Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Hà Nội: Nỗ lực “giữ thăng bằng” trước đại dịch của doanh nghiệp “xứ mây”

28/07/2021 - 3006 Lượt xem
Được mệnh danh là “xứ mây” của Hà Nội, làng nghề mây tre đan Phú Vinh là một trong số ít làng nghề mà người dân có thể “sống” bằng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Thế nhưng, đứng trước đại dịch toàn cầu, việc sản xuất, xuất khẩu bị ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân làng nghề. Tiếp tục tìm hướng đi mới, giữ thăng bằng để vượt qua đại dịch chứ không thể bỏ nghề, đó là điều mà các doanh nghiệp “xứ mây” đang nỗ lực từng ngày.

Những con số “xót lòng” vì đại dịch

Vào cuối tháng 6/2021, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang có dấu hiệu “rục rịch” lan khắp địa cầu, trong ngôi nhà rộng rãi đậm chất nghệ thuật tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung rót chén nước chè mời chúng tôi, thân tình trò chuyện. Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ và là Giám đốc doanh nghiệp mỹ nghệ Hoa Sơn.

Ông chậm rãi nói: “Thông tin về tôi, về làng nghề thì có nhiều lắm, trên báo chí, các cháu cứ tham khảo trên đó. Còn bây giờ, cần cái gì mới thì tôi sẽ nói”. Ông rất vui khi chúng tôi muốn ông chia sẻ về tình hình kinh tế của làng nghề cũng như đời sống của bà con làng nghề khi đại dịch Covid-19 ập đến, kéo dài suốt 2 năm qua.

Nghề mây tre đan ở làng Phú Vinh có từ thế kỷ 15

“Thời kì hoàng kim của nghề mây tre đan Phú Vinh là khoảng thời gian từ năm 2006-2009, lúc ấy bà con có thu nhập rất cao, khoảng từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng một tháng thời bấy giờ. Thu nhập đủ để bà con tích lũy xây dựng nhà cửa và dành đồng vốn đầu tư cho nghề. Từ năm 2012, dân làng nghề vốn đã đi khắp nơi, thấy có thể sống bằng nghề cũng bắt đầu quay lại làng. Từ đó đến nay làng nghề cứ thế mà phát triển, trở thành kinh tế chủ lực của xã với 90% lao động làm nghề”, ông Nguyễn Văn Trung cho biết.

Năm 2019, ông Trung đứng ra thành lập Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ gồm 61 doanh nghiệp lớn nhỏ trong xã. Cũng trong năm này, doanh thu từ sản phẩm mây tre đan đạt tới con số 190 tỷ đồng. Năm 2020 dự kiến đạt từ 200 đến 220 tỷ đồng, nhưng do dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, doanh thu giảm sút chỉ đạt từ 110 đến 120 tỷ đồng. Theo ước tính của Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ, năm 2021 sẽ giảm doanh số đến 60%. Đây là con số mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cảm thấy “xót lòng”.

Một số nguyên nhân mà ông Trung phân tích liên quan đến thực trạng chung như chậm xuất khẩu, không xuất khẩu được do đối tác cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể nhận đơn hàng. Cùng với đó là việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam làm rất nghiêm ngặt khiến cho việc khai thác nguyên liệu bị hạn chế, quá trình vận chuyển cũng khó khăn. Khi có dịch, bà con không thể sản xuất tập trung do tuân thủ các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch, phải chuyển đổi sang sản xuất tại nhà, ảnh hưởng đến việc tham gia đóng góp về kỹ thuật,… chưa nói đến việc mua bán trong nước bị hạn chế vì nhiều lý do khác nhau.

Theo ước tính của Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ, năm 2021 sẽ giảm doanh số đến 60%

“Tuy khó khăn là vậy nhưng các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có thể đủ ăn, chứ không thể “lớn” hơn được nữa. Chúng tôi đang cố gắng xoay xở, giữ thăng bằng, tìm cơ hội, còn việc trở lại những khoảng thời gian như năm 2017-2019 thì chắc chắn không thể làm được lúc này”, ông Trung cho biết.

Là người đi tiên phong trong việc “phục dựng” lại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Trung không khỏi trăn trở về những hướng đi mới để giữ được mức thu nhập ổn định cho bà con làm nghề, chờ đợi hồi phục trong thời gian tới.

Để có được thành tựu như ngày hôm nay, người dân “xứ mây” đã phải trải qua hàng chục năm gian nan thử thách, vì thế, dù không thể giữ vững con số xuất khẩu như trước đây, nhưng bằng những nỗ lực chưa từng có, các doanh nghiệp mây tre đan đang cố gắng bằng mọi biện pháp “giữ thăng bằng” để vượt qua đại dịch Covid-19.

Con đường xuất khẩu

Nghề mây tre đan ở làng Phú Vinh có từ thế kỷ 15, được bà con giữ gìn và phát triển, coi đó là nghề chỉ đứng sau nghề trồng lúa. Vào những năm 1970, làng nghề Phú Vinh đã có truyền thống thi tay nghề vào dịp giỗ tổ nghề. Họ nọ thi với họ kia, xóm nọ thi với xóm kia, nghệ nhân giỏi thi với nhau. Họ sáng tác ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính sáng tạo nghệ thuật ứng dụng cao, từ đó giúp cho làng nghề ngày càng hưng thịnh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung giới thiệu một sản phẩm túi xách mây tre đan

Năm 1961, Trung ương đã thành lập Hợp tác xã mây tre đan ở Phú Vinh, thu hút 1.200 hội viên nghệ nhân làm nghề. Tuy nhiên, lúc bấy giờ hầu hết mọi người đều làm theo kiểu truyền thống, ít có sáng tạo, thu nhập thấp do thẩm mỹ của khách hàng dần dần thay đổi, không còn quan tâm nhiều đến sản phẩm truyền thống cũ.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Trung, khi ấy ông là Đội trưởng Đội Kỹ thuật của Hợp tác xã. Ông rất trăn trở khi nghề truyền thống của làng dần dần không mang lại giá trị kinh tế cho bà con, khiến cho nhiều người không còn muốn “sống với nghề”.

Phải thay đổi cách làm sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của khách hàng, của thời đại, đó là suy nghĩ của ông Trung lúc bấy giờ. Ông tập trung vào nghiên cứu sản xuất mẫu mới rồi giao cho các thợ có tay nghề giỏi thực hiện sản phẩm. Các mẫu mới đều có đặc điểm làm nhanh hơn, hợp với thị trường. Trong số 50 mẫu mà ông Trung sáng tác có đến 42 mẫu được khách hàng chấp nhận đặt mua, đó là thành công lớn bước đầu trong công cuộc “tìm lối đi cho mây tre đan”.

Năm 1989, nhà nước xóa chế độ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, đây là bài toán “ngàn cân treo sợi tóc” đối với nghề thủ công mỹ nghệ. Làng nghề Phú Vinh cũng không tránh khỏi tác động của việc chuyển đổi này khi chưa có quan hệ với các đối tác lớn, đầu ra vẫn còn manh mún; bà con từ những người có nghề thủ công khéo léo phải đi buôn bán, bươn chải, chuyển đổi nghề để sinh sống.

Nhanh chóng nắm bắt được thị trường, ông Trung đã quyết định tách tổ kỹ thuật từ Hợp tác xã, thành lập một tổ sản xuất riêng. Năm 1990, ông quyết định thuê mặt bằng ở số 80 Hàng Gai, mang tất cả các sản phẩm mới sang tác ra bán. Rất may những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tổ sản xuất được đông đảo cộng đồng đón nhận, yêu thích. Từ một tổ sản xuất thiếu thốn đủ thứ từ vốn đến nguyên liệu, nay đã có thu nhập đủ để nuôi các thành viên trong tổ. Mới đầu tổ còn phải vay tiền mua nguyên liệu, sau có đủ tiền mua và có tiền trả lương, đầu tư ngắn hạn, quay vòng.

Mây tre đan đã tạo được chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu

Nhưng đó mới chỉ là những viên gạch đầu tiên để làng nghề mây tre đan Phú Vinh có những bước tiếp theo lên vũ đài quốc tế.

Theo ông Trung kể lại, sau khi giới thiệu sản phẩm ở 80 Hàng Gai, một doanh nhân người Đài Loan đã về tận làng để đặt làm 10 mẫu sản phẩm theo trường phái của họ. Trong vòng 1 tuần, ông Trung cùng các nghệ nhân làng nghề đã tập trung sáng tác và hoàn thành 10 mẫu. Ngạc nhiên trước các mẫu sản phẩm tinh xảo này, doanh nhân Đài Loan đã đặt mua 1 container sản phẩm.

Có được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên, ai cũng mừng, nhưng bài toán kinh doanh đã gặp trở ngại lớn khi không thể đảm bảo về số lượng. Ông Trung đã nhanh chóng quyết định thực hiện biện pháp liên kết sản xuất qua một Công ty trung gian. Sau khi xuất khẩu được 1 container sản phẩm qua Đài Loan thành công, đối tác Đài Loan đã đặt hàng thường xuyên hơn, chính thức mở đầu cho những chuyến đi “xuất ngoại” của sản phẩm “xứ mây”. Sau này, ông Trung còn lặn lội mang sản phẩm đi giới thiệu tại các thị trường quốc tế như Nhật Bản và duy trì được đối tác cho đến ngày hôm nay.

Những giá trị kinh tế mà mây tre đan mang lại lúc bấy giờ cũng đã “kéo” được những người dân làng trở về tiếp tục nghề truyền thống của cha ông.

Nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm OCOP

Thấy rõ những tiềm năng phát triển của sản phẩm mây tre đan, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã được thành lập, tạo nên cho làng nghề Phú Vinh một thị trường sôi động, từ đó tạo việc làm ổn định cho người dân làng nghề, đồng thời cũng nâng cao chất lượng sản phẩm khi có sự cạnh tranh về mẫu mã, sự sáng tạo.

Lúc này, các doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến thương hiệu sản phẩm làng nghề. Theo ông Nguyễn Văn Trung, hiện nay với chủ trương của nhà nước và của thành phố Hà Nội, doanh nghiệp Hoa Sơn do ông làm chủ đã tham gia sản phẩm OCOP. Năm 2019 có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, năm 2020 đã tham gia 7 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm đang chờ được xét duyệt OCOP 5 sao.

Mây tre đan Phú Vinh còn mang tính ứng dụng cao

Theo Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ, do ảnh hưởng của Covid-19, hiện nay giá nguyên liệu tăng đến 25% trong khi giá xuất khẩu ra nước ngoài vẫn giữ nguyên. Chính vì vậy trong định hướng sắp tới, các doanh nghiệp đang cố gắng đi theo hướng chuyển đổi, sáng tác các mẫu mã mới và dùng nguyên liệu kết hợp, thay thế làm cân bằng giá thành sản xuất, tăng tính thẩm mĩ cho sản phẩm.

“Trước đây chúng tôi dùng mây, tre, cây tế, nhưng hiện nay chúng tôi đã và đang thử nghiệm dùng bẹ chuối, xơ lá dứa, cỏ cây… để kết hợp vào sản phẩm, vừa giữ được sản phẩm truyền thống vừa khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu”, ông Trung cho biết.

Trước đây bà con trồng mây, tre rất nhiều, nguồn khá dồi dào, nhưng nay do sự phát triển chung của xã hội, vùng nguyên liệu mây, tre bị phá dần. Trong khi đó, lực lượng sản xuất hàng mây tre đan ngày càng tăng do lợi ích kinh tế mà nó mang lại dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu, không đảm bảo cho nhu cầu sản xuất. Việc thay thế nguyên liệu sản xuất là cần thiết, nhưng phải đảm bảo chất lượng và vẻ đẹp của sản phẩm.

Cùng với những khó khăn về vùng nguyên liệu, những năm gần đây, lực lượng lao động trẻ của làng nghề không muốn làm nghề truyền thống, rời làng đi làm những công việc khác gây nên sự thiếu hụt lực lượng có sức lao động cao. Chính vì vậy, Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ cũng đang thử nghiệm các biện pháp nhằm lôi kéo lao động trẻ quay về địa phương bằng cách tăng thu nhập.

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Hoa Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP

“Ví dụ chúng tôi sẽ phân ra các phần việc cụ thể, việc nào cho thanh niên làm với mức lương cao, việc nào dành cho người cao tuổi, việc nào dành cho trẻ em học nghề… qua đó tăng thu nhập cho lực lượng trẻ, thu hút thanh niên quay về làm nghề và kế thừa truyền thống làng nghề”, ông Trung nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay tại Chương Mỹ có nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư lớn thu hút giới trẻ tham gia, kéo theo tới hơn 50% lao động trẻ của làng nghề. Điều này khiến các doanh nghiệp đang “vắt óc” để cạnh tranh lao động với doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề mây tre Chương Mỹ Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Hiện nay, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì chứng nhận OCOP chưa có nhiều tác dụng vì đối tác nước ngoài không quan tâm đến các chứng nhận trong nước, họ quan tâm đến chất lượng sản phẩm và các chứng nhận quốc tế. Chính vì vậy, để sản phẩm mây tre đan thuận lợi bước ra quốc tế, nhà nước cần nghiên cứu nâng tầm giá trị của OCOP thành chứng nhận mang tầm quốc tế; hoặc ít nhất là chứng nhận bằng tiếng Anh và một số thứ tiếng khác trên thế giới để đối tác nước ngoài có thêm cơ sở đánh giá về sản phẩm của Việt Nam”.

Bảo Thoa - Lương Hằng

Nguồn laodongthudo.vn

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995