Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Những làng nghề tại Sài Gòn

20/08/2020 - 13715 Lượt xem
Khi di chỉ khảo cổ Lò Gốm Hưng Lợi được phát hiện ở quận 8, người Sài Gòn bây giờ biết rằng từ xa xưa trên vùng đất này đã có làng nghề gốm. Ngày nay làng nghề gốm vùng Hưng Lợi không còn nữa. Nhưng không phải ở đô thị lớn nhất, nhì của đất nước này hiện không còn tồn tại những làng nghề truyền thống rất có ý nghĩa văn hóa, kinh tế.

Từ vùng đất Củ Chi với những làng nghề nổi tiếng: làng mành trúc Tân Thông Hội; làng chằm nón Tằm Lanh; làng rổ rá Mũi Lớn, Thái Mỹ; làng rế Phước Vĩnh An; làng bánh tráng Phú Hòa Đông, làng đan bồ An Nhơn Tây. Huyện Bình Chánh với làng đan đệm Tân Túc, làng dệt chiếu Nam Đa Phước, làng rượu An Phú Tây. Đến các quận ven như quận 8 với các làng nghề: làng dệt chiếu Bình An; làng bao giấy Bình Đông; làng đóng sửa ghe Cầu Rạch Ông. Quận Tân Bình có: làng dệt Bảy Hiền; làng thuộc da Phú Thọ; xóm thủy tinh Phú Thọ; xóm lồng đèn Phú Bình (một phần thuộc quận Tân Bình, một phần thuộc quận 11). Quận Gò Vấp có: làng đúc lư đồng An Hội, làng dệt chiếu Bến Hải. Quận 12 có làng chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây. Quận 4 có làng giày Khánh Hội. Quận 6 có: làng chổi bông cỏ, xóm chổi lông gà. Quận 9 có: làng gạch – gốm Long Bình. Quận Thủ Đức nổi tiếng với làng nem Thủ Đức. Và còn nhiều những làng nghề, xóm nghề khác nữa đang tồn tại ở Sài Gòn.

Bất chấp sự thừa nhận muộn màng chính thống đối với vai trò, vị trí của nó trong nền kinh tế hàng hóa, làng nghề thủ công truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn, trăm ngàn cư dân, đặc biệt là thanh niên. Tại các làng nghề, thanh niên – đa số là nữ thanh niên – có được “tay nghề”, dù tay nghề cao hay thấp thì những người lao động này cũng thoát khỏi cuộc đời chạy tìm việc lao động phổ thông. Để làm nghề thủ công truyền thống, người thợ không cần có nhiều vốn, chỉ cần một ít công cụ thủ công cùng đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt là sự siêng năng cần mẫn. Với điều kiện như thế, khi sản phẩm nghề thủ công có chỗ đứng trong nền kinh tế hàng hóa, thì làng nghề thu hút được nhiều lao động. Làng nghề thủ công truyền thống là cơ sở xã hội bình ổn, lành mạnh.

Làng nghề thủ công truyền thống ngoài việc tạo việc làm cho người tại chỗ, còn cung cấp việc làm cho một số người làm dịch vụ cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hoàn chỉnh và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm… Xóm thủy tinh Phú Thọ giúp cho người buôn bán ve chai thêm thu nhập; làng dệt Tân Xuân, Bảy Hiền tạo thêm công ăn việc làm cho người thợ nhuộm; làng thuộc da Phú Thọ tạo việc làm cho người thợ sơn và đánh bóng da…. Như vậy, nếu được sự nâng đỡ của nhà nước bằng một loạt chính sách để các làng nghề “đứng” được trong cơ chế thị trường thì chắc chắn “làng nghề” sẽ góp phần rất tích cực với nhà nước trong vấn đề giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động quá phong phú của thành phố ta hiện nay.

Làng nghề là nơi cộng đồng dân cư có lối sống văn hóa: sống yêu lao động; sống cần cù, giản dị, tiết kiệm; sống đùm bọc, giúp nhau cùng rèn luyện tay nghề. Làng nghề là nơi không có đất để văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn: ma túy, cờ bạc, rượu chè, đua xe… nẩy nở. Phải chăng chính vì lẽ đó mà nảy sinh nhận thức: làng nghề thủ công truyền thống chắc chắn sẽ đóng góp tích cực, thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Giá trị văn hóa của nghề và làng nghề truyền thống thể hiện qua sản phẩm, cơ cấu của làng, lối sống, phong tục tập quán của cộng đồng. Những sản phẩm thủ công truyền thống hầu hết là những sản phẩm hàng hóa mang tính nghệ thuật, nó là sản phẩm văn hóa vật thể vừa chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể. Những sản phẩm thủ công thể hiện sự ứng xử của con người trước nguyên liệu, trước thiên nhiên. Từ nguyên liệu thô sơ, qua bàn tay tài hoa, tâm huyết của người thợ đã trở thành những sản phẩm xinh xắn, duyên dáng vì sản phẩm là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ lao động, sự thông minh sự sáng tạo, tinh thần lao động của người thợ – nghệ nhân. Những người thợ đúc đồng Gò Vấp tiếp thu kỹ thuật và kinh nghiệm bao đời của cha ông, tạo nên những chiếc lư đồng nổi tiếng. Người thợ chạm khắc gỗ mang tinh thần sáng tạo từ miền Trung vào Trung Mỹ Tây, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Mỗi làng nghề thực sự là một địa chỉ văn hóa, phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng. Làng nghề truyền thống từ lâu đã trở thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của văn hóa dân gian. Những giá trị văn hóa chứa đựng trong các làng nghề truyền thống ở Sài gòn đã tạo nên những nét riêng độc đáo đa dạng nhưng cũng mang bản sắc chung của văn hóa dân tộc Việt Nam. Xin chúc các làng nghề thủ công truyền thống ở Sài gòn đứng vững, mãi sáng tỏa giá trị văn hóa trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Sức hấp dẫn của làng nghề Sài Gòn

