Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Quảng Ninh: Ước muốn khôi phục một làng nghề truyền thống

26/08/2020 - 2329 Lượt xem
Nguyện vọng của 55 lán tàu thuyền với hàng ngàn thợ thuyền là con cháu Tiên công mở đất ở khu đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) muốn dựng lại đền thờ Tổ nghề và được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận đây là làng nghề truyền thống...

Ông Lê Đức Chắn, một chủ lán thuyền lớn ở thôn Cống Mương (phường Phong Hải, TX Quảng Yên) đến Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã nộp đơn xin công nhận làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống phường Phong Hải.
Kèm theo đơn là hai bản danh sách, một là tên 32 chủ lán thuyền hiện đang hoạt động ở thôn Cống Mương, phường Phong Hải, thôn Bến Đò, phường Nam Hoà và phường Hà An (TX Quảng Yên). Theo ông, vào thời gian nhiều việc, 32 lán thuyền này có tới hơn 1.000 thợ thuyền lành nghề đóng và sửa tàu, thuyền, với mức lương khoảng trên 7 triệu đồng người/tháng. Bản danh sách thứ hai gồm 23 lán thuyền do các thợ thuyền của làng nghề Phong Lưu nay đang truyền nghề và mở lán đóng tàu thuyền ở các địa phương khác trong, ngoài tỉnh.
Ông Chắn còn cho biết, ông và các cộng sự vừa sưu tầm được một tấm bia đá khắc chữ nho ở đền thờ Thánh sư của làng nghề đóng thuyền gỗ xã Phong Lưu xưa; đền thờ nay không còn và ông đề đạt nguyện vọng của những người thợ thuyền ở xã Phong Lưu (nay là các phường Phong Hải, Phong Cốc, Nam Hoà, Hà An), muốn được trên công nhận làng nghề đóng tàu thuyền gỗ và phục dựng lại đền thờ Thánh sư tổ nghề đóng thuyền để giáo dục truyền thống và động viên thế hệ trẻ nối nghề ông cha, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế quê hương...

Bia ở đền thờ Tổ làng nghề Phong Lưu.

Tháng 9 năm Tự Đức thứ 28 (1875), thợ thuyền lành nghề Lê Kỳ Đoài hội họp thợ thuyền tại phía đông đình Đăng Cốc, đó là nơi thờ tự tổ nghề. Khâm mệnh quan tỉnh Hồ Đại nhân, lo liệu nên chọn được đất tốt chuyển về đây để xây đền thờ tổ nghề đóng thuyền. Mong các vị tiền bối truyền thụ kỹ nghệ đóng thuyền.

Qua nội dung tấm bia khắc cách đây 138 năm ghi sự kiện dựng lại đền thờ Tổ nghề ở xóm Đông làng Phong Lưu và danh sách thợ thuyền hiện nay, tôi thấy làng nghề đóng thuyền gỗ ở xã Phong Lưu có thể được hình thành từ hơn 400 năm trước. Thợ thuyền của làng nghề chủ yếu là hậu duệ của các Tiên công dòng họ Vũ (thuỷ tổ Vũ Song), họ Lê (thuỷ tổ Lê Khép, Lê Mở), họ Nguyễn (thuỷ tổ Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh)...

Ông Chắn dẫn tôi đi xem mô hình hai con thuyền ba vát có hai buồm cánh dơi truyền thống của cư dân vùng sông nước Bạch Đằng. Đó là một con thuyền vận tải, một con thuyền chã tôm dài chừng 1,3 mét. Ông Chắn say mê giới thiệu các cấu kiện trên con thuyền thu nhỏ: lườn thuyền, mạn thuyền, khoang lái, khoang mũi, khoang chở hàng, bánh lái lòng, bánh lái mũi, cột buồm lòng, cột buồm mũi, buồm lòng, buồm mũi hình cánh dơi bằng vải diềm bâu nhuộm đâng v.v.

Ông Chắn có vẻ rất tự hào khi nói về tính năng của con thuyền ba vát chạy bằng hai buồm cánh dơi quê ông, nó có thể tiến lên phía trước cả khi ngược nước, ngược gió. Rồi ông giới thiệu cách chạy xuôi gió (vật buồm cánh tiên), cách chạy ngang gió (buồm pha chằng) và chạy vát khi ngược nước, ngược gió. Tôi giật mình nghĩ tới những con tàu gỗ thời trung đại ở phương Tây và Trung Hoa chạy bằng nhiều cánh buồm vuông, nhưng chúng không thể tiến lên phía trước khi ngược nước và ngược gió, muốn tiến lên phải dùng sức của rất nhiều người chèo. Kể cả những con thuyền mành, thuyền vỏ dưa, thuyền lườn mòi của cư dân vùng châu thổ sông Hồng và người dân biển suốt dải miền Trung, thuyền chạy bằng buồm cánh kẹo, mỗi khi ngược gió đều phải dùng sức người chèo hoặc lên bờ kéo thuyền mà đi. Phải chăng, những con thuyền có thể chạy ngược gió bằng cánh buồm này đã từng làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tý 1288 chăng? - Tôi tự hỏi.

