Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Ước mong thầm lặng của Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến

24/09/2020 - 2676 Lượt xem
Khoảng chục năm trở lại đây, trong làng gốm sứ Việt Nam, ngoài những cái tên làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, Chu Đậu…, người ta đã ghi danh một cái tên vô cùng mới mẻ, đó là gốm làng Ngòi. Nhiều người biết đến thương hiệu gốm làng Ngòi không chỉ vì sự mới mẻ, đặc sắc có một không hai, mà còn biết đến bởi một cái tên rất nghệ sĩ: Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến.

Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến bên bức tranh do anh sáng tác

Anh sinh ra tại làng Ngòi, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình thuần nông nghèo. Bố mẹ không ai làm nghệ thuật, nhưng quê hương anh xa xưa có nghề làm gốm, nay đã bị thất truyền từ lâu. Có lẽ vì thế mà khiến anh luôn nghĩ đến nghề của cha ông và nung nấu ý chí phải làm sống lại làng nghề. Từ nhỏ anh đã yêu thích nặn đất, vẽ tranh nên sau khi học xong cấp III, anh quyết định chọn Khoa Gốm trang trí – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để thực hiện ước mơ của mình. Sau 6 năm theo học tại trường đại học, ra trường, anh đi làm đủ thứ nghề từ Bắc vào Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm cho cái nghiệp mà mình theo đuổi. Từ những kiến thức được học hành bài bản trong trường, sự cọ xát thực tế bên ngoài xã hội, kết hợp với năng khiếu trời phú, sự tinh xảo của đôi bàn tay, anh đã biến nguyên liệu từ “cục đất sét” dễ kiếm tìm tại quê nhà thành những sản phẩm có giá trị văn hóa nghệ thuật mang tên “Gốm làng Ngòi”.

Có ai đã từng chơi và hiểu về nghệ thuật gốm mới biết, mới hiểu được hết giá trị gốm làng Ngòi của Lưu Xuân Khuyến như thế nào. Một dòng gốm chỉ có hai màu đặc trưng là xương đất và men nước dưa, nhưng nó đã tạo nên một thế giới dân gian vô cùng đặc sắc với những hình tượng: Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, gạch trang trí, đèn vườn, hình tượng dân gian, hình tượng lịch sử, bình hoa, lá sen, bông lúa. Nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là tranh tường khổ lớn đắp nổi. Mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như tranh Đông Hồ, Hàng Trống và cả đặc trưng những nét văn hóa vùng miền trên cả nước như cồng chiêng Tây Nguyên; liền anh liền chị quan họ; cô gái hái chè…, những bức tranh của anh nhìn vừa dân gian cổ truyền, nhưng cũng lại rất mới lạ, ngộ nghĩnh, dí dỏm và mộc mạc giản dị qua cách trình bày. Tranh tường của anh đã được mang đi triển lãm nhiều nơi và nhất là được thị trường ưa chuộng, khách hàng đặt anh trang trí nhà vườn cho họ. Sản phẩm được thực hiện bằng họa tiết hoa văn đắp nổi do chính tay nghệ nhân tạo nên. Nội dung của tác phẩm đa dạng phong phú mang đậm tâm hồn Việt.

Bức tranh tường

Để tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị này đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, khéo léo và tình yêu nghề rất lớn trong nghệ nhân mới thổi bùng được sự sáng tạo qua những tác phẩm được anh cho ra lò. Người xem sản phẩm gốm làng Ngòi luôn bị cuốn hút bởi nét dân dã, mộc mạc, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo, dí dỏm ở họa tiết trang trí, nhưng không ai biết rằng, anh Khuyến đã phải trải qua gian khổ như thế nào. Từ việc tạo mẫu đến lên khuôn, tạo mầu, trang trí sản phẩm, nhưng có lẽ khó khăn nhất vẫn là việc nung gốm. Không như những dòng gốm khác nung theo kiểu truyền thống bằng than hoặc củi, lò của anh được xây dựng theo kiểu hiện đại, nung bằng khí gas. Những năm đầu anh gặp không ít khó khăn. Anh tâm sự: “Có những lần hàng chục mẻ ra lò đều thất bại, sập lò không biết bao lần, cả gia đình phải đi viện, bao nhiêu vốn liếng, công sức gần như mất trắng. Khi đó, khó khăn chồng chất khó khăn. Gia đình họ hàng ai cũng can ngăn, nhưng mình không được phép dừng lại và phải cố gắng nhiều hơn nữa thì mới duy trì được làng nghề”.

Năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang, anh xây dựng được một lò khí gas mới. Điều đó góp phần tạo nên thành công và khuyến khích nghệ nhân như anh phát triển tài năng và làng nghề.

Nghệ thuật gốm làng Ngòi

Đến nay, gốm làng Ngòi đã vươn mình trở thành một thương hiệu gốm uy tín, ghi tên tuổi vào làng gốm Việt, được sự mến mộ của bạn bè trong nước và quốc tế. Anh được trao nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi. Sản phẩm gốm làng Ngòi được xuất hiện tại Triển lãm hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là "Sản phẩm tinh hoa làng nghề".

Hiện tại, khó khăn lớn nhất của anh chính là chưa có mặt bằng và lao động tại cơ sở. Anh muốn truyền và dạy nghề để phát triển nghề rộng hơn nữa trong phạm vi của huyện và tỉnh. Anh đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề mở lớp đào tạo, truyền nghề cho hàng trăm lao động địa phương, nhưng ít người theo đuổi được đến cùng, bởi nghề này hoàn toàn làm bằng thủ công, đòi hỏi độ khó, sự tỷ mỷ cao, nên rất ít người muốn gắn bó với nghề.

Anh Khuyến có nhiều tâm sự: Nghề gốm mà mình đang làm tuy mới mẻ, độ khó cao, nhưng không phải không làm được. Mình đã dồn hết tâm huyết để mong nó phát triển mạnh mẽ hơn, để gốm làng Ngòi đến với bạn bè trong và ngoài nước được nhiều hơn. Hiện tại mình đang xây dựng một xưởng vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trưng bày, giao lưu văn hóa, nhưng một mình làm thì khó. Tôi hi vọng các cấp ngành nên có chính sách mới hỗ trợ về nguồn vốn và mặt bằng để phát triển nghề theo chiều sâu, mang lại giá trị văn hóa cho tỉnh nói riêng và cho cả nước nói chung.

Nguồn: congnghieptieuthuong.vn
BTV Nguyệt Ánh

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995