Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thời sự

Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động: Phải tăng nặng mức xử phạt những đối tượng trộm cắp cổ vật

16/08/2020 - 2290 Lượt xem
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ mất trộm cổ vật tại đình, đền, chùa và cơ sở tín ngưỡng. Sự việc được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Để hạn chế nạn trộm cắp di vật, đồ thờ, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, cần có chế tài xử phạt nặng những người tham gia mua bán, tiếp tay cho đối tượng ăn cắp di vật, đồ thờ, cũng như tăng nặng mức xử phạt những đối tượng trộm cắp…
Các hiện vật, đồ thờ tự được Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội thu giữ sau khi khám phá đường dây trộm cắp cổ vật tại di tích tín ngưỡng

Phó mặc việc trông coi di tích cho Tiểu ban di tích địa phương

- PV: Thưa ông, thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ mất cắp cổ vật tại đình, chùa…; nguyên nhân nào dẫn đến những việc đáng tiếc kể trên?

- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động: Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là bởi giá trị tự thân (về mỹ thuật, lịch sử...) của các di vật, đồ thờ tại di tích là khá lớn. Mặt khác, tình trạng mất trộm di vật chỉ xảy ra tại một số di tích mà không phải tại tất cả các di tích, điều đó thể hiện các di tích để mất trộm di vật trên còn tồn tại những vấn đề trong công tác bảo vệ, trông coi.
Đặc biệt trong công tác phối hợp, kiểm tra của chính quyền và lực lượng bảo vệ trông coi ở một số địa phương còn chưa tốt. Vẫn có tình trạng một số nơi còn phó mặc việc trông coi di tích cho tiểu ban di tích địa phương mà hầu như các tiểu ban di tích là người cao tuổi, để bảo vệ di tích trước sự manh động của kẻ gian.

- Nhiều năm qua, ngành văn hóa vẫn liên tục nói về “câu chuyện cảnh giác” ở các di tích tín ngưỡng có các đồ thờ tự có giá trị. Vậy phải làm thế nào để đảm bảo an ninh tại đây, thưa ông?

- Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội hàng năm đều tổ chức tập huấn cho các cán bộ văn hóa các quận, huyện, thị xã và các cán bộ công chức văn hóa, các Trưởng ban di tích, lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố về công tác quản quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích...

Bên cạnh việc phổ biến các quy định pháp luật, các kỹ thuật bảo quản di tích, thì một trong những nội dung quan trọng là phổ biến công tác kiện toàn các ban quản lý di tích của địa phương, việc chỉ đạo các lực lượng công an, dân phòng trong việc củng cố, tăng cường các phương án bảo vệ cụ thể, phù hợp với đặc thù tại các di tích của địa phương. Đồng thời, đôn đốc việc rà soát, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích trong các dịp đón Tết, lễ hội... tại địa phương bằng văn bản.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng mất trộm di vật tại một vài di tích tại các địa phương là điều đáng tiếc, việc này một mặt phải có biện pháp rà soát, tăng cường công tác bảo vệ tại các di tích. Mặt khác, cần tổ chức rà soát thị trường buôn bán cổ vật, truy tìm nguồn gốc các đồ vật được mua bán, sưu tầm trên thị trường. Nếu phát hiện di vật có nguồn gốc là đồ thờ tại di tích, nên chăng cần “Luật hóa”, có quy định, chế tài xử phạt nặng những người tham gia mua bán, tiếp tay cho đối tượng ăn cắp di vật, đồ thờ...; cần tăng nặng mức xử phạt những đối tượng trộm cắp thì mới hạn chế được nạn trộm cắp di vật, đồ thờ trong tương lai.

- Nhiều ý kiến cho rằng, lắp camera có thể chống được trộm, và cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc truy tìm thủ phạm? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trang bị camera rõ ràng là có tác dụng trong công tác bảo vệ tại di tích, tuy nhiên nếu thiếu yếu tố “con người”, các biện pháp chủ động phòng ngừa, tăng cường cảnh giác trông coi bảo vệ, thì dù có lắp nhiều camera vẫn không thể bảo vệ được di tích bởi kẻ gian sẽ có phương án đối phó. Thực tế cho thấy, nhiều di tích đã lắp camera bảo vệ nhưng vẫn bị trộm nhiều lần ngang nghiên “hỏi thăm” (ví dụ tại chùa Nam Dư Hạ, phường Thanh Trì).

