Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Quảng Trị: Giữ gìn "hồn cốt" và phát triển nghề đan lát Lan Đình

23/08/2021 - 2778 Lượt xem
Làng nghề đan lát Lan Đình ở xã Gio Phong, huyện Do Linh, (tỉnh Quảng Trị) không ai biết chính xác có từ bao giờ nhưng từ xa xưa đến nay, hầu hết người dân sinh sống tại đây luôn tự hào và xem đan lát là nghề truyền thống của quê hương mình.

Với hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng Lan Đình xưa nay luôn mang một nét văn hóa riêng biệt của vùng quê thuần nông, người dân sống dựa vào nghề trồng lúa và hoa màu chủ yếu. Với đặc tính cần cù, chịu khó và đặc biệt là địa hình đồi núi, thuận lợi cho việc phát triển nghề đan lát, mây tre là nguyên liệu sẵn có quanh làng. Chính vì thế, nghề đan lát trở thành nghề truyền thống được lưu giữ nơi đây.

Nhiều sản phẩm, dụng cụ được làm từ tre để phục vụ cho nhu cầu đời sống và sản xuất như mũng, trẹt, thúng, rổ rá, dần…

Nhiều sản phẩm, dụng cụ được làm từ tre để phục vụ cho nhu cầu đời sống và sản xuất như mũng, trẹt, thúng, rổ rá, dần… là các sản phẩm truyền thống của làng, với quy trình sản xuất thủ công, nhưng lại thu hút được nhiều lao động tham gia sản xuất lúc nông nhàn. Ngoài những sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của ngươi dân, nơi đây còn có hàng mỹ nghệ làm bằng mây như chậu mây, đĩa mây, bát mây... cũng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, hiện nay không có tài liệu nào cho biết chính xác nghề đan lát của thôn Lan Đình có từ khi nào, nhưng từ khi thành lập thôn cách đây 600 năm đã xuất hiện nghề. Theo thời gian, trải qua nhiều thay đổi nhưng người dân vẫn gìn giữ và phát triển nghề đan lát truyền thống của cha ông để lại.

Tre là loại nguyên liệu chính để làm nên những sản phẩm đan lát thủ công.

Quyết định đến độ bền, đẹp của sản phẩm đan lát, đặc biệt là tuổi thọ và tính thẩm mỹ có cao hay không thì phụ thuộc vào quá trình chọn nguyên liệu. Người dân chọn tre là loại nguyên liệu chính để làm nên những sản phẩm đan lát thủ công. Tre là loại cây dễ thích nghi với mọi loại đất nên rất dễ trồng. Ở làng Lan Đình với địa hình đồi, đất đỏ bazan nên ngoài việc trồng hoa màu ở những nơi địa hình bằng phẳng thì người dân còn trồng thêm tre ở rìa làng hoặc ở nơi có địa hình cao nhằm giữ đất. Do vậy, nguồn nguyên liệu phục vụ cho nghề đan lát chủ yếu có sẵn ở địa phương.

Để có một cây tre không bị mối mọt, vào khoảng tầm tháng giêng là lúc các vườn tre được khai thác khá nhiều. Theo kinh nghiệm, cây tre được sử dụng để đan lát phải có thân thẳng, đốt dài, thưa mắt, đủ độ già và không bị mối, mọt phá. Những cây tre bị ngã đổ hoặc gãy ngọn sẽ không được chọn vì nó bị xốp do mất nước, dễ bị mọt và không bền.

Bà Nguyễn Lân - người làm nghề đan lát nhiều năm ở Lan Đình chia sẻ: “Muốn có những sản phẩm đẹp và độc đáo, người thợ phải biết chọn loại tre cho phù hợp. Nếu đan sàng, dần, trẹt, nẽn thì chọn tre lồ ô, vì cây tre lồ ô có đốt dài, ít mắt, dễ chẻ và dễ đan. Nếu đan thúng thì chọn tre già, vì loại tre này đặc ruột và đốt dày, mắt nhiều. Sau khi chặt và đưa tre về nhà, người thợ tùy theo kích cỡ của sản phẩm để đo rồi cưa tre thành từng đốt cho phù hợp. Phần ở gốc tre thường được sử dụng để làm vành/nẹp vì đoạn này tre đặc, phần thân tre dùng để đan, ngọn tre có ruột mỏng hơn nên dùng để đát.

Bên cạnh đó, nghề đan lát có được lợi thế là hiện nay nhu cầu sử dụng của người dân an toàn, hiệu quả và sạch sẽ, nó được làm từ nguyên liệu là mây tre tự nhiên. Trái ngược với những sản phẩm làm từ mây tre thì có nhiều loại rất tiện dụng, khá phổ biển bởi kiểu dáng, màu sắc đa dạng”, bà Lân nói.

Người dân momg muốn bảo tồn, gìn giữ những mặt hàng thủ công, mộc mạc, bởi cái cốt, cái hồn của một vùng quê mộc mạc. (Ảnh:Triphunter)

Chị Trần Hoài, sinh sống tại thôn Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh cho biết: “Ngày xưa, đan lát chủ yếu là công việc của đàn ông, phụ nữ chỉ có sử dụng. Ngày nay, việc đan lát không phân biệt đàn ông hay phụ nữ mà ai tâm huyết với nó đều được truyền nghề. Tuy mức thu nhập từ nghề không cao, nhưng người dân vẫn gắn bó với công việc này, vì đây là nghề truyền thống nhưng không phải là nghề chính, lúc nào rảnh rỗi hay trời mưa gió thì lại làm”.

Nhưng có lẽ chừng ấy thôi chưa đủ để lý giải về sự tồn tại của nghề đan lát tại thôn Lan Đình hàng trăm năm qua. Vì đây là 1 nghề mang tính truyền thống nhưng còn mang tính văn hóa. Những đồ dùng tưởng chừng như xưa cũ như thế vẫn luôn gắn bó và cần thiết trong cuộc sống. Và người dân thôn Lan Đình tin tưởng rằng những sản phẩm đan lát ấy sẽ luôn có chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại.

Để tạo ra được một sản phẩm đẹp, người dân mất khá nhiều thời gian, kỳ công, tỉ mẩn, trải qua nhiều công đoạn.

Nghề đan lát truyền thống đã xuyên suốt trong đời sống người dân nơi đây. Bà con vẫn theo nghề, bám nghề dù trải qua bao thăng trầm, biến cố. Vẫn biết rằng, nghề đan lát mất khá nhiều thời gian, kỳ công, tỉ mẩn, trải qua nhiều công đoạn nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao nên ngày càng ít người mặn mà với nghề.

Nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống phát triển, nhu cầu của con người chủ yếu muốn sử dụng những đồ dùng hiện đại, ít ưa chuộng đồ đan lát. Nắm bắt thực tế đó, người dân nơi đây mong muốn bảo tồn, gìn giữ những mặt hàng thủ công, mộc mạc, bởi cái cốt, cái hồn của những vùng quê luôn tồn tại trong từng sản phẩm. Nguyện vọng của bà con là được hỗ trợ và đảm bảo đầu ra cho cho sản phẩm để họ yên tâm mở rộng sản xuất, bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế địa phương, đưa sản phẩm làng nghề đến với mọi miền đất nước.

Phương Nhi

Nguồn thuonghieuvaphapluat.vn

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995