Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghị luận

Thanh âm giữa đại ngàn

25/11/2023 - 2184 Lượt xem
QUẢNG NGÃI - Đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều làn điệu dân ca, nhạc cụ, lễ hội truyền thống. Giữa núi non trùng điệp, thanh âm của những nhạc cụ truyền thống cùng tiếng hát của đồng bào Hrê mãi ngân vang.

Những hạt nhân của làng

Chúng tôi về thôn Xà Ây, xã Sơn Cao (Sơn Hà) đúng vào dịp cả làng cùng nhau tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Những chàng trai, cô gái miền sơn cước trong trang phục truyền thống của dân tộc mình say sưa theo từng nhịp chiêng, điệu múa. Trong số đó có anh Đinh Văn Ty (37 tuổi), người dày công bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Hrê. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa), anh Ty được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Xà Ây.

Nghệ nhân Đinh Brum, ở xã Sơn Bao (Sơn Hà), biểu diễn đàn ba rót. Ảnh: Trường Linh

Anh Ty chia sẻ, vì có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ nên sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự tôi thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Nhờ được đào tạo chuyên ngành về âm nhạc nên kiến thức, kỹ năng thẩm thấu âm nhạc của tôi cũng ngày một tốt hơn. Bên cạnh sử dụng các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, tôi còn có thể sử dụng nhạc cụ âm nhạc hiện đại để chuyển tải những ca khúc của dân tộc mình theo một tiết tấu, phong cách khác, tạo nên sự phong phú cho người nghe.

Hôm thôn Xà Ây tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, anh Đinh Ka Rỏ (45 tuổi), ở thôn Đồng Xạ, xã Sơn Cao cũng được mời đến biểu diễn văn nghệ. Những làn điệu kalêu, ca choi qua tiếng hát của anh Ka Rỏ ngân lên trong không gian của làng như tiếng chim rừng thánh thót, tiếng suối chảy bên sườn đồi. Anh Ka Rỏ là hạt nhân của làng trong phong trào văn hóa - văn nghệ, đặc biệt là lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, nên được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ có giọng hát hay, Ka Rỏ còn tự sáng tác nhiều bài dân ca gắn với các ngày lễ hội cũng như thể hiện lối sống, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Hrê. “Tôi rất vui khi thể hiện những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Bản thân tôi không ngừng tìm tòi, nâng cao kiến thức âm nhạc. Mong rằng các bạn trẻ cố gắng học hỏi, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ở huyện Sơn Hà”, anh Ka Rỏ chia sẻ.

Bảo tồn văn hóa Hrê

Những năm qua, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD - TT, huyện Sơn Hà đã mở nhiều lớp dạy tiếng Hrê, truyền đạt dân ca, dân vũ và chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê cho người dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.

Đồng bào Hrê Sơn Hà biểu diễn múa chiêng. Ảnh: Trường Linh

Theo thống kê chưa đầy đủ, người dân ở huyện Sơn Hà đang lưu giữ hơn 1.000 bộ cồng chiêng. Hơn 10 năm qua, nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn, ở xã Sơn Trung, miệt mài sưu tập các vật dụng, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê. Hơn 100 hiện vật gồm có chiêng, ché, các loại nhạc cụ được ông Bôn sưu tầm, cất giữ cẩn thận. Mỗi hiện vật đều gắn với câu chuyện văn hóa của dân tộc Hrê. “Cồng chiêng gắn bó với đồng bào dân tộc Hrê, không chỉ đơn giản là nhạc cụ mà còn là đời sống tâm linh. Nếu không bảo tồn, sưu tầm, gìn giữ, thì con cháu mai sau không biết về văn hóa của ông cha mình. Nghĩ thế nên tôi cất công  sưu tầm, lưu giữ di sản văn hóa trong căn nhà nhỏ của gia đình. Ngoài cồng chiêng, tôi còn sưu tầm các đồ dùng sinh hoạt của người đồng bào Hrê”, ông Bôn nói. 

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Hà lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm phải được đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Theo đó, huyện đã và đang triển khai khu bảo tồn văn hóa Hrê, phục dựng các nhà sàn, tiếp tục bảo tồn các làng nghề truyền thống, các nhạc cụ của người dân. Đồng thời, thường xuyên tổ chức cho thế hệ trẻ học tiếng Hrê, hát ca choi, kalêu... nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống, để tiếng cồng chiêng, tiếng đàn, lời hát của đồng bào dân tộc Hrê mãi ngân vang.

HỒNG HOA /BÁO QUẢNG NGÃI

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995