Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Tương lai mở

Bình Dương: Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống: Một đề án nhiều kỳ vọng

24/09/2020 - 2412 Lượt xem
UBND TP.Thủ Dầu Một vừa có báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một” (gọi tắt là đề án). Việc triển khai hiệu quả đề án này sẽ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững.

Thực trạng khó khăn

Làng nghề sản xuất sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời của Thủ Dầu Một. Sản phẩm của làng nghề là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa phía Bắc kết hợp với thổ nhưỡng, nguyên liệu, lực lượng lao động cần cù, sáng tạo ở miền Nam tạo lập nên những sản phẩm mang nét đặc trưng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các nghệ nhân thì sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vốn nức tiếng cả nước bởi chất lượng, sự tinh xảo, nhẹ nhàng, mang đậm phong cách Á Đông. Thời kỳ vàng son nhất của làng nghề là vào khoảng thập niên 1980-1990 khi mà sản phẩm được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động từ các nơi khác đến.

Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đã mai một dần do thị hiếu cũng như chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Theo số liệu thống kê, năm 2001 làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có đến gần 2.000 hộ tham gia sản xuất với gần 4.000 lao động, nhưng hiện nay chỉ còn vài chục cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương. Ông Trương Quan Tịnh, Chủ doanh nghiệp sơn mài Định Hòa, cho rằng cái khó của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp thì cần đào tạo thế hệ trẻ yêu nghề thì mới giữ gìn và phát triển được làng nghề.

Triển khai thực hiện

Để không bị mai một, tỉnh đã có nhiều hỗ trợ cho làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, như hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng nghề sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường… Cùng với đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn Thủ Dầu Một và các vùng lân cận.

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đang có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị

Trên cơ sở đó, đề án được thực hiện tại khu đất công (Gò Ông Đốc) tổng diện tích hơn 54.000m2, tọa lạc tại tổ 32, khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Trong thời gian 4 năm (2020-2023), TP.Thủ Dầu Một sẽ triển khai xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung với đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, dịch vụ du lịch... Kinh phí ước thực hiện 105 tỷ đồng.

Đề án nhằm điều tra khảo sát thực tế hoạt động làng nghề, những khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng tháo gỡ, giải quyết; tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, chính sách liên quan để hỗ trợ cũng như đề xuất tham gia các hội thảo, triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm có chiều sâu, tìm kiếm thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Đồng thời, đề án còn hướng tới giới thiệu quảng bá về các di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo đặc thù ở địa phương lẫn cảnh quan khu vực xanh đẹp với các vườn cây ăn trái, ẩm thực và văn nghệ dân gian tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội...

Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh cho đề án; UBND tỉnh cho điều chỉnh quy hoạch phân khu để triển khai thực hiện đề án; bổ sung đề án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của thành phố... Với việc triển khai các dự án chi tiết để xây dựng một làng nghề của đề án phải được thực hiện có hiệu quả; đưa vào hoạt động quy cũ, tạo được thế mạnh để giữ vững giá trị làng nghề với sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng cao được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, tham quan và tiêu dùng.

Có thể nói, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. Đây là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề ở Bình Dương.       

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo đề án tiếp tục góp ý để hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; thống nhất tổ chức Lễ công bố đề án trong tháng 8-2020. Đối với các kiến nghị của UBND TP.Thủ Dầu Một, ông Mai Hùng Dũng đề nghị UBND thành phố từ nay đến cuối năm 2020 hoàn thành lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất triển khai đề án; điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng; tổ chức lấy ý kiến người dân, hiệp hội điêu khắc sơn mài và có phương án di dời, đền bù cho các hộ dân trên đất triển khai đề án.

Nguồn: baobinhduong.vn
 BTV Lê Hiền 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995