Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tương lai mở

Hướng đi mới của nghề thủ công truyền thống

19/06/2020 - 2342 Lượt xem
Nghề và làng nghề thủ công truyền thống có ở khắp mọi tỉnh thành trong cả nước, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, loại hình sản xuất này đem lại những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, du lịch và hướng đến xu thế thân thiện, bảo vệ môi trường.

Kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử
Nghề thủ công Việt Nam vốn có truyền thống từ lâu đời, gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước và nương rẫy. Các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống không chỉ đem thu nhập cho một lực lượng lao động lớn của địa phương mà còn kết tinh trong đó những phong tục tập quán, sự khéo léo, óc thẩm mỹ và nghệ thuật truyền thống, dân gian cũng như bí quyết gia truyền và tri thức dân gian của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Sản phẩm từ nghề dệt lanh truyền thống của người Mông ở Hà Giang 

Nhìn vào sản phẩm nghề gốm truyền thống, có thể nhận biết được chủ thể văn hóa ở khu vực nào, thời kỳ nào và phản ánh đặc điểm về nghệ thuật thẩm mỹ đương thời. Tương tự như thế, nón lá là sản phẩm được các làng nghề truyền thống khắp các địa phương trong cả nước tạo ra nhưng mỗi vùng, có loại nguyên liệu, kiểu dáng và đặc tính của sản phẩm khác nhau. Nhìn vào hoa văn thổ cẩm hay lụa truyền thống – vốn có ở nhiều làng nghề ở khắp mọi vùng miền nhưng có thể nhận diện rõ ràng nét đặc trưng, đặc điểm lịch sử, địa – văn hóa của chủ thể văn hóa tạo nên nó.

Từ nghề thủ công truyền thống, các làng nghề được hình thành, liên kết bền chặt bởi mối quan hệ chằng chịt về địa vực, dòng họ, kinh tế đến văn hóa và tâm linh. Cùng với sản xuất, những người làm nghề cùng xây dựng nơi thờ tổ nghề và thực hành các nghi lễ liên quan. Nhờ đó, nghề và làng nghề không chỉ thắt chặt mối quan hệ của người trong làng mà còn liên kết chặt chẽ với những người xa quê hương.

Nghề truyền thống với những sáng tạo trong sản phẩm mới, chất liệu mới, hướng đến những sản phẩm thân thiện với môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Thế mạnh của nghề và làng nghề thủ công truyền thống còn từ những nguyên liệu để tạo nên sản phẩm. Hầu hết được làm từ nguyên liệu là các loại thực vật khác (tre nứa, bèo tây, lác, xơ và vỏ quả dừa…) hay phụ phẩm nông nghiệp. Quy trình sản xuất ít sử dụng nhất đến xăng, dầu, điện, nước... Đây chính là yếu tố đảm bảo sự thân thiện với môi trường trong sản xuất và sử dụng sản phẩm. Có lịch sử hàng ngàn năm, sản phẩm hàng thủ công truyền thống vẫn được ưa dùng trong thời hiện đại vì những giá trị hữu hình và vô hình của nó.

Xu hướng mới của nghề và làng nghề truyền thống
Trong cơn lốc của kinh tế thị trường, bắt đầu từ những năm thập niên 90 của thế kỷ XX, sản phẩm hàng hóa công nghiệp và sự xâm lấn của hàng lậu Trung Quốc với ưu thế giá rẻ, đa dạng mẫu mã, hình thức bắt mắt cùng với lối sống nhanh, gấp gáp, chỉ cần sự tiện lợi của đa số người tiêu dùng đã đẩy các sản phẩm thủ công truyền thống trở nên thất thế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề và làng nghề truyền thống đã và đang có những bước chuyển mình tích cực. Bên cạnh sự đa dạng về mẫu mã hàng hóa, sự sáng tạo nên sản phẩm mới từ các sản phẩm đã hướng đến việc phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Đặc biệt, sự kết hợp mới mẻ của du lịch tham quan sản xuất và làng nghề đã đem lại hiệu quả kép, là hướng đi thích hợp để nghề và các làng nghề truyền thống hồi sinh, khởi sắc.

Nghề truyền thống với những sáng tạo trong sản phẩm mới, chất liệu mới

Cũng như nhiều gia đình làm nón ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), gia đình nghệ nhân Lê Văn Tuy đã có những bước đột phá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Từ sản phẩm chủ đạo là nón lá, hàng loạt các sản phẩm khác đã được sáng tạo phục vụ nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng. Cùng với đó, sự phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành để tạo ra sản phẩm du lịch tham quan, khám phá làng nghề. Đây cũng là xu hướng chung của các làng nghề, nhất là các làng nghề thủ công mỹ nghệ, ẩm thực.

Nghề dệt zèng ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) những năm gần đây được hồi sinh và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm du lịch đặc trưng với các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề... góp phần nâng cao đời sống của đồng bào Tà Ôi nơi đây. Sản phẩm dệt thủ công của người dân huyện miền núi A Lưới xuất hiện ngày càng nhiều trên những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, từng bước nâng tầm vị thế nghề dệt zèng A Lưới.
Tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bến Tre… và nhiều tỉnh thành khác, các công ty du lịch, lữ hành khai thác khá hiệu quả các sản phẩm du lịch tham quan làng nghề. Sự bắt tay giữa làng nghề với các công ty du lịch, lữ hành là bước đi hiệu quả, đột phá để làng nghề vừa được quảng bá, vừa mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Một điểm mới trong sự chuyển mình của nghề và làng nghề truyền thống chính là khai thác các nguyên liệu truyền thống trong các sản phẩm mới hướng tới bảo vệ môi trường. Các sản phẩm thủ công truyền thống được tạo ra vừa thân thiện với môi trường, vừa góp phần giảm thiểu và thay thế các loại đồ dùng nhựa một lần.
Nghệ nhân làm bút tre Nguyễn Duy Thắng (xóm Chiêu, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) khai thác vật liệu tre nứa truyền thống để tạo nên thân bút bi. Năm 2010, sản phẩm bút tre phủ sơn quang dầu của nghê nhân Thắng trở thành một trong 18 tác phẩm đạt giải “Quà tặng dành cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội - nghìn năm văn hiến”.
Nguyễn Văn Mão (Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) được biết đến với thương hiệu các sản phẩm sáo dân tộc làm từ tre, trúc, nứa... với hơn 20 hệ thống đại lý cửa hàng trên toàn quốc. Từ tháng 2/2019, Nguyễn Văn Mão bắt đầu đưa ra thị trường sản phẩm ống hút làm từ tre và xuất khẩu ra nước ngoài.
Nghề và làng nghề nghề thủ công truyền thống Việt Nam đang từng khẳng định vị thế trên thị trường và khẳng định giá trị to lớn không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa và vai trò trong bảo vệ môi trường.

Nguồn: langngheviet.com.vn
(BTV Anh Tuấn)
 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995