Khi xảy ra mất mát, cơ quan Công an cũng đã trích xuất dữ liệu nhưng việc điều tra là rất khó vì kẻ gian bịt mặt và mặc bộ đồ đen che kín thân thể, rất khó nhận diện. Do vậy, ngoài việc trang bị lắp camera, biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất là UBND các xã, phường, thị trấn phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, có phương án phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ tại các di tích cơ sở.

Đồng bộ các biện pháp bảo vệ, giữ gìn các di vật

- Đầu tuần qua, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội đã khám phá được một đường dây ăn trộm cổ vật rất lớn tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Vậy, tới thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có những động thái gì để giữ gìn các di vật?

- Trước hết, thay mặt ngành Văn hóa Thủ đô, tôi xin cảm ơn chiến công của Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội, đồng thời cũng chia vui với những di tích có thể nhận lại được các di vật bị mất sau khi Công an Hà Nội truy tìm và thu hồi được các di vật.

Về việc để gìn giữ các di vật, trước thông tin xảy ra mất hiện vật tại di tích, ngày 21-4-2020 Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội có văn bản số 964/SVHTT-QLDT đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý bảo vệ nhằm ngăn chặn việc mất cắp di vật, hiện vật, xâm hại di tích trên địa bàn.

Ngày 2-7-2020, Sở đã có văn bản số 1705/SVHTT-QLDT về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại văn bản số 2352/UBND-KGVX ngày 11-6-2020; Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và các đơn vị thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan điều tra của CATP Hà Nội trong công tác cung cấp thông tin, hồ sơ và xác minh thông tin về hiện vật trên hiện trường theo các hồ sơ lưu trữ về di tích, di vật để phục vụ công tác điều tra; ban hành văn bản hướng dẫn một số địa phương trong công tác tăng cường bảo vệ, truy tìm các hiện vật bị lấy trộm…

Hướng dẫn, trả lời đơn thư của các địa phương về phương án phục hồi các di vật. Như vậy, bằng cả các biện pháp quản lý Nhà nước, các biện pháp nghiệp vụ bảo tồn, các tư liệu về di tích và các hoạt động hướng dẫn di tích cơ sở, Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ, giữ gìn các di vật tại các di tích trên địa bàn thành phố.

- Cũng đã nhiều năm qua, chúng ta áp dụng mô hình phân cấp quản lý di tích cho các địa phương, tuy nhiên với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Văn hóa - Thể thao có kiểm tra thường xuyên việc thực hiện của các quận, huyện, thị xã… Hiện nay, mô hình này có phát huy được hiệu quả?

- Có thể khẳng định mô hình phân cấp quản lý di tích cho các địa phương trên địa bàn Hà Nội là chủ trương đúng đắn của Thành ủy, HĐND, UBND TP, phù hợp với điều kiện riêng của Thủ đô Hà Nội. Bởi Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước (gần 6.000 di tích) trên địa bàn rộng với 30 quận, huyện, thị xã, với nhiều loại di tích: đình, đền, chùa, lăng tẩm, miếu mạo...; 19 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.418 di tích xếp hạng cấp thành phố. Với mô hình phân cấp quản lý này, đã thể hiện được giá trị các di tích trong hệ thống là “của dân, do dân, vì dân”, vì vậy đã phát huy được nguồn nhân lực, vật lực to lớn trong xã hội, vận động được cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về di tích, Sở Văn hóa - Thể thao đã giao các đơn vị trực thuộc Sở: Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Phòng Quản lý di sản văn hóa… triển khai hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra thường kỳ hoặc đột xuất để kịp thời hướng dẫn các hoạt động quản lý, phát huy giá trị di tích tại các địa phương. Hiện nay, mô hình phân cấp quản lý di tích cho các địa phương đã và đang phát huy hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô.

- Với rất nhiều di vật là tang vật của vụ án vừa được Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội tìm thấy, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ phối hợp như thế nào với Phòng Cảnh sát Hình sự để đưa hiện vật trả về đúng di tích?

- Việc này được Sở Văn hóa - Thể thao đã và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã, Phòng Cảnh sát Hình sự và các đơn vị chức năng của Công an Hà Nội căn cứ trên các hồ sơ lưu trữ của ngành văn hóa sẽ xác minh chính xác hiện vật thuộc về di tích cụ thể nào để trao trả lại cho các Ban quản lý di tích địa phương quản lý, tái lập vào vị trí trước thời điểm bị lấy trộm để tiếp tục phục vụ các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Chúng tôi tin tưởng rằng sau khi giải quyết các thủ tục lưu giữ tang vật theo quy định, các hiện vật trên sẽ được trả về đúng di tích, vị trí vốn có của nó.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: anninhthudo.vn

BTV Xuân Bách


 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995