Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

TP. HCM: Đúc đồng An Hội – Nghệ nhân gắng gượng ''giữ lửa'' làng nghề

01/12/2021 - 3331 Lượt xem
Giữa lòng TP. HCM sôi động, hiện đại có một làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm. Đó là Làng nghề đúc lư đồng thủ công An Hội tại quận Gò Vấp.

TP. HCM là đô thị sôi động, hiện đại bậc nhất nước ta với nhiều loại hình dịch vụ, ngành nghề, kinh doanh khác nhau đã tạo nên một nền kinh tế năng động. Cùng với sự năng động, trẻ trung ấy thì tại TP. HCM hiện nay vẫn còn những làng nghề truyền thống đã có mặt tại thành phố này hàng trăm năm trước. Trong số đó có Làng nghề đúc lư đồng thủ công An Hội tại quận Gò Vấp.

Đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, TP. HCM xưa nay được nhiều người biết đến bởi sự tồn tại của một số cơ sở đúc lư đồng truyền thống. Làng đúc lư đồng An Hội hình thành từ cuối thế kỷ XIX đến nay nổi danh với nhiều sản phẩm thủ công nhưng cực kỳ tinh xảo… Gọi là làng nghề nhưng thật ra nơi đây chỉ còn 4 hộ gắn bó với nghề gần 1 thế kỷ qua. Để có một cơ sở làm nghề đúc lư đồng thủ công thì đòi hỏi phải có diện tích đất khá lớn, vài trăm đến hàng ngàn mét vuông để làm nhà xưởng, nơi gia công. Trong khi với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì đất ở có giá trị rất lớn, nhất là ngay tại quận Gò Vấp. Nên chính vì vậy mà nhiều người đã chuyển nghề và dành phần đất ấy để ở hoặc sang nhượng lại lấy vốn làm ăn. 

Nghệ nhân Hai Thắng chia sẻ những thăng trầm trong nghề

Những cái tên nghệ nhân Hai Thắng, Út Kiểng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh cũng chính là tên 5 cơ sở đúc lư đồng truyền thống vẻn vẹn hiện còn duy trì nghề truyền thống này ở An Hội. Tất cả họ đều là anh em họ hàng với nhau, trong đó ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng, sinh năm 1947) là hậu duệ đời thứ hai của dòng họ Trần, là nghệ nhân theo nghề lâu năm nhất. Còn người có công gầy dựng làng nghề này là cụ Trần Văn Kỉnh (Năm Kỉnh) – bác ruột của ông Hai Thắng. Chính cụ Kỉnh đã mang nghề đúc lư đồng này về làng và dạy cho ông, sau đó nghệ nhân Hai Thắng đã truyền lại cho anh em dòng họ và các con cháu trong vùng để phát triển làng nghề trở nên thịnh vượng.

Anh Trần Quốc Thái (45 tuổi) là con trai của nghệ nhân Hai Thắng, cho hay, ngay từ khi sinh ra đến nay, anh đã gắn bó với nghề truyền thống này của gia đình. “Cha tôi đã dạy cho tôi và các anh chị em trong dòng họ tất cả phương pháp chế tác lư đồng, có cả những bí quyết riêng, nhờ vậy mà cho đến nay, nghề làm lư đồng ở An Hội vẫn được các anh em họ hàng duy trì, không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là cách để nối nghiệp, tưởng nhớ đến các thế hệ đi trước, duy trì một nghề truyền thống đặc sắc trên đất Sài Gòn”, anh Thái chia sẻ và cho biết thêm, vào thời điểm thịnh vượng nhất, An Hội có đến hàng chục cơ sở làm nghề này, nhưng quá trình hiện đại hóa khiến cho các làng nