Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thương hiệu

Cha đẻ dòng nghệ thuật hoa khô

23/07/2020 - 3707 Lượt xem
Nói về người có tâm và có tầm trong giới nghệ nhân Hà Nội người ta không thể không nhắc đến ông Nguyễn Bá Mưu, một trong 20 nghệ nhân vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú năm 2010. Ông không chỉ là cha đẻ của dòng nghệ thuật hoa khô mà còn được xem là một nhà khoa học thực thụ.

Người làm hoa lá bất tử

Đến thời điểm này, ông Mưu đã dành gần 40 năm cuộc đời để say mê tìm hiểu, nghiên cứu về các đặc tính của hoa lá để cho ra đời những bông hoa, những bức tranh ghép lá bất tử. Ông bảo, để làm được điều này phải hiểu về hoa như người bác sĩ hiểu về bệnh nhân của mình. Muốn vậy, phải nắm chắc những hiện tượng hóa học, những nhân tố nào đã khiến hoa bị mất màu, tàn úa. Từ đó, phải đi tìm những phương thức hiệu quả nhất để khắc phục. Mỗi bông hoa chiếm đến 90% trọng lượng là nước, vì vậy, khi hoa khô, sẽ không tránh khỏi việc bông hoa bị co lại, nhăn nhúm, mất đi màu sắc tự nhiên sống động vốn có. Để vẫn giữ được sức sống của hoa, ngay khi hoa vừa ngắt khỏi cây, ông phải rút hết nước từ bông hoa đó và dùng phương pháp lạnh đông để hoa vẫn giữ nguyên màu sắc. Sau đó, ông chèn lót bằng bột ngô để hoa vẫn giữ nguyên cánh và không bị co ngót. Đó là lý do vì sao mà những bông hoa khô của ông làm vẫn giữ được cái thần thái và màu sắc vốn có của nó. Ông gọi chúng là những bông hoa bất tử.

Ngay từ thủa nhỏ, Nguyễn Bá Mưu đã yêu thiên nhiên nên cứ tự mày mò tìm hiểu, sau đó lại được đào tạo bài bản ở Trường đại học Nông nghiệp và có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề xuất khẩu hoa nên ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các nước bạn. Ông đã nghĩ ra cách bóc tách được từng lớp thời gian phủ màu trên từng chiếc lá nhỏ. “Cứ một lớp thời gian phủ trên từng chiếc lá lại thấy nó có một màu sắc riêng tuyệt đẹp và thú vị!”, ông say mê chia sẻ.

Trong xưởng hoa khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu, thấy cơ man nào là hoa và tranh ghép từ lá, đủ mọi thể loại, đủ mọi màu sắc sống động. Ông Mưu chia sẻ: “Những lớp bóc tách mỏng dính mà thiên nhiên ban tặng đã cho người chủ cả một “kho bột màu” đủ để pha trộn, phết phẩy, nhấn nhá tung tẩy ngẫu hứng tạo ra sự phong phú độc đáo cho những tác phẩm hội họa”.

Duyên nợ đời người

Cuộc đời ông Mưu gắn bó với hoa lá như một mối duyên nợ. Năm 1972, khi đang công tác tại công ty Artexport (chuyên xuất khẩu thủ công mỹ nghệ), ông Mưu có dịp tiếp xúc với các chuyên gia của công ty Mitsishi (Nhật Bản). Một hôm ông nhận được đơn đặt hàng rất lạ của các bạn Nhật Bản. Họ yêu cầu ông cung cấp cho họ toàn những thứ ở ta “bỏ đi” như lá dương xỉ, vỏ hạt điều, quả thông khô, những cánh hoa tàn úa… Lúc ấy ông không hiểu họ mua thứ đó của Việt Nam về làm gì. Càng bất ngờ hơn khi một thời gian sau phía bạn mang tặng Việt Nam những lẵng hoa khô tuyệt đẹp được làm từ những vật liệu do chính ông cung cấp. Đó cũng là một cách tiếp thị rất Nhật Bản, cực kỳ thông minh. Lúc ấy, ý định của phía Nhật Bản muốn chuyển giao cho Việt Nam một nhà máy sản xuất hoa khô, nhưng phía ta vì một lí do nào đó đã không chấp thuận. Tuy nhiên, ông Mưu đã kịp nhận thấy, “hoa khô có vẻ đẹp kiêu hãnh riêng của nó, thoạt nhìn có vẻ buồn tiêu điều đấy song nó cũng có sức sống, hồn vía tâm trạng và cực kỳ phong phú!”

Ông Nguyễn Bá Mưu

Những năm tháng sau này làm việc trong Tổng công ty Vegetexco (xuất khẩu rau, hoa, quả tươi) và khi về hưu làm quản lý Trại cây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có dịp bồi đắp và mở rộng kiến thức về sự đa dạng và đặc trưng của cỏ cây hoa lá các vùng miền khác nhau. Ông cũng nhận thấy một điều rằng, Việt Nam có một tiềm năng to lớn về thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và phong phú, các nước họ phải nhập nguyên liệu để sản xuất, tại sao chúng ta có mà không làm được? Và thế là ông nghỉ việc làm công chức để bắt tay vào một dự định mới mẻ đầy táo bạo.

Chỉ với một cuốn album do phía bạn tặng mà ông đã mày mò “giải mã” được nhụy, cánh hoa, lá, thân kia làm bằng vật liệu gì. Tuy nhiên, cách xử lý nó ra sao là cả một vấn đề hóc búa. Ròng rã nhiều năm trời, đôi chân ông đã in dấu trên mọi miền đất nước, từ miền sình lầy hoang dại đầy những muỗi vắt đến nơi hải đảo xa xôi để tìm những cây, lá, hoa phục vụ ý tưởng sáng tạo của mình. Gia đình ông nhiều lúc phát hoảng vì thấy ban ngày ông đi biền biệt, đêm đến lại đóng cửa im ỉm, chong đèn làm việc đến sáng. Lúc đó, rất nhiều người nói, ông Mưu dở người, đi tha rác về nhà, đến tuổi nghỉ ngơi rồi còn hành thân mình và cả nhà. Họ cho rằng với cách làm thủ công của ông, vài bữa hoa khô sẽ thành hoa mốc. Bỏ ngoài tai những lời châm chọc, người nghệ nhân đó vẫn hì hục với mục tiêu làm cho những búp sen, bông cúc, đoá hồng khoe sắc mãi với thời gian.

Xưởng hoa khô của ông lúc nào cũng có khoảng 20 sinh viên các trường mỹ thuật miệt mài làm việc, phần vì đây là mảnh đất đắc địa cho họ dụng võ, phần vì họ mến cái tài, cái chí của người chủ. Từ khi bắt đầu vào cái nghiệp làm hoa khô này, ông đã đào tạo đến 300 thợ, hầu hết đều ăn nên làm ra, tiêu biểu như chị Tú Anh (hiện đang công tác tại nhà hát Tuổi trẻ), chị Thu Nga, Mạnh Linh. Tuy nhiên, điều duy nhất cho đến bây giờ khiến ông trăn trở là vẫn chưa tìm được người nào đủ tâm và đủ tầm để có thể nối nghiệp ông, đốt cháy lên ngọn lửa đam mê nghệ thuật làm cho cỏ cây hoa lá bất tử.

Nguồn: langnghevietnam.vn
BTV Thúy Hường

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995