Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Nam Định: Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

07/09/2021 - 2499 Lượt xem
Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Nam Định đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: chính sách thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM, cơ chế thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa trong nông nghiệp; bảo vệ môi trường; bảo hiểm y tế; các chính sách nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ đất, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Trên quan điểm doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển công nghiệp, ngành nghề, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm “ly nông bất ly hương”, tỉnh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo thuận lợi nhất để phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp. Các ngành, các địa phương xác định rõ nông dân là chủ thể, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn và đã tích cực quan tâm hỗ trợ, xây dựng giai cấp nông dân vững về chính trị tư tưởng, nắm chắc, làm chủ các quy trình, công nghệ sản xuất, có kiến thức về thị trường, hiểu biết về pháp luật, có tác phong công nghiệp để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chế tác tượng thờ ở một cơ sở làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Viết Dư

Để tạo sức thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, các ngành, các địa phương chú trọng huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư xây dựng 20 cụm công nghiệp ở các huyện, tạo mặt bằng thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố và ưu tiên đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối với hệ thống giao thông khu vực. Giai đoạn 2008-2020, nguồn vốn đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 51.577 tỷ đồng (bằng 72,7% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước), trong đó số vốn đầu tư phát triển nông, lâm, thủy sản là 12.626 tỷ đồng, chiếm 24,5%. Mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh: Năm 2008 là 1.638,1 tỷ đồng, năm 2015 là 3.448,4 tỷ đồng, năm 2020 là 4.210,5 tỷ đồng. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, đã huy động được 19.826 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa, đồng thời thông qua dồn điền, đổi thửa, các hộ nông dân đã góp gần 3.000ha đất nông nghiệp (trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng) và hiến 206ha đất thổ cư (trị giá trên 1.000 tỷ đồng) để xây dựng NTM. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đạt 69.666 tỷ đồng (tăng 7,5 lần năm 2008), trong đó dư nợ tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn là 39.998 tỷ đồng (chiếm 40,2-57,4%, bình quân tăng 21,1%/năm). 100% số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu luôn được đảm bảo nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đã thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn nông thôn với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3.245 triệu USD. Trong đó, một số dự án có số vốn đầu tư lớn gồm: Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I tại huyện Hải Hậu với số vốn đầu tư 2.072 triệu USD, dự án Công ty TNHH Top Textiles với tổng vốn đăng ký là 203 triệu USD, dự án nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex với tổng vốn đăng ký là 80 triệu USD…

Trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành, các địa phương đặc biệt coi trọng việc áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa kết hợp với tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả; phát triển sản xuất hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân (từ tổ chức sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu đến tiêu thụ các sản phẩm); hỗ trợ thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho 7 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thành công trong dồn điền, đổi thửa kết hợp với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng giúp hầu hết các xã đã quy hoạch được các vùng “cánh đồng lớn” sản xuất nông nghiệp thuận lợi, hiệu quả hơn, có 83% số xã đã quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Việc tập trung ruộng đất, còn tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê gom, tích tụ được 1.750ha đất nông nghiệp tập trung để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; điển hình như: Công ty TNHH Cường Tân (350ha), Công ty Đình Mộc (96ha)… Toàn tỉnh đã hình thành, phát triển trên 150 cánh đồng lớn ổn định với quy mô từ 30ha trở lên, trong đó có 10-12 cánh đồng liên kết chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 15-20%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2008-2020 đạt bình quân 2,93%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh) đạt 20.350,1 tỷ đồng, tăng 41,4% so với năm 2008, dự kiến năm 2021 ước đạt 20.933 tỷ đồng. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 69,6%, giảm 15,9% so với năm 2008 (trong đó: trồng trọt chiếm 29,7%, giảm 22,8%; chăn nuôi chiếm 35,5%, tăng 5,7%).

Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động chọn những sản phẩm, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thế mạnh để khuyến khích phát triển; đồng thời tập trung các giải pháp phát triển nghề, làng nghề theo hướng gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng các vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 6.061 doanh nghiệp (tăng 3.540 doanh nghiệp so với năm 2008), trong đó có 99 doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản, tăng 70 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 180 nghìn lao động. Các làng nghề phát triển, toàn tỉnh có 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (tăng 53 làng nghề so với năm 2008) với trên 19.188 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Cùng với duy trì, phát triển các nghề truyền thống, nghề có sẵn ở địa phương, đã phát triển một số nghề mới như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, móc sợi, thúc dát đồng... Phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2020 tăng hơn 5,3 lần so với năm 2008. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,31 lần; đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 1%.

Để tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, nhất là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc...; thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các địa phương. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Toàn tỉnh phấn đấu, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 1,2 lần so với năm 2020 và đến năm 2030 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020./.

Thanh Thúy

Nguồn Báo Nam Định

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995