Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tương lai mở

Quảng Bình: Hướng đi mới cho làng nón Quy Hậu

23/11/2020 - 2392 Lượt xem
Làng Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy nằm khép mình bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Làng lâu nay được biết đến với nghề chằm nón đã tồn tại cả hơn trăm năm. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngày nay, nón lá Quy Hậu vẫn nổi tiếng vì bền và đẹp. Và, những người con của làng vẫn luôn tin rằng, nghề được cha ông truyền lại dù có thể hư hao theo thời gian nhưng không bao giờ mất đi…

Thăng trầm nón lá Quy Hậu…

Theo chân bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Thủy cũng là người con của làng Quy Hậu, chúng tôi về thăm làng nón trứ danh bốn phương này. Tuyến đường liên xã dẫn về làng Quy Hậu sau trận “đại hồng thủy” của những ngày tháng 10 vẫn còn nhiều dấu tích in hằn. Làng Quy Hậu bình dị nằm dọc bên dòng Kiến Giang, nơi mà nghề làm nón phát triển hưng thịnh từ những năm đầu thế kỷ 20.

Theo giới thiệu của chị Bé, chúng tôi ghé vào nhà vợ chồng cụ Đỗ Văn Giảng (84 tuổi) và Nguyễn Thị Thành (80 tuổi), hai người con của làng Quy Hậu có thâm niên gần 70 năm làm nón. Trong ngôi nhà nhỏ khép mình bên dòng Kiến Giang, dù tuổi đã cao nhưng hai cụ vẫn thoăn thoắt, dứt khoát trong từng đường kim, mũi chỉ trên chiếc nón.

Vừa chằm nón, cụ Giảng vừa chia sẻ, nghề làm nón được sổ sách của làng ghi lại rất cẩn thận qua các đời. Người đầu tiên đem nghề nón về với Quy Hậu là hai ông Nguyễn Văn Dỵ (thường gọi là ông Bộ Chiêm) và ông Đỗ Bá Mỡn (thường gọi là ông thợ Giồng) vào khoảng năm 1905-1906. Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (TX. Ba Đồn) may thuê. Chợ phiên Ba Đồn cứ bảy ngày nhóm một lần. Hàng hóa từ các vùng lân cận, cả tận ngoài Hà Tĩnh dồn về, nên rất phong phú. Chỗ làm nghề may của các cụ được thuê gần chợ Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa nay thuộc phường Quảng Thuận.

Nghề làm nón tại làng Quy Hậu.

Nơi đây có sẵn nghề làm nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình.

Trong nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và Hạnh. Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga (một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa). Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan truyền về Quy Hậu.

Cũng theo cụ Giảng, ở làng Quy Hậu, từ già đến trẻ, bất kể gái trai ai ai cũng biết chằm nón để kiếm thêm thu nhập. Phụ nữ thì tranh thủ thời gian những lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Trẻ em thì tranh thủ khi được nghỉ hè ở nhà phụ giúp gia đình chằm nón. Có những thời điểm khi nhu cầu đặt hàng lớn, cả làng như một “đại công trường” chằm nón.

“Nón của làng Quy Hậu ngoài tính thẩm mỹ thì yếu tố bền chắc được đặt lên hàng đầu. Mấy năm trở lại đây, trong khi không ít nghề truyền thống bị mai một thì nghề làm nón ở làng Quy Hậu vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đầu ra chưa ổn định đang đặt ra một thách thức đối với làng nghề hơn trăm tuổi này…”, cụ Giảng bộc bạch.

Tìm hướng đi mới cho nón lá Quy Hậu

Theo tìm hiểu, được biết, hiện nay, thôn Quy Hậu có khoảng hơn 700 hộ gia đình trực tiếp sản xuất nón lá, mỗi ngày sản xuất ra thị trường từ 800-1.000 chiếc nón. Giá mỗi chiếc nón ở đây dao động từ khoảng 45 đến 60 nghìn đồng/chiếc, sau khi trừ đi chi phí, người thợ làm nón chỉ thu về được khoảng từ 20 đến 30 nghìn đồng/chiếc. Nón Quy Hậu được chủ yếu xuất đi các tỉnh, thành phía Nam, như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang… Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm số lượng thu mua vì ế khách…

Khi chúng tôi đề cập tới việc tìm hướng đi mới cho nón lá Quy Hậu, ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết, trước đây, ghi nhận sự phát triển nghề làm nón ở Quy Hậu, địa phương đã thành lập “Hợp tác xã làng nghề nón lá Quy Hậu”. Nhưng, sau 7 năm thành lập, năm 2019, hợp tác xã làng nghề buộc phải giải thể vì hoạt động không hiệu quả; không có nguồn vốn để hoạt động; việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm khó khăn và việc quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nón lá Quy Hậu rơi vào bế tắc…

Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ nón lá, trong khi chính quyền đang loay hoay, bế tắc với việc phát triển nón lá Quy Hậu, thì những người con của làng đã mạnh dạn thay đổi để tìm kiếm thị trường mới, tăng thu nhập cho gia đình.

Bà Đỗ Thị Hà, nguyên Giám đốc HTX làng nghề nón lá Quy Hậu cho biết, ở làng Quy Hậu, cuộc sống người dân nơi đây còn thuần túy về nông nghiệp, làm nón tuy là nghề truyền thống nhưng cũng chỉ được xem là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn. Vì hình thức sản xuất còn mang nặng tính nhỏ lẻ, truyền thống nên thu nhập từ việc làm nón vẫn còn thấp.

“Nhận thấy nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây, để tăng giá trị của một chiếc nón thông thường, chúng tôi đã tiến hành cho nhiều hộ gia đình trong làng học thêm nghề thêu trên nón. Từ một chiếc nón thông thường có giá trị khoảng 60 nghìn đồng, nay nhờ thêu các bức tranh phong cảnh, chữ viết, mỗi chiếc nón đã có giá khoảng 200 nghìn đồng. Thu nhập của người thợ làm nón trong làng do đó cũng được tăng gấp đôi…”, bà Hà cho biết.

Những chiếc nón lá Quy Hậu được thêu thêm tranh có sức hấp dẫn với du khách.

Năm 2020, bà Hà đã nhận đặt làm 200 chiếc nón có thêu các hoa văn từ một dự án của hội phụ nữ để đưa đi nước ngoài với giá thành cao. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu sản phẩm nón Quy Hậu thêu các hoa văn đang được ưa chuộng tại thị trường trong nước nên việc làm sản phẩm nón lá và quảng bá thương hiệu sản phẩm này được nhiều người dân ở làng Quy Hậu triển khai.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng được biết đến là lớp người trẻ ở làng Quy Hậu bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp của mình bằng việc vẽ, thêu những bức tranh, nét chữ độc đáo lên chiếc nón Quy Hậu. Cô gái 9X này từng tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm Huế. Hiện tại, các sản phẩm của Hồng chủ yếu phục vụ khách du lịch ở thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch), TP. Đồng Hới và qua mạng xã hội với giá bán từ 40-150 nghìn đồng/cái tùy thuộc vào loại nón lá.

“Làng nón Quy Hậu được hình thành từ lâu, tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều người đã không còn mặn mà với nghề, bởi thu nhập không cao từ việc làm nón. Hiện nay, việc đưa ý tưởng bằng các hoa văn, hình ảnh, nét chữ thêu thêm cho chiếc nón truyền thống của làng đã làm tăng thêm giá trị cho chiếc nón Quy Hậu, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương…”, bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Thủy chia sẻ.

Ngọc Hải

Nguồn Báo Quảng Bình https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202011/huong-di-moi-cho-lang-non-quy-hau-2183020/

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995