Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Đông Anh: Đừng để rơi bản sắc gỗ Vân Hà

22/06/2020 - 2294 Lượt xem
Xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) vốn nức tiếng bởi những đôi bàn tay tài hoa, thổi hồn vào gỗ, tạo ra những sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo. Nhưng trước dòng chảy cuộc sống hiện đại, làng nghề đang đứng trước bài toán phát triển kinh tế mà không rơi rụng bản sắc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền hoàn thành tác phẩm

Thổi hồn vào gỗ

Hàng chục xưởng mộc, hàng trăm gian hàng bày bán tượng phật, tượng thánh nhân, rồng, phượng... Những chuyến xe ngược, xuôi, ra vào tấp nập. Cảnh sầm uất, tỏa khắp làng xóm. Không ít khách tìm đến đây bởi cho rằng, cả nước có nhiều làng gỗ mỹ nghệ, nhưng gỗ mỹ nghệ ở Vân Hà hiện lên sự hài hòa, mềm mại, sinh động…

Nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống Vân Hà xuất phát từ thôn Thiết Úng. Qua hàng chục thế hệ, bao nhiêu lớp nghệ nhân được sinh ra, bao lớp kế cận, cứ thế, theo dòng chảy, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường. Sau đó, nghệ nhân ở Thiết Úng truyền thụ nghề cho người dân các xã lân cận. Nghề mộc lan tỏa khắp xã Vân Hà, dần tạo được bản sắc, dấu ấn. Nhìn vào tác phẩm, khách nhận ra sản phẩm có phải do bàn tay của nghệ nhân nơi đây làm ra hay không. Do cuộc sống khốn khó, chiến tranh loạn lạc, làng không xác định được ai là tổ nghề cũng như nghề có từ bao giờ. Tuy nhiên, tại một số đình, chùa, từ đường trong làng vẫn lưu giữ các bức chạm khắc có tuổi đời hàng trăm năm. Bên cạnh đó, theo một số sử sách, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân trong làng đã tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm cho vua, chúa. Nhiều nghệ nhân của làng được triều đình ban sắc phong.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, thôn Thiết Úng, gia đình ông có truyền thống làm đồ gỗ mỹ nghệ, đến đời ông đã là thế hệ thứ tư. Thừa hưởng “hoa tay” từ cha ông, nhưng như bao người trong làng, quá trình học nghề của ông cũng rất gian nan, vất vả. Từ khi còn cắp sách đến trường, ông đã phải làm quen để biết cách nhận biết, phân biệt từng loại gỗ. Phải mất thời gian dài, người thợ mới đạt đến trình độ chỉ nhìn qua khúc gỗ là biết gỗ có đạt chuẩn để làm tượng hay không, dùng để tạc loại tượng nào thì phù hợp. Sau đó là quá trình học tạc tượng, phải mất hai đến ba năm, người thợ mới có thể chạm khắc được những sản phẩm đơn giản nhất. “Để biết nghề thì mất mấy năm. Để thạo nghề, tạo ra sản phẩm được khách hàng ưa chuộng thì có khi mất hàng chục năm vừa học hỏi, vừa mày mò nghiên cứu, theo thời gian, tuổi đời mà tích lũy thêm kinh nghiệm. Chưa kể, đây là nghệ thuật, cho nên phụ thuộc nhiều vào năng khiếu cũng như sự tìm tòi, sáng tạo. Có lẽ, điều may mắn nhất là những đứa trẻ ở làng sinh ra đã được thừa hưởng đôi mắt, đôi bàn tay từ cha ông, có cái tâm, sự đam mê, tâm huyết cho nên học nghề nhanh hơn, tạo được những tác phẩm tinh xảo hơn, là yếu tố quan trọng để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của làng”, Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền chia sẻ.

Theo Nghệ nhân Đỗ Văn Cường, đồ gỗ Vân Hà được nhiều người ưa chuộng xuất phát từ sự tỉ mỉ, chỉn chu ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Gỗ tạc tượng phải là những loại có giá trị như gỗ hương, gỗ ngọc am…, có thớ dẻo, mịn, ít cong vênh. Chọn được gỗ, người nghệ nhân phải phân chia thành những thanh nhỏ hơn, phù hợp với từng loại tượng. Sau đó, người thợ sẽ theo những hoa văn, họa tiết đã được định hình trong đầu, đục, khảm, khai thác hiệu quả từng đường vân, thớ gỗ, theo từng nhát đục, các nhân vật, bức tranh hiện ra theo đúng ý của người thợ. “Nghe qua các công đoạn tưởng là đơn giản, nhưng có những tác phẩm người thợ phải dành hàng tháng trời, mất ăn mất ngủ mới tạo được sản phẩm ưng ý. Điều quan trọng là từ mỗi pho tượng đều phải tạo được thần thái riêng, người thợ phải xác định chỗ nào thì gấp khúc, chỗ nào vát tròn, chỗ nào thêm họa tiết, phân bố hài hòa từng nhát đục để thổi hồn vào gỗ. Từ khuôn mặt, ánh mắt, vóc dáng đều làm sao để toát lên cốt cách, phong thái nhân vật. Tượng Phật thể hiện được sự từ bi, tượng Quan Công thể hiện được sự uy nghiêm, dũng mãnh, tượng Khổng Minh thể hiện được trí - dũng song toàn…”, Nghệ nhân Đỗ Văn Cường cho biết.

