Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tương lai mở

Bình Thuận: Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống

27/08/2020 - 2449 Lượt xem
Bình Thuận có khá nhiều làng nghề truyền thống như: sản xuất gạch ngói, bánh tráng, dệt thổ cẩm, gốm, chế biến hải sản, nước mắm, mây tre đan, chế biến gỗ và lâm sản... Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Không những thế, làng nghề còn góp phần mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển.

Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Trong đó, chế biến nông lâm thủy sản có 2.451 cơ sở; vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đan lát, cơ khí 2.609 cơ sở; thủ công mỹ nghệ 21 cơ sở; cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh 68 cơ sở; xây dựng vận tải sửa xe 4.993 cơ sở và đào tạo nghề 4 cơ sở. Hộ gia đình chiếm phần lớn trong tổng số cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn với 9.618 hộ.

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề.

Nghề làm bánh tráng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 05 làng nghề nông thôn được công nhận đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Gồm 02 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm: làng nghề bánh tráng Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) hoạt động tương đối ổn định, sản phẩm của các làng nghề được thị trường ưa chuộng tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập ổn định cho người dân trung bình từ 3 - 3,5 triệu đồng/ tháng. Làng nghề mây tre đan xã Đông Hà, huyện Đức Linh cũng hoạt động ổn định từ khi thành lập đến nay do Doanh nghiệp tư nhân Thái Thuận Phú điều hành quản lý. Tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 130 nghìn sản phẩm các loại, doanh thu hàng năm đạt gần 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Ngoài ra, làng nghề gốm gọ Bình Đức, huyện Bắc Bình có khoảng 67 hộ/ 150 lao động tham gia sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận bà con dân tộc Chăm và cư dân tại địa phương; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các làng nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn chưa thực sự phát triển do máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra chưa hấp dẫn, khó tìm được thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống, không tham gia làm nghề dẫn đến một số làng nghề phải giải thể hoặc xin chuyển đổi công năng (như làng nghề mía đường Tân Phúc, làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ...).

Sản xuất nước mắm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nhiều làng nghề vẫn cần được bảo tồn và phát triển nhằm duy trì hoạt động ổn định nghề truyền thống tại địa phương. Điển hình như các làng nghề dệt thổ cẩm, gốm gọ của đồng bào dân tộc, làng nghề bánh tráng, chế biến hải sản…. Song song đó cũng cần phải phát triển các làng nghề mới như sản xuất muối, khai thác đá, điêu khắc gỗ, mây tre đan....

Thời gian qua, Bình Thuận cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển làng nghề. Bên cạnh việc quan tâm tổ chức các hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thu hút đầu tư; tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tư vấn, khuyến nông khuyến công…

Để các làng nghề ngày càng được bảo tồn và phát triển, trong thời gian tới, cần rà soát thực hiện việc quy hoạch xây dựng các làng nghề, kết hợp du lịch theo chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề đã được phê duyệt, trong đó cần chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Cùng với đó, kịp thời triển khai các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề,  làng nghề nông thôn; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn được tiếp cận các chính sách. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn; từng bước đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học phù hợp; chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn gắn kết với các vùng nguyên liệu để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động…

Nguồn: binhthuan.gov.vn

BTV Xuân Bách

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995