rừng cây thay lá đâm chồi lộc
Người người kỳ vọng bao ước mơ”

Câu hát Páo dung cũng chính là niềm mong ước của bà con người Dao về một mùa xuân mới với những kỳ vọng về một làng bản phát triển.

Huyền Chi

Nguồn thươnghieuvaphapluat.vn

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995