Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Lâm Đồng: Làng Văn hóa P'ró

20/08/2020 - 2290 Lượt xem
Ngày 29/7, trao đổi với Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Nguyên cho chúng tôi biết: Chúng tôi đang đốc thúc phía thi công các hạng mục công trình Dự án Làng Văn hóa P’ró khẩn trương hoàn thành giữa tháng 8 này. Sở cũng đã giao cho Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao (VHTT&TT) huyện Đơn Dương tổ chức sưu tầm, trưng bày và quản lý khi đưa vào sử dụng.

Làng văn hóa P'ró đang hình thành

Địa chỉ bảo tồn và du lịch 
Công trình Làng Văn hóa P’ró, tọa lạc ở thôn Đông Hồ, xã P’ró huyện Đơn Dương. Làng Văn hóa (LVH) được quy hoạch trên đồi thông, tổng diện tích 1,2 hecta. Trên cơ sở đề nghị của Sở VHTT&DL và UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2018, sau khi trực tiếp khảo sát, Bộ VHTT&DL đã đồng ý triển khai Đề án LVH này. Đây là địa chỉ nhằm bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Chu Ru, một trong 4 dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ở tỉnh Lâm Đồng. (Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh, vào cuối năm 2018, trong số 24,03% với 70.656 hộ, 314.104 người là đồng bào dân tộc thiểu số thì đồng bào Chu Ru chiếm 1,5%, tập trung ở huyện Đơn Dương). Tháng 6/2018, Đề án LVH được khởi công và tháng 3/2019 chính thức thi công các hạng mục công trình. Dự kiến tháng 9/2020 Đề án hoàn thành, nhưng theo ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Đơn Dương, quá trình xây dựng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và một số yếu tố khác nên tiến độ còn chậm. Theo thiết kế, LVH P’ró xây dựng 5 ngôi nhà gỗ được phỏng theo mô hình nhà ở của đồng bào Chu Ru. Bao gồm một nhà lớn trưng bày hiện vật, các nhà tổ chức sinh hoạt gia đình và cộng đồng cùng các hạng mục phụ. Tổng kinh phí đầu tư gồm 6 tỷ đồng từ Bộ VHTT&DL, 1 tỷ đồng đối ứng từ huyện Đơn Dương. Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, những người thi công là thợ mộc từ tỉnh Nghệ An đang ở tạm trong lán vì mưa. Họ đã dựng 3 nhà lớn và một nhà nhỏ, mái lợp ngói đỏ. Theo nhóm thợ, nhà bằng gỗ lim; cột vuông 32 cm x 32 cm, sàn và vách sẽ sử dụng ván gỗ… 
Giám đốc Nguyễn Văn Vinh cũng cho biết, dự án dành 435 triệu đồng triển khai mua các hiện vật; đào tạo kỹ năng du lịch cho cộng đồng để phục vụ du khách như lớp biểu diễn nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng và dân vũ…, phương pháp khai thác vận hành; hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ gia đình; phục dựng các mô hình… Cũng theo ông Vinh, được Sở VHTT&DL giao, Trung tâm đã sưu tầm thông qua mua lại của người dân đạt 80% số hiện vật văn hóa theo kế hoạch. Bao gồm: các loại nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng; vật dụng phục vụ đời sống như các loại gùi, cối giã gạo, dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ săn bắt, hái lượm... Đó còn là sưu tầm phục chế, tái trang bị các nhạc cụ truyền thống như: chiêng, cồng các loại, trống da trâu, tù và, khèn môi, khèn bầu các loại... Các hiện vật trong hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống như: chóe các loại, cây nêu, các trang phục gồm khăn đóng, áo dài, bầu đựng nước, chén và nồi đồng, mâm, chiếu cúng; hình ảnh các nghi thức truyền thống về cưới, tang, lễ hội. Và đó còn là các sản phẩm làng nghề của người Chu Ru như nhẫn bạc, đồ gốm, rượu cần... Ông Vinh nói: “Hiện nay chúng