Thăm lán thuyền ở ngay sau ngôi nhà gỗ to đẹp của ông Chắn, hàng chục thợ thuyền đang làm việc. Lán đang sửa chữa 5 con tàu gỗ và đang vào lườn đóng mới hai con tàu. Nhìn về hai phía từ lán ông Chắn, ven bờ sông Chanh có 12 lán đóng tàu thuyền với hàng trăm thợ thuyền đang sửa chữa và đóng mới hàng trăm tàu, thuyền. Những tiếng khoan, tiếng búa, tiếng người nói sôi động cả làng nghề đóng tàu thuyền ở Cống Mương. Ông Chắn kể: Ông cha chúng tôi ngày xưa ghép ván đóng thuyền bằng dây mây chứ không dùng đinh. Người thợ dùng khoan tre khoan lỗ ở mặt trong của các tấm ván, rồi dùng dây mây đã tuốt lấy cật, hong gác bếp, ngâm nước vôi cho mềm rồi luồn qua các lỗ khoan thít dây mây và dùng nêm ghép chặt các mảnh ván lại với nhau. Cứ như thế ghép lườn thuyền, mạn thuyền. Cạo vỏ cây sắn làm phoi sảm mạch ván. Lấy vỏ con hà cồn dưới sông Chanh nung lửa tán nhỏ thành vôi, sau đó dùng dầu trẩu trộn với bột vôi hà, dùng chày gỗ giã nhuyễn thành vôi hà để chít vào các mạch ván thuyền. Khi hạ thuỷ phoi sảm trương lên bít kín mạch ván, vôi hà ăn vào gỗ và cứng như đá, nước không thể ngấm vào trong thuyền. Tôi thầm ước, giá như còn một con thuyền ván đóng bằng mây ngày xưa của các cụ để trưng bày ở Bảo tàng Bạch Đằng Quảng Yên thì quý hoá biết bao nhiêu…

Đến chỗ đang ghép lườn hai con tàu đóng mới, ông Chắn chỉ con ván nằm giữa lườn tàu và gọi là con ván cái. Chọn con ván cái phải rất kỹ, thường là gỗ táu, hoặc xăng lẻ, gỗ phải già, không có sâu, hà, không có khoáy hầu, nếu có khoáy hầu, con tàu hoặc con thuyền đó sẽ “phản chủ”, khó điều khiển con thuyền. Rồi ông kể hàng loạt kỹ thuật đóng hai con tè; ghép ván lườn; kỹ thuật vào ván làm mạn tàu thuyền, ghép con trạch; kỹ thuật đóng thang thuyền; cong thuyền v.v.. Ông nói: Cái cốt lõi làm ra một con tàu, thuyền chắc chắn, chạy đằm và nhẹ là ở ván thuyền, bộ khung xương thuyền và kỹ thuật đóng thuyền của người thợ. Thang thuyền thì có thang ngang, dừng, tài bàn; thang dọc thì có cong song tử, con trạch; cong thuyền thì có cong lườn, cong mạn. Rồi khoang mũi, khoang chở hàng, khoang lái, khoang ở v.v.. và rất nhiều cấu kiện khác bằng các từ chuyên môn nghề nghiệp chỉ người thợ thuyền mới thuộc. Ông còn kể đến các kiêng kỵ của làng nghề khi đóng một con thuyền hay con tàu từ khi phạt mộc làm con ván cái đến khi hạ thuỷ. Không được đóng đinh từ ván cái sang con tè, hay đàn bà con gái cấm kỵ đi qua con ván cái khi phạt mộc v.v..

Ông Chắn cho biết ngày nay người ta chủ yếu đóng tàu gỗ gắn máy thuỷ, nhưng ở chỗ ông vẫn giữ kỹ thuật và những kiêng kỵ truyền thống của nghề đóng thuyền ba vát để đóng những con tàu mới, nên các con tàu rất chắc chắn và chạy nhanh, chịu được sóng gió. Tôi tới lán thuyền của ông Lê Công Khang, thôn Bến Đò, phường Nam Hoà. Ở lán đang đóng một con tàu gỗ lớn, một tàu nhỏ và sửa chữa hai con tàu. Ông Khang chỉ con tàu lớn đang đóng, cho biết thiết kế con tàu gỗ này được Sở Giao thông phê duyệt, nhưng đáy tàu thiết kế kiểu lườn mòi, nên khi có sóng biển, tàu chạy bị trành, lắc, sức chở không nhiều. Nhưng cũng kích thước và khối lượng gỗ như thế, áp dụng kỹ thuật đóng thuyền truyền thống ở đây, lườn tàu được làm đáy bằng, chỉ mòi phần mũi tàu, con tàu chạy sẽ đằm hơn trên sóng biển và có sức chở nhiều hơn, phù hợp với nhu cầu của người dân. Có lẽ vì vậy làng nghề nơi đây rất có uy tín với những người làm nghề sông nước vùng ven biển Đông Bắc và miền Trung, rất đông khách về đây đặt đóng tàu thuyền...
Nguyện vọng của 55 lán tàu thuyền với hàng ngàn thợ thuyền là con cháu Tiên công mở đất ở khu đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) muốn dựng lại đền thờ Tổ nghề và được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận đây là làng nghề truyền thống để truy ơn Tổ nghề, trao đổi với nhau kinh nghiệm kỹ thuật, hỗ trợ lẫn nhau mở rộng làng nghề, giải quyết việc làm cho cư dân trong vùng. Việc công nhận làng nghề truyền thống rất phù hợp với Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông Nghiệp. Một nguyện vọng thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi tin làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống của xã Phong Lưu xưa sẽ mãi trường tồn và phát triển bên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại.

Nguồn: quangyen.vn
BTV Nguyệt Ánh

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995