Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

‘‘Làm xiếc’’ với vàng, bạc

23/07/2020 - 2682 Lượt xem
Tìm về Kiêu Kỵ, một xã ngoại thành thủ đô (Gia Lâm, Hà Nội) ngày cuối tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay đến kỳ diệu của một làng quê thuần nông bao đời nay. Càng ấn tượng hơn, khi nơi đây còn lưu giữ được nghề độc nhất vô nhị: Nghề dát quỳ vàng, bạc.

Nghề lạ ở Kiêu Kỵ

Chỉ với một chỉ vàng, người ta có thể dát ra thành khoảng 1.000 lá vàng kích thước 4x4cm và mỏng đến nỗi chỉ chạm ngón tay là tan ra thành bụi.

Làng Kiêu Kỵ có tên nôm là Cầu Cậy, diễn nghĩa là “cưỡi ngựa”. Nơi đây được coi là một trong những làng giàu truyền thống văn hóa của xứ Kinh Bắc xưa, hiện còn lưu giữ nhiều di tích và phụng thờ Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa (thời Trần), đình thờ Thần Nông, nhà Tràng thờ Tổ sư nghề dát vàng, bạc quỳ... Nói về nghề truyền thống của làng, Kiêu Kỵ từng tự hào rằng, trai làng chỉ cần một bó sắt và vài gói giấy giống, thì đi bất cứ nơi đâu cũng có thể tạo dựng cho mình một nghề mà nơi đó không làm được.

Lướt mực lên quỳ

Theo truyền thuyết dân gian, vào thời nhà Lê, ở làng Kiêu Kỵ có cụ Nguyễn Quý Trị là người học rộng, tài cao, được nhà vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Tại đây, cụ được nhìn thấy cung điện dát vàng lộng lẫy. Qua tìm hiểu, cụ Trị mới hay, đó là do bàn tay khéo léo của những người thợ sơn son, thếp vàng tạo ra. Cụ đã tìm đến nơi sản xuất và học hỏi được nghề dát vàng, bạc quỳ. Trở về nước, cụ đem nghề về truyền lại cho dân làng Kiêu Kỵ... Ban đầu nghề này chỉ là một nghề phụ lúc nông nhàn; sau đó do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề này phát triển và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Biết ơn cụ, sau khi cụ mất, dân làng đã xây miếu thờ và tôn vinh cụ làm Tổ sư nghề.
Khoảng những năm đầu thế kỷ 20, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, sau đó là ảnh hưởng của chiến tranh nên nghề dát quỳ bị gián đoạn, phải đến sau khi kháng chiến chống Pháp thành công (1954), nghề mới được khôi phục và phát triển. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay, ở Việt Nam chỉ có làng Kiêu Kỵ có bề dày hành nghề làm vàng, bạc quỳ.
Để hiểu hơn về thứ nghề “độc” này, chúng tôi đã tìm gặp ông Lê Bá Chung -  Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Hội Vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, một trong hai nghệ nhân hiện đang dìu dắt nghề tại Kiêu Kỵ.
Theo ông Chung, nói dát quỳ là nghề đặc biệt và “có một không hai” cũng không phải là quá, khi mà để hoàn thành được sản phẩm, người thợ nghề phải trải qua gần hai chục công đoạn, mà mỗi công đoạn khác nhau lại đòi hỏi người thợ phải có những sự tinh xảo riêng, chỉ cần kém một bước sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình. Tuy nhiên, ông Chung cũng bật mí, bí quyết của nghề dát quỳ vàng, bạc là dùng những vật liệu và hóa chất dân gian như: Keo da trâu dùng quét lên bề mặt sản phẩm (lấy da trâu nấu thành keo, có thể dùng da trâu khô hoặc tươi đun với nước sạch trong khoảng 48 giờ, sau khi nước keo có màu vàng thì bỏ ra lọc và phơi trên lá chuối tươi). Bồ hóng và nhựa thông sống trộn với mùn cưa, đun trong một ngày, mực mài và lướt quỳ mới (mỗi lần lướt xong lại phơi trên lá vả, sắm từng gói sấy lồng, cứ khô lại đập, lướt khoảng 3 lần), cùng với đức tính kiên nhẫn và bền bỉ ngồi cả ngày (người thợ ngồi quỳ hai chân và làm việc bên cạnh sản phẩm) sơn màu, sơn keo để dát miết vàng quỳ lên bề mặt sản phẩm, cho đến khi màu sắc lấp lánh hiện ra, bóng loáng thì mới hoàn thành công việc.

