Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Chuyện nữ nghệ nhân người Mông đưa thổ cẩm sang trời Âu

21/06/2021 - 2371 Lượt xem
Khôi phục, gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã khó, nghệ nhân Vàng Thị Mai không ngờ rằng có ngày sẽ đưa được thổ cẩm sang trời Âu.

Nữ nghệ nhân Vàng Thị Mai, người đã góp phần đưa thổ cẩm người Mông ra với thế giới.

Gian nan quá trình đưa thổ cẩm sang trời Âu

Bà Mai nhớ lại: "Lần đầu đưa sản phẩm thổ cẩm sang Châu Âu là từ năm 2010. Khi đó, người của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam lên thăm Hợp tác xã (HTX) dệt và ngưỡng mộ sự độc đáo trên những sản phẩm thổ cẩm. Họ đã mời tôi mang theo sản phẩm sang Pháp giới thiệu tại các không gian hàng trưng bày".

Nghệ nhân Vàng Thị Mai đã có nhiều công sức khôi phục, bảo tồn và mang vải lãnh thổ cẩm sang trời Âu. Ảnh: P.Q

Đến năm 2012, trong khi tham dự Festival áo dài tại Huế, nhà thiết kế Minh Hạnh đã gặp bà Mai để nói về ý tưởng đưa sản phẩm dệt thổ cẩm Lùng Tám ra với thế giới cũng như quảng bá những nét đẹp trong trang phục và văn hoá của người Mông.

Năm 2013, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng một đoàn chuyên gia Châu Âu lên Hà Giang sống và làm việc cùng các thành viên HTX 7 ngày liền để chứng kiến toàn bộ quy trình làm ra những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống.

Bà Mai nhớ lại: "Các chuyên gia Châu Âu rất khó tính, họ yêu thích sản phẩm dệt thổ cẩm của người Mông bởi được biết chúng được làm hoàn toàn từ các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và do chính bàn tay những phụ nữ Mông tạo ra. Do đó họ yêu cầu rất khắt khe yếu tố tự nhiên của sản phẩm".

Vẽ sáp ong trên vải lanh, nét độc đáo khiến khách nước ngoài ưa chuộng bởi kỹ thuật này còn rất ít dân tộc trên thế giới giữ được. Ảnh: P.Q

Đó cũng chính là cách mà sản phẩm thổ cẩm của người Mông đã được tạo ra từ bao đời.

Chứng kiến toàn bộ quá trình đó, những khách hàng từ Châu Âu đã rất hài lòng.

Sau lần đó, các đơn hàng từ nhiều thị trường như Thuỵ Điển, Pháp, Italia... được liên tục nhận về, hợp tác xã hoạt động gần như quanh năm không hết việc.

Tuy vậy, con đường đưa thổ cẩm truyền thống sang với trời Âu không phải dễ dàng.

Khi khách hàng đã chấp nhận về chất lượng thì vấn đề khác lại nảy sinh trong khâu thông quan các lô hàng tại hải quan nước ngoài.

Họ yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp được xác nhận của chính quyền kèm chữ ký của các nghệ nhân 105 tuổi.

Rồi đến việc quản trị điều hành một HTX với hàng trăm con người là thách thức đối với một người nông dân như bà Mai.

Đây cũng là 1 trong những yêu cầu của phía Châu Âu mà người quản lý phải đáp ứng được. Thế là bà Mai vừa làm vừa học hỏi.

Thổ cẩm của người Mông đã vươn mình ra thế giới

Năm 2015 sản phẩm của HTX được trưng bày tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức ở Hà Nội.

Từ đây, sản phẩm dệt truyền thống của người Mông được đại biểu của nhiều Nghị viện thế giới biết đến, quan tâm và đặt hàng làm quà tặng.

Bà Mai phấn khởi chia sẻ, hiện những sản phẩm dệt thổ cẩm Lùng Tám vẫn đang được trưng bày tại khách sạn Nikko, Hilton (Hà Nội). Tự hào hơn khi tại trụ sở Uỷ ban Châu Âu, trụ sở Liên Hợp Quốc cũng đã dành riêng một không gian để trưng bày những sản phẩm của HTX.

Trước năm 2000, nghề dệt lanh thổ cẩm ở Hà Giang có nguy cơ mai một. Việc thành lập được HTX dệt thổ cẩm Lùng Tám là một bước ngoặt quan trọng khôi phục, gìn giữ được nghề truyền thống.

Đến nay HTX đã có tới hơn 200 thành viên, chủ yếu là phụ nữ Mông.

Nhiều phụ nữ Mông đã có được công việc làm ổn định từ nghề dệt thổ cẩm . Ảnh: P.Q

Bà Mai cho biết, trước khi chưa có dịch COVID-19, mỗi ngày HTX đón cả trăm lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan và mua các sản phẩm.

2 năm nay dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của HTX, đa số các thợ lành nghề phải nghỉ, sản phẩm làm ra bị tồn đọng.

Bà Mai lo lắng nếu tình hình này kéo dài, nhiều phụ nữ Mông có nguy cơ bỏ nghề.

Bà Mai trăn trở: "Để có được một sản phẩm lanh thổ cẩm truyền thống phải trải qua 41 công đoạn thủ công vì thế giá thành khá cao nên chủ yếu mới tiếp cận được khách nước ngoài, khách trong nước rất hạn chế".

Khó khăn là vậy, nhưng nữ nghệ nhân vẫn giữ vững niềm tin với nghề: "Dù có khó cũng vẫn phải giữ lấy cái nghề đã có từ bao đời, giữ lấy văn hoá tốt đẹp của ông cha để lại cho con cháu chứa đựng trong tấm vải lanh được thêu dệt từ chính những người phụ nữ Mông".

Phong Quang

Nguồn Báo Lao Động

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995