tôi đang thực hiện bảo quản tại Trung tâm. Theo Đề án, vào cuối năm 2020, sẽ trưng bày các hiện vật và tư liệu để đưa vào hoạt động. Từ LVH, du khách được thưởng lãm những hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể; được thưởng thức văn hóa ẩm thực. Chúng tôi cũng hướng đến triển khai các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông... Khách đến với LVH sẽ được giới thiệu đến các hộ đồng bào Churu và sinh hoạt với cuộc sống của gia đình họ. LVH cũng hướng đến mô hình lưu trú Homestay, đặc biệt là phục vụ đối tượng du khách quốc”.  
Hai nghệ nhân Chu Ru làng nghề gốm Kgrang 
Bài toán bảo tồn và phát triển  
Chúng tôi cùng thầy giáo người Chu Ru - Touneh Hàn Kim Khánh đến thôn Kgrăng gõ, nơi có nghề gốm đặc sắc của dân tộc Chu Ru. Tại gia đình của hai chị em nghệ nhân, bà Ma Li và Ma Bi, còn khá nhiều sản phẩm gốm mới. Ngoài những chiếc chóe cổ, sản phẩm đồ gốm do hai bà sản xuất thủ công bày trên kệ tủ, giữa nền nhà và cả những loại chưa nung đang phơi ngoài nắng. Sản phẩm gốm chủ yếu là các vật dụng phục vụ sinh hoạt của mỗi gia đình Chu Ru xưa như các loại nồi to nhỏ, ấm, bình, chén… Một số loại làm theo đơn đặt hàng của khách như chậu rửa, bình cắm bông… Tuy chỉ trơn hoặc ít hoa văn và đơn giản, nhưng công đoạn làm lại khá cầu kỳ và vất vả, từ việc lấy đất, phơi đất, giả đất đến tạo hình thủ công bằng tay và nung bằng củi với trấu. Bà Ma Li và Ma Bi đều cho biết, sản phẩm của họ khá nhiều khách đến tham quan và mua, nhất là khách đến từ các thành phố. Tuy nhiên, sản phẩm giá rất rẻ, thu nhập từ nghề không đáng kể, chỉ vì yêu và mong giữ lấy nghề truyền thống nên không bỏ. Hỏi về LVH P’ró, bà Ma Bi nói: “Mình cũng nghe nói. LVH đang sưu tập đồ của đồng  bào. Cũng có người  ngoài thị trấn  đến nhờ tìm mua, nhưng tìm được rồi mà chưa thấy họ vào lấy nên khách ở Đà Lạt họ đến mua mất rồi”. Chia sẻ với Giám đốc Nguyễn Văn Vinh  thông tin này, ông bày tỏ sự tiếc nuối. “Sở giao cho Trung tâm sưu tầm nhưng cũng có những món đồ cổ giá rất cao, không mua được. Để thành công, rất cần sự phối hợp của các xã trong công tác phát hiện và tuyên truyền”, ông Tiến nói. Còn ở xã Tu Tra, có một nghề đặc sắc của một người, đó là đúc nhẫn bạc thủ công. Chúng tôi có nhiều dịp đến với nghệ nhân Chu Ru này, anh Ya Tuất. Chứng kiến bàn tay điêu luyện từ kỹ năng đúc nhẫn của anh thật sự ngỡ ngàng. Nhưng Ya Tuất cũng một tâm trạng như các nghệ nhân làm gốm: Làm thế nào để thu nhập đáng kể chính từ nghề truyền thống truyền đời này? Vẫn là bài toán khó giải.   
LVH P’ró bên cạnh hồ thủy lợi P’ró, công trình có tổng diện tích lòng hồ trên 70 hecta; bao quanh là rừng phòng hộ nguyên sinh; hạ lưu hồ là 350 hecta củ năng được bà con canh tác. LVH cách Quốc lộ 27 khoảng 15 km, có đường ô tô vào ra; đồng bào Chu Ru định cư xung quanh với nghề gốm Kgrăng gõ và đúc nhẫn bạc đặc sắc... Huyện Đơn Dương còn là địa bàn tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa và cơ sở sản xuất sữa rất lớn... Đây sẽ là những tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch Lâm Đồng và Đơn Dương. Hi vọng mô hình LVH P’ró sẽ là điều kiện để nâng thực sự về chất lượng cuộc sống của chủ nhân văn hóa. Giá trị văn hóa bản địa Chu Ru không những được tôn vinh, mà bảo tồn căn cơ và bền vững. Bảo tồn và phát triển văn hóa phải là hai nhiệm vụ nối tiếp nhau.
Nguồn: baolamdong.vn
BTV Ngọc Anh
 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995