Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thời sự

Huyện Hải Hậu - Nam Định: Bứt phá sáng tạo để xây dựng kinh tế bền vững

25/09/2020 - 2446 Lượt xem
Được đánh giá là một huyện nông thôn mới điển hình có thành tựu kinh tế phát triển bền vững, Hải Hậu bứt phá sáng tạo về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy vai trò làng nghề, thúc đẩy ngành tiểu thủ công nghiệp và cung ứng dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn

Phát huy vai trò làng nghề, đẩy mạnh ngành tiểu thủ công nghiệp

Theo thống kê, huyện Hải Hậu có 44 làng nghề ở 33 xã, thị trấn, trong đó có 20 làng nghề sinh vật cảnh, 14 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản, 5 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng.

Về cơ bản, các làng nghề được duy trì và phát triển ổn định, đặc biệt 14 làng nghề CN-TTCN, các làng nghề mộc, mỹ nghệ phát triển nhanh nhất. Số hộ và số lao động trong các làng nghề tăng theo từng năm, doanh thu từ làm nghề cao, chiếm từ 70% đến 90% doanh thu của cả làng.

Huyện Hải Hậu được công nhận là huyện nông thôn mới điển hình có thành tựu kinh tế phát triển mạnh

Toàn huyện có khoảng 3.600 cơ sở sản xuất công nghiệp, tập trung vào các ngành nghề như dệt may, sản xuất giày, sản xuất trang phục; chế biến thủy hải sản, thực phẩm và đồ uống; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; chế biến gỗ và sản xuất giường tủ, bàn ghế..., thu hút trên 32 nghìn lao động, doanh thu đạt hơn 4.500 tỷ đồng/ năm.

Trong đó, ngành dệt may, da giầy hiện có 513 cơ sở, với 12 doanh nghiệp, 10 tổ hợp cán kéo sợi PE, hơn 600 khung dệt, thu hút với 13.530 lao động, tập trung tại thị trấn Thịnh Long, xã Hải Châu, xã Hải Hòa...

Ngành cơ khí, điện tử và gia công kim loại có 448 cơ sở đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.961 lao động. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống hiện có 1.183 cơ sở chế biến các loại, với 2.206 lao động, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện.

Những sản phẩm có thương hiệu, phát huy được thế mạnh vùng miền như chế biến sứa, nước mắm của công ty CP chế biến hải sản Nam Định; xay xát gạo của công ty CP Song Phương; sản xuất bánh kẹo tại làng nghề bánh kẹo TT Yên Định.

Ngành TTCN phát triển mạnh, giải quyết được lượng lớn lao động địa phương, đem đến thu nhập ổn định cho người dân

Ngành chế biến gỗ, giấy và lâm sản hiện có 502 cơ sở đang hoạt động thu hút 1785 lao động. Trong đó, chế biến gỗ phục vụ xây dựng và mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ phát triển tập trung ở các làng nghề xã Hải Vân, Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung… Không chỉ dừng ở công đoạn chế tác mộc gia truyền, các cơ sở mộc hiện đã đầu tư máy cưa, máy xẻ, máy chạm khắc mỹ nghệ, máy đục công nghệ vi tính vào các công đoạn chế tác.

Với sự hỗ trợ từ máy móc cộng với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Hải Hậu có những nét đặc trưng riêng, tạo dấu ấn làng nghề, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cũng mang đến thế mạnh kinh tế cho huyện. Một số xã như như Hải Lộc, Hải Hoà, Hải Toàn…, tập trung trồng các cây dược liệu cho năng suất và thu nhập cao như cây đinh lăng, cây thìa canh. Ước tính, năm 2019 sản lượng đạt 416 triệu đồng góp phần phát triển kinh tế của vùng.

Ngành khai thác đánh bắt hải sản, sản xuất muối mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng vạn tấn muối và hải sản chất lượng, giải quyết được hàng nghìn lao động nông nhàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng.

Nghề mộc dân dụng, sản xuất gỗ mỹ nghệ phát triển tập trung tại các xã Hải Minh, Hải Trung, Hải Anh, Hải Vân, cung ứng cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao

Phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư tại các cụm, điểm công nghiệp

Năm 2019, huyện Hải Hậu có 6 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch, trong đó có 3 cụm đã được đầu tư xây dựng hạ tầng là CCN xã Hải Phương, CCN làng nghề xã Hải Minh và CCN thị trấn Thịnh Long. Năm 2020, quy hoạch mới bổ sung 4 CCN là CCN Hải Vân, CCN Hải Đông (50ha), CCN Hải Xuân (30ha), CCN Hải Phong (30ha). Giai đoạn 2021 -2025, huyện định hướng quy hoạch mới 3 CCN là CCN Hải Hưng, CCN Hải Thanh và CCN thị trấn Yên Định.

Các CCN đã đi vào quy củ, có hệ thống xử lý nước thải, rác, quy hoạch xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trên địa bàn. Theo đó, các CCN, điểm công nghiệp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có uy tín, năng lực trong và ngoài nước, tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, sử dụng hàng vạn lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Vũ Văn Triển – trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu, sở dĩ huyện Hải Hậu có được bức tranh toàn cảnh ưu việt về nền kinh tế xã hội, bởi có sự bứt phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy vai trò làng nghề và đẩy mạnh ngành tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, cây lúa tại Hải Hậu không còn là cây nông nghiệp trọng tâm, tuy vẫn giữ vững sản lượng và chất lượng. Thay vào đó, các cây dược liệu, cây ăn trái 4 mùa, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển ở nhiều xã, đem đến thu nhập cao cho người dân trong huyện.

Nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ đem đến cho người dân thu nhập ổn định

Nghề nuôi yến tự nhiên, kết hợp mô hình cây dược liệu, nuôi cá, trồng lan được một số người dân áp dụng thành công, đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng. Một trong những mô hình nuôi chim yến và trồng dược liệu, đa dạng cây ăn quả, ao cá trên địa bàn huyện Hải Hậu, có thể kể đến mô hình của anh Đinh Văn Thuận (xã Hải Đông). Với những kiến thức nghiên cứu, học hỏi trên mạng, anh Thuận đầu tư xây nhà yến 3 tầng, mặt sàn hơn 80m2, lắp đặt hệ thống làm ẩm, tạo tiếng ồn để thu hút chim yến tự nhiên. Diện tích 3 ha còn lại anh Thuận trồng dược liệu, cây ăn quả sản lượng cao như sung mỹ, dừa xiêm lùn, nuôi thả cá, trồng lan. Với mô hình nuôi trồng sáng tạo, mỗi tháng anh Thuận thu về gần trăm triệu đồng. Mô hình kinh tế của anh Thuận là một trong những mô hình hiệu quả, cần được nhân rộng.

Nhận định về bức tranh toàn cảnh của kinh tế huyện Hải Hậu, đồng chí Trần Minh Hải – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hậu cho hay: “Những thành tựu kinh tế huyện Hải Hậu có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phát triển CN-TTCN, giải quyết việc làm trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện”.

Một số sản phẩm gỗ mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề truyền thống xã Hải Minh, Hải Trung...

Đồng chí nhấn mạnh, đây là thành quả chung của Huyện ủy, UBND, HĐND, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng lòng hưởng ứng, phát huy lao động sáng tạo của người dân Hải Hậu.

Theo đà phát triển, trong những năm tới, Hải Hậu tiếp tục đầu tư hạ tầng các cụm, điểm CN, tăng cường thu hút đầu tư dự án lấp đầy các cụm, điểm CN, thúc đẩy xây dựng các CCN mới, thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, huyện vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề sản xuất Công nghiệp - TTCN, phấn đấu tất cả các xã, thị trấn trong huyện có làng nghề. Phát huy tiềm lực làng nghề, vùng nghề để giải quyết việc làm, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, gắn với du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề và bảo vệ môi trường.

Để được công nhận là huyện nông thôn mới điển hình kiểu mẫu, huyện Hải Hậu cần sự chuyển mình, bứt phá của hệ thống chính trị, nâng cấp năng lực nhân sự, cải cách hành chính, đồng bộ hạ tầng cơ sở. Đồng thời, tiếp tục định hướng, chỉ đạo các cấp ngành và truyền thông để nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng môi trường sống văn hóa, phát triển kinh tế bền vững.

Nguồn: langnghevietnam.vn
BTV Như Quỳnh

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995