Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tương lai mở

Tuyên Quang: Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

24/07/2021 - 2311 Lượt xem
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở các tỉnh miền Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh - thị trường tiêu thụ chính của nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh ta, nhưng với những giải pháp cụ thể, linh hoạt của tỉnh, ngành Công thương và sự năng động của các doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng khá, nhiều dự án công nghiệp tiếp tục được triển khai, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý II-2021 của Thường trực Tỉnh ủy với Khối Kinh tế được tổ chức mới đây, đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nhưng ngành đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để khai thác, tìm kiếm thị trường, bảo đảm ổn định đầu ra cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng qua đạt 8.074 tỷ đồng, bằng 51,2% kế hoạch năm và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Gỗ tinh chế tiếp tục tăng trưởng khá.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị tăng trưởng cao nhất, đạt 6.923,2 tỷ đồng, bằng 52,6% kế hoạch, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Có 11/15 sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ gồm: Fero Mangan, Silico Mangan tăng 610,7%; gỗ tinh chế tăng 116,3%; hàng may mặc xuất khẩu tăng 61,8%; bột giấy tăng 51,1%; bột Fenspat tăng 27,5%; giấy đế xuất khẩu tăng 26,7%; giấy in viết, photo thành phẩm tăng 13,1%; thép thành phẩm tăng 7,9%; điện thương phẩm tăng 5,2%; xi măng tăng 3,3%; nước máy tiêu thụ tăng 2,6%. Còn 4 sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ là đường kính giảm 45,8%, bột Barit giảm 31%; chè chế biến giảm 19,2%; điện sản xuất giảm 3,9%.

Kết quả đạt được trong sản xuất công nghiệp khẳng định, tỉnh ta đã kịp thời khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh, ngành Công thương thường xuyên nắm tình hình sản xuất công nghiệp để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp, định hướng về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm là khai thác thị trường nội địa, chú trọng khai thác thị trường mới, thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh để tiêu thụ sản phẩm. Ngành Công thương tổ chức đoàn công tác kiểm tra trực tiếp tình hình triển khai Dự án Nhà máy thủy điện Hùng Lợi 1 và tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Công ty Chè Sông Lô, Công ty TNHH 27/7, Công ty TNHH Feldspar An Bình, Công ty Woodsland Tuyên Quang... tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Có thể nói đây là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh phấn đấu trong 6 tháng cuối năm giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.703 tỷ đồng, thực hiện cả năm 2021 đạt 15.777 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. UBND tỉnh, ngành Công thương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 25-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ trọng tâm là thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai các dự án vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế, nhất là chế biến gỗ rừng trồng, nông sản.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp và tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, nhất là các dự án thủy điện Yên Sơn, Sông Lô 7, Hùng Lợi 1.

Ngành Công thương tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung quy hoạch Dự án thủy điện Nậm Vàng 1, cho chủ trương nghiên cứu khảo sát Dự án thủy điện Sông Lô 9A, 9B. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thành lập các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch; xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp và năng lượng để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

 Bài, ảnh: Thùy Linh

Nguồn Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995