Công đoạn dát quỳ lên sản phẩm

Tinh xảo nghề quỳ

Vừa bước chân vào cơ sở nghề của ông Chung, chúng tôi đã nghe những âm thanh chát chúa phát ra từ gian bếp. Hỏi ra mới hay, các thợ nghề đang giã quỳ. Hai chiếc búa (mỗi chiếc nặng khoảng 4kg) đều đặn nện từng nhát xuống thỏi quỳ nhỏ xíu. Trung bình để giã giập một quỳ mất khoảng 30-45 phút. Kể ra cũng thật tinh xảo, khi thỏi giấy quỳ thì quá nhỏ, người thợ phải dùng một tay giữ, tay kia vẫn nện búa. Song điều ngạc nhiên là không ai nện ra ngoài hay phải tay giữ. Tuy vậy, nhiều người tếu táo, nếu không có gan, chắc không thể làm nổi vì rất dễ nện phải tay.

Gĩa quỳ

Trong một căn phòng kín gió, nhiều phụ nữ đang lấy ngón tay chấm vào những lá vàng mỏng tang, nhỏ như vảy ốc đặt vào các vuông giấy dó đen. Theo ông Chung, đánh quỳ không khác gì người chơi đàn, cần phải hết sức tinh tế và chính xác, nếu không, người thợ quỳ có thể làm tổn thương chính mình.

Sau khi giã xong, người thợ gỡ vàng ra và dùng kéo cắt thành những miếng nhỏ, hình vuông có cạnh chừng 1cm. Tiếp theo là đến giai đoạn xếp vàng xen kẽ vào giữa lá quỳ (long quỳ). Một long quỳ có từ 400 - 500 lá. Tiếp đó, những thợ khác sẽ làm nhiệm vụ gói quỳ vào hai mảnh vải và giã tiếp cho vàng thật mỏng (giã khoảng hơn 1 tiếng). Công đoạn này rất quan trọng, quyết định đến chất lượng vàng dát lên tượng có màu sáng hay xỉn. Sau đó lá vàng sẽ được lấy ra và đặt xen kẽ lên giấy (trại quỳ).

Theo ông Chung, trại quỳ là công đoạn rất khó, bởi phải lấy vàng sao cho lá vàng không bị rách hay dính vào tay. Đặc biệt, do quỳ rất nhẹ nên khi trại quỳ, người thợ cần hạn chế nói chuyện, cười, thở mạnh.
Sản phẩm sau cùng, mỗi quỳ gồm có 10 buộc giấy, mỗi buộc có 40 - 50 tờ giấy tương ứng với chừng ấy lá vàng. Từ một chỉ vàng, người thợ dát mỏng ra khoảng 1m2.
Hiện nay sản phẩm của làng nghề Kiêu Kỵ góp phần tu sửa nhiều công trình văn hóa lịch sử (cung đình vua chúa, đền thờ các vị vua quan, các cụm di tích đình, chùa...). Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm dát quỳ vàng, bạc tại Kiêu Kỵ còn được nhiều bạn hàng nước ngoài tìm đến và đặt hàng. Nhờ xác định được giá trị của nghề, nên người thợ nghề tại đây vô cùng trân trọng và luôn ý thức bảo tồn nghề quý.

Nguồn: langnghevietnam.vn
BTV Thúy Hường

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995