Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Hà Nội: Làng sơn mài Hạ Thái chật vật giữ ''lửa nghề''

03/09/2020 - 2622 Lượt xem
“Tranh sơn mài của làng giờ đã dần mai một hết rồi. Thời buổi kinh tế thị trường, việc bán ra một bức tranh sơn mài và đặc biệt một bức tranh sơn mài truyền thống là rất khó khăn” – Nghệ nhân Vũ Thị Lệ Dung, làng sơn mài Hạ Thái cho biết.
Xưởng sản xuất tranh sơn mài cổ truyền nhà ông Vũ Huy Mến.

Nằm tại xã Duyên Thái - huyện Thường Tín – Hà Nội, làng sơn mài Hạ Thái từ lâu đã nổi tiếng với tranh sơn mài cùng nhiều loại đồ sơn mài thủ công mỹ nghệ khác. Sản phẩm sơn mài làng Hạ Thái được biết đến nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là dòng tranh sơn mài đã tạo nên thương hiệu cho làng, bởi cái đẹp, cái đặc trưng riêng của tranh không đâu có. Ít ai biết rằng làng sơn mài Hạ Thái nổi danh với tranh sơn mài tới nay đã ngót 200 năm. Tuy lâu đời và đã được quy hoạch thành một khu cụm làng nghề, nhưng tranh sơn mài của làng, đặc biệt là dòng tranh truyền thống đang từng ngày bị mai một dần.

Chỉ có thể lấy công làm lãi

Dù lâu đời và có thương hiệu, nhưng những năm trở lại đây việc tìm đầu ra cho tranh rất khó khăn, nhu cầu mua tranh không còn nhiều. Do đó, các hộ dân trong làng nghề đã chuyển sang chủ yếu làm đồ thủ công mỹ nghệ như bát, chén, bình hoa, ngăn tủ,… để có thể kinh doanh kiếm lợi nhuận.

Theo nghệ nhân Vũ Thị Lệ Dung: “Người thật sự của làng làm tranh giờ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, chủ yếu mọi người đã chuyển sang làm các đồ thủ công mỹ nghệ khác. Một số người làm tranh ở đây là những họa sĩ từ nơi khác đến, thuê hoặc mua đất ở đây để mượn danh tiếng của làng, bám vào làng mà sống. Họ làm theo phong cách của họa sĩ, nhưng dựa vào làng làm khâu vóc ban đầu (phôi tranh) - chỉ làng nghề mới làm được và thuê người làng phủ bóng”.

Loại tranh sơn mài truyền thống bằng sơn ta có giá trị rất cao.

Theo đó, những hộ dân gốc ở làng còn duy trì làm tranh sơn mài tính tới thời điểm hiện tại chỉ còn ngót 10 hộ, các hộ này chủ yếu làm dòng tranh phun máy - “tranh hàng chợ” để bán kinh doanh. Dòng tranh này giá thành rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng 1 bức với kích thước lớn và tính nghệ thuật không cao. Dòng tranh truyền thống hay còn gọi là “tranh mài da”, tất cả đều được làm thủ công bằng tay có giá thành cao gấp 5 – 7 lần so với dòng tranh phun máy, nhưng tới thời điểm hiện tại chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Vũ Huy Mến và con gái Vũ Thị Lệ Hà còn chuyên sản xuất bán.

Hỏi chuyện nghệ nhân Vũ Huy Mến - Phó chủ tịch Hội làng nghề Hạ Thái, ông Mến cho hay, mặc dù dòng tranh truyền thống (tranh mài da) sử dụng sơn ta có giá thành cao, có những bức tranh có giá trị lên tới hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng nhưng giờ không có hộ nào sản xuất nhiều để bán nữa. Nguyên nhân do thời gian để hoàn thành một bức tranh rất lâu, phải mất từ 3 – 4 tháng, người mua tranh cũng phải thật sự yêu tranh, hiểu được cái hồn và nghệ thuật trong bức tranh, nên dòng tranh sơn mài cổ truyền tới hiện tại rất khó để bán.

Tranh bán ra thị trường giờ không được ưa chuộng, tranh đa phần tại các nhà đều làm theo ngẫu hứng, chủ yếu để trưng bày cho đẹp, khi nào có khách tới mua hay đặt tranh mới tiến hành vẽ tranh tiếp. Vì vậy, để “ăn chắc”, dòng tranh này chỉ có thể bán tại nhà và bán cho các cửa hàng có khách quen.

Cần có thêm chính sách hỗ trợ để nghệ nhân giữ "lửa nghề"

Những năm qua, các cấp chính quyền đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng sơn mài Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình, đặc biệt là dòng tranh sơn mài truyền thống, như đưa Hạ Thái trở thành 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội; quy hoạch riêng một khu, cụm làng nghề Hạ Thái; đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ,…

Tuy nhiên, những chính sách ấy mới chỉ giải quyết được một phần nào đầu ra cho sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái. Theo một số nghệ nhân trong làng cho hay, có thể thực hiện rất nhiều bức tranh đẹp, nhưng chưa thể làm phần vì bán chậm và phần vì phải để thời gian làm các đồ thủ công khác kiếm tiền thêm, chứ "cứ bám vào tranh thì không đủ sống”.

Tranh sơn mài dù đẹp và tính nghệ thuật cao nhưng đang dần bị mai một.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cũng cần được chú trọng hơn, tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến trực tiếp làng nghề chọn tranh. Có như vậy, tranh sơn mài Hạ Thái mới có thể duy trì và phát triển, không bị mai một dần theo thời gian.Ông Vũ Huy Mến cho biết thêm, các hộ gia đình làm nghề trong làng rất mong được tạo điều kiện hơn nữa để có thể mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, như hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm giúp những người làm nghề có thể quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tạo cơ hội để nghệ nhân của làng được đi quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, đưa sản phẩm tranh Hạ Thái đến với bạn yêu tranh ở nhiều quốc gia khác.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
BTV Như Quỳnh

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995