Sản xuất máy thách thức đôi bàn tay

Nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà đang trên đà phát triển, tạo thu nhập cao cho người dân nơi đây. Nhắc đến đội ngũ kế cận, các nghệ nhân cao tuổi trong làng đều không giấu nổi tự hào về sự tâm huyết, tài năng. Tuy nhiên, trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường, những sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao từ đôi bàn tay của các nghệ nhân nơi đây không tránh khỏi bị cạnh tranh bởi các sản phẩm được làm bằng máy, sản xuất nhanh, rẻ tiền. Ngoài các bức tranh, tượng tinh xảo, ở Vân Hà hiện nay tràn ngập các sản phẩm gỗ gia dụng như tủ, sập…, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần làm cho bộ mặt địa phương ngày một khang trang hơn. Cũng từ đó, bài toán về việc giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống nơi đây đang khiến chính quyền địa phương, người dân trăn trở. Điều đó đặt ra cho các gia đình làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ bài toán vừa theo xu thế hiện đại, vừa phải giữ gìn tinh hoa của một làng nghề truyền thống.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền, cái khó trong việc chế tác các tác phẩm bằng tay là thời gian tạo ra sản phẩm thường rất dài, lại phải bỏ ra rất nhiều mồ hôi, tâm huyết. Trong khi một sản phẩm được chế tác bằng máy, sản xuất theo kiểu rập khuôn thì chỉ mất chút ít thời gian. Sản phẩm có thể có giá thành rẻ hơn nhiều, nhưng lại bán rất tốt. Chính vì thế, nhiều người, nhất là thế hệ trẻ đã chọn con đường làm giàu nhanh, phát triển kinh tế trước rồi mới quay lại chế tác các sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Tuổi nghề chưa nhiều, chưa đạt đến trình độ, sự tài hoa như các thế hệ đi trước nhưng lựa chọn con đường dễ đi hơn, đó là nguyên nhân khiến tinh hoa nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống của quê hương mai một.

Chính vì thế, trong quá trình đào tạo các lớp kế cận, Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền không chỉ truyền dạy những bí quyết trong nghề, những kinh nghiệm dày công vun đúc, mà chữ “Tâm” với nghề luôn được ông đặt lên hàng đầu. “Nhiều cháu vẫn có ý thức gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Từ đó, các cháu sẽ tích cực rèn luyện, nâng cao tay nghề. Còn xa hơn, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để tinh hoa làng nghề không bị mai một”, Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền chia sẻ.

Theo Nghệ nhân trẻ Đỗ Văn Hiệp, sinh ra và lớn lên ở đây, suốt bao năm, quanh làng chỉ nghe âm thanh lách cách của tiếng đục, đẽo. Bây giờ, âm thanh của những chiếc máy công nghiệp, sản xuất ra những sản phẩm đại trà, vô hồn ngày càng áp đảo. Sản phẩm sản xuất bằng máy xuất hiện ngày càng nhiều nhưng lại được khách hàng ưa chuộng do giá thành thấp. Những người tìm đến Vân Hà để tìm các sản phẩm nghệ thuật thật sự chỉ chiếm số ít.

Vấn đề làm sao để hài hòa giữa việc giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế hiện nay vẫn chưa tìm được hướng đi cụ thể. Vì thế, việc đào tạo nghề một cách bài bản, có hướng đi đúng đắn để vừa gìn giữ, vừa phát triển nghề truyền thống đang trở nên cấp thiết. “Hiện vẫn là làng nghề gỗ mỹ nghệ, nhưng 10, 20 năm nữa, liệu khách hàng có tìm đến Vân Hà để tìm mua những sản phẩm thể hiện tinh hoa từ bàn tay người thợ nữa hay không?”, anh Cường trăn trở.

Là Nghệ nhân thế hệ 8X của xã Vân Hà, hai Nghệ nhân Đỗ Văn Cường và Đỗ Văn Hiệp vẫn giữ cách sản xuất truyền thống, chế tác sản phẩm hoàn toàn bằng tay. Anh Cường tâm sự, không khỏi xót xa trước thực tại, được gắn mác là “đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống” nhưng có khi đến 90% sản phẩm được chế tác là bằng máy. Chưa kể, những người thợ cùng thời với anh, nhiều người đã chuyển sang phát triển kinh tế theo hướng khác, khiến những nghệ nhân có “hoa tay” dần ít đi.

Nguồn: nhandan.com.vn

(BTV Lưu Ly)

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995