Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Sóc Trăng: Chùa Kh’Leang - Kiến trúc Khmer độc đáo

23/09/2020 - 3204 Lượt xem
Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng, chùa Kh’Leang (Sóc Trăng) thực sự là công trình có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật và tôn giáo.

Uy nghiêm và lộng lẫy

Chùa Kh’Leang tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, TP. Sóc Trăng trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ. Là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lịch sử gần 500 trăm.

Tòa chính điện uy nghi, nằm biệt lập ở bên trái con đường dẫn vào chùa.

Tên gọi của chùa Kh’Leang gắn liền với truyền thuyết địa danh Sóc Trăng, Kh’Leang theo tiếng Khmer sẽ có nghĩa là “xứ có kho”, gợi về một vùng đất xưa trù phú. Theo các thư tịch, chùa được xây dựng từ năm 1533, lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá, sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc chùa hiện nay như ngôi chánh điện và Sala được xây dựng mới vào năm 1918. Chùa có kiến trúc gần giống như các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia.

Cổng ở chính điện được làm bằng gỗ  - nguyên thân gỗ xẻ, miêu tả cảnh tiên nữ giao đấu với chằn

Cổng ra vào được trang trí bằng ba ngọn tháp với những hoa văn cổ truyền Khmer.

Cổng chùa quay mặt về hướng Đông, được trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hóa Khmer. Quần thể kiến trúc chùa Kh’Leang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa trên nền đất cao. Điểm độc đáo không kém chính là các công trình này trong chùa Kh’Leang đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam Bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer.

Chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo

Ngôi chánh điện được dựng bằng 07 hàng cột ngang ở phía trước, mỗi hàng có 10 cây cột trụ kéo dài ra phía sau. Ngôi chánh điện được xây trên mặt bằng cao hơn mặt đất, được tráng xi măng, có bậc tam cấp để đi lên. Bên trong chánh điện được trang trí các hình ảnh, hoa văn rất tinh xảo. Các bức tường thấp được xây dựng theo hành lang hình cánh sen hoặc các hình khối, tạo thành những đường viền cách vách chánh điện 1,5 m. Gần với các bức tường thấp, các vị sư trồng nhiều loại cây như: Cây thốt nốt, cây hoa sứ,...

Bên trong chính điện, bệ thờ và nơi đặt các tượng ở hai gian trong cùng.

Trên các khung cửa ngôi chánh điện được khắc chạm các nhân vật trong phục trang của người Khmer cổ. Trên hai cánh cửa gỗ được chạm khắc thể hiện cuộc giao đấu giữa Tiên nữ và Chằn (Yeak), người thì đứng trên Reach cha sei, kẻ thì đứng trên chim thần Krud trong cuộc giao đấu ngang tài ngang sức. Chung quanh chánh điện còn có các tượng Phật, các tượng chằn trong tư thế bảo vệ chánh điện. Trong chánh điện còn có tượng Phật cao tới 6,8m, phần thân tượng cao 2,7 m được đúc vào năm 1916. Bên cạnh đó, còn có những hình tượng khác như: hình chim muông hoa lá, hình tiên nữ đang múa trên bầu trời. Trên 12 thân cột trong chánh điện được trang trí hoa văn thể hiện sự giao thoa nghệ thuật của 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa. Trong chùa có tủ lưu giữ một số sách cổ. Đặt biệt, chùa còn lưu trữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch gốc tìm hiểu về địa danh Sóc Trăng, sự kiện xây dựng chùa đầu tiên và các nhân vật có liên quan trực tiếp đến nhà chùa.

Chính điện chùa nổi bật giữa khuôn viên rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Chùa có khoảng 45 tượng Phật Thích Ca làm từ nhiều chất liệu như ciment, gỗ, đồng, đá trắng, đất nung,... hầu hết được chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Giữa chính điện là tượng Phật thích ca ngồi thiền định trên bệ tượng cao, được trang trí nhiều tầng hoa văn hình cánh sen và lửa; mé trái là bức cửa võng bằng gỗ sơn son thiếp vàng trang trí đầy hoa văn hình chim muông hoa lá theo mô típ quen thuộc của người Kinh. Trần chính điện được trang trí các bức tranh sơn dầu vẽ hình tiên nữ đang múa trên bầu trời càng làm tăng thêm phần sinh động cho gian bên trong chính điện...

Hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện có tượng Yeak (Chằn), linh vật bảo vệ ngôi chùa.

Ngoài ra, trong khuôn viên của chùa còn mở một ngôi trường bậc trung cấp để giảng dạy văn hóa và dạy chữ Khmer, cũng chính trong khuôn viên này có trồng nhiều cây xanh mát mẻ, đến đây bạn có thể tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa.

Nguồn: langvietonline.vn
BTV Ngọc Anh

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995