Tại khu du lịch Văn Thánh có bốn làng: Gốm Việt, Kim Mộc Thạch, Trăng Thu, điêu khắc đá Nguyễn Hồng. Chủ nhân của các làng nghề này cho biết, du khách đến tham quan rất thích thú, vì họ được tìm hiểu, chứng kiến đôi bàn tay vàng từ những nghệ nhân thật tài hoa, đặc biệt họ được tham gia sản xuất tại chỗ, đáp ứng tâm lý được thử của người đi du lịch.

Điêu khắc đá

Tại trung tâm thành phố, một số cơ sở nghề truyền thống cũng đã bắt đầu chú ý đến việc thu hút khách du lịch đến xem, mua sản phẩm. Như cơ sở tranh thêu tay Cẩm Tú, nhờ ưu thế có mặt bằng rộng, đã mở một showroom trưng bày tác phẩm tranh thêu tay nghệ thuật ở bên dưới; còn trên lầu là nơi thợ thêu làm việc. Khách đến đây thưởng lãm tranh, còn được tận mắt xem các nghệ nhân phả hồn mình vào từng nét chỉ đầy sống động. Bà Nguyễn Thu Hà, chủ cơ sở cho biết, đã liên kết với một số công ty du lịch đưa khách đến tham quan, mua tranh, họ rất thích thú và khâm phục người thợ, người phụ nữ Việt Nam.

Chị Huỳnh Như, hướng dẫn viên công ty du lịch Vietravel kể lại, có lần đưa đoàn khách Pháp đến Củ Chi, sau khi tham quan địa đạo, chị đưa khách vào xem một lò bánh tráng, họ vô cùng thích thú, nhiều người nhờ chủ nhà cho học nghề tại chỗ tráng thử bánh với vẻ đầy thích thú, sau đó còn ghi lại địa chỉ để liên lạc và còn biếu tiền cho chủ nhà nữa!

Cho đến nay, TP.HCM vẫn còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời như: nghề đúc lư đồng thờ ở Gò Vấp, thêu tranh ở một số quận trung tâm, làm hàng mã của người Hoa Chợ Lớn, xe nhang – làm tượng Phật ở Bình Chánh; đan mây, tre, lá ở Thái Mỹ; tráng bánh ở Phú Hoà Ðông (Củ Chi); làm sơn mài Thủ Ðức…Mỗi làng nghề đều có giá trị văn hoá và sức hấp dẫn riêng. Tỷ như đến với nghề xe nhang ở Bình Chánh, du khách biết được từng công đoạn làm thành những cây nhang. Hay đến nghề làm sơn mài Thủ Ðức, ngoài việc chứng kiến những nghệ nhân đục, chạm, mài…du khách còn được xem nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Bà Francoise Chabrier, du khách người Pháp cho biết: Khi đến TP.HCM, công ty du lịch dành thời gian cho chúng tôi mua sắm quà lưu niệm ở các shop và trung tâm mua sắm, nhưng thật ra tôi và những thành viên trong đoàn không thích thú bằng khi đến mua quà lưu niệm tại các làng gốm và sơn mài tại Bình Dương. Tham khảo qua nhiều tour tổ chức cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan TP.HCM, các công ty du lịch hầu như chưa đưa làng nghề ở thành phố vào trong tuyến điểm. Giám đốc một hãng lữ hành quốc tế cho rằng do làng nghề không hấp dẫn, người dân làng nghề chưa hiểu về du lịch, đường đi lại khó khăn…Trong khi đó chính nghệ nhân các làng nghề lại thiết tha mong muốn biết ngành du lịch cần gì ở họ, họ sẽ sẵn sàng và cần sự tư vấn từ ngành du lịch. Ông Lê Chi Minh Ðoán, hướng dẫn viên của Saigontourist đưa ý kiến, nên chăng ngành du lịch thành phố phối hợp với các địa phương xây dựng những điểm tham quan tiêu biểu ở mỗi làng nghề. Phải tính cách khi làng nghề không vào mùa, thì những điểm này vẫn duy trì sản xuất cho du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, cần có những đội ngũ thợ, nghệ nhân biểu diễn và giới thiệu văn hoá làng nghề… Nếu làm được những điều này, làng nghề sẽ có khoản thu không nhỏ, thậm chí có những đơn đặt hàng xuất khẩu lớn, mở thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Ðồng thời khách đến TP.HCM có thêm điểm tham quan, tạo sự hấp dẫn, tránh sự đơn điệu quanh quẩn những di tích lịch sử.

Nguồn: toiyeusaigon.vn
BTV Thúy Hường

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995