Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Thái Nguyên: Làng nghề ‘‘khát’’ lao động trẻ tay nghề cao

29/10/2020 - 2955 Lượt xem
Thời gian qua, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn T.X Phổ Yên đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay, các làng nghề đứng trước thực trạng thiếu hụt lao động trẻ tay nghề cao, một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm tại các làng nghề chưa có sự đa dạng về mẫu mã và sức cạnh tranh trên thị trường. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin lấy ví dụ ở 2 làng nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn T.X Phổ Yên.

Sản xuất đồ mộc mỹ nghệ tại cơ sở của gia đình anh Hoàng Văn Bình, Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên).

 “Gỗ mỹ nghệ là nghề rất đặc thù, người học phải mất cả năm trời mới có thể thạo nghề, trong khi lớp trẻ dễ có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” nên họ sẵn sàng nhảy việc, rất ít người gắn bó lâu dài” - ông Dương Văn Hiến, Bí thư Chi bộ thôn Giã Trung, xã Tiên Phong chia sẻ. Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung được UBND tỉnh công nhận năm 2008, với quy mô hơn 200 xưởng sản xuất, thu hút khoảng 1.000 lao động tham gia. Hiện nay, làng nghề có rất nhiều nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, óc tư duy sáng tạo đã tạo ra rất nhiều sản phẩm đặc sắc, được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, những người làm nghề nơi đây không khỏi lo lắng trước thực trạng làng nghề dần mai một vì thiếu đội ngũ lao động kế cận. Bởi phần lớn lao động đều có độ tuổi từ 40 trở lên, trong khi lực lượng lao động trẻ tay nghề cao không nhiều, chiếm khoảng 20%.
Anh Dương Văn Thu, chủ một cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ ở xóm Giã Trung 1 cho biết: Đối với các sản phẩm đòi hỏi độ tinh xảo, thẩm mỹ cao, cơ sở chủ yếu làm thủ công. Tuy nhiên, lao động làm việc đều ở độ tuổi trên, dưới 50, chưa bàn đến vấn đề sức khỏe nhưng độ nhạy bén, sáng tạo khó có thể bằng những người trẻ. Dù đã nhiều lần đưa thông tin tuyển dụng lao động học nghề với chế độ ưu đãi nhưng cơ sở không thu hút được những người ở độ tuổi từ 20 đến 30. Trong khi đó, để làm các sản phẩm này phải mất thời gian 15-20 ngày, do vậy, dù biết giá trị kinh tế cao, song cơ sở ít nhận những đơn hàng này vì không đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tương tự, Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà, xã Trung Thành cũng rất khan hiếm lao động trẻ lành nghề. Hiện nay, trong tổng số trên 350 lao động làm việc ở hơn 30 xưởng sản xuất thì có tới 80% lao động từ 45 tuổi trở lên. Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng xóm Cẩm Trà cho biết: Mặt hàng chính của Làng nghề là làm con tiện cầu thang với khoảng 70% sản phẩm được tạo ra bởi máy móc chuyên dụng. Nhưng những con tiện mẫu trước tiên phải được làm thủ công rồi mới áp dụng trên máy để cắt, pha, chạm khắc. Tuy nhiên, đa phần là lao động phổ thông, tuổi lại cao nên việc tiếp cận và nắm bắt công nghệ, xu hướng của thị trường còn hạn chế, ít tạo ra được những mẫu mã đa dạng, tinh tế mà chủ yếu sản xuất theo một khuôn mẫu có sẵn. Điều này khiến sản phẩm của Làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc duy trì chứ chưa có sự cạnh tranh trên thị trường.
Nguyên nhân các làng nghề gỗ mỹ nghệ vắng bóng những thợ trẻ lành nghề là do nghề này đòi hỏi sự tỷ mỷ, kỳ công nên không thu hút được lớp trẻ. Cùng với đó, mức thu nhập ở các làng nghề không ổn định, công việc phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường là chủ yếu. Trong khi đó, T.X Phổ Yên những năm gần đây có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp đứng chân nên con em địa phương sau khi tốt nghiệp THPT hoặc các trường đại học, cao đẳng nếu không làm việc ở cơ quan Nhà nước đã lựa chọn làm việc tại các công ty với mức thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Mặt khác, lao động làm việc tại các làng nghề chủ yếu là do truyền tay, chưa qua các lớp đào tạo nghề bài bản; nhiều cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, máy móc chưa được cải tiến, trang bị đầy đủ nên khó thu hút lao động trẻ. Anh Nguyễn Văn Tùng, ở xóm Cẩm Trà chia sẻ: Làm việc tại công ty, ngoài môi trường làm việc được đảm bảo, tôi còn được hưởng các chế độ chính sách như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động… Mặc dù gia đình có truyền thống làm nghề gỗ mỹ nghệ nhiều năm nay nhưng tôi quyết định đi làm công nhân tại Khu Công nghiệp Nội Bài (Hà Nội), thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, T.X Phổ Yên có 34 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, hoạt động trong các lĩnh vực: Chè, mộc mỹ nghệ, mây tre đan. Trước thực trạng thiếu hụt lao động trẻ ở các làng nghề nói chung và 2 làng nghề gỗ mỹ nghệ nói riêng, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho rằng: Ngoài việc quan tâm đầu tư hỗ trợ về kinh phí thì công tác đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người lao động là vấn đề then chốt. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá và xác định đối tượng, nhu cầu học nghề của các lao động trẻ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Khuyến khích các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Các làng nghề cần chủ động đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm và cải thiện môi trường lao động để thu hút lao động trẻ làm việc…

Trịnh Phương

Nguồn Báo Thái Nguyên điện tử

http://m.baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/lang-nghe-khat-lao-ng-tr-tay-nghe-cao-273130-108.html

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995