Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Nghề làm giấy bản trên quê hương Kim Đồng

03/04/2021 - 2559 Lượt xem
Giấy bản là một loại giấy được làm thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương. Hiện nay, nghề làm giấy bản vẫn được lưu truyền ở tỉnh Cao Bằng, trong đó có thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng- quê hương của người Anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng.

Bà Nông Thị Quyết đang lấy bột giấy lên khuôn.

Theo những người già ở thôn Nà Mạ kể lại, từ khi họ còn bé đã thấy người lớn trong làng làm nghề giấy bản. Giấy bản được người Tày, Nùng và một số DTTS khác ở Cao Bằng sử dụng để ghi chép gia phả dòng họ, ghi chép các làn điệu dân ca, truyện cổ dân gian... Ngoài ra còn được sử dụng trong đời sống tâm linh như làm giấy tiền, vàng mã, trang trí nhà, viết chữ Nho, chữ Hán.

Được giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà bà Nông Thị Quyết (60 tuổi) vẫn còn giữ nghề làm giấy bản tại thôn Nà Mạ. Vừa khuấy bột giấy, bà Quyết cho biết, bà biết làm giấy từ lúc còn nhỏ. Những bể khuấy bột giấy này được làm bằng đá bên bờ suối để tiện lấy nước và đã có hàng trăm năm nay. Cách làm giấy bản khá cầu kì và vất vả. Đầu tiên lấy cây giấy dó trên rừng, tước sạch vỏ phơi khô một ngày rồi ngâm nước 1 ngày cho mềm. Sau đó đem về ngâm vôi, cuốn thành cục rồi nung trong một ngày. Nung xong lấy ra rửa sạch rồi lại ngâm cho mềm, tiếp đó mang về đập cho nhũn ra.

Lớp bột giấy bản tươi mới lên khuôn

Công đoạn tiếp theo là đổ nguyên liệu xuống hố đá quấy cho tan ra, sau đó trộn với cây nhớt. Khi bột giấy đã nhuyễn thì múc tráng lên khuôn, mỗi khuôn là một tờ. Tiếp đó mang ép khô trong hai tiếng rồi mang về dán lên tường.

Với đặc tính xốp, nhẹ, giấy dai, bền bỉ với thời gian lại được làm bởi nguyên liệu tự nhiên sẵn có, không gây hại môi trường nên sản phẩm làm ra rất dễ bán. “Mỗi một tệp hai mươi tờ, nếu bán buôn được mười lăm nghìn đồng. Người dân thường mang đi bán vào những hôm chợ phiên, dịp lễ, tết hoặc bán cho các gia đình có đám tang, tảo mộ. Mỗi đám tang thường phải sử dụng khoảng ba trăm tờ giấy bản. Nghề này cũng đem lại một khoản thu nhập tương đối cho người dân lúc nông nhàn”, bà Quyết thông tin.

Sau khi ép xong, giấy bản được dính trên tường đợi cho khô để xếp thành tệp.

Hiện nay, thôn Nà Mạ có 40 hộ dân thì vẫn còn 10 hộ duy trì nghề làm giấy bản, thu nhập bình quân từ nghề làm giấy khoảng 20 triệu đồng/năm. Thông qua các thương lái, những sản phẩm của bà con không chỉ đến tay người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được bán ra các tỉnh, thành lân cận.

Nghề làm giấy bản không cần nhiều vốn đầu tư vì chủ yếu nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nghề truyền thống khác đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kì nên ở địa phương ngày càng ít người làm nghề. Người già yếu không thể làm mãi được, còn người trẻ hơn có ơ hội tìm kiếm các ngành nghề khác tạo ra thu nhập cao hơn nên ít ai còn mặt mà với nghề truyền thống. Vì vậy để có thể duy trì làng nghề truyền thống, cần có sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương.

Giấy bản thành phẩm được bày bán ngoài chợ.

Văn Tiệp

Nguồn baodantoc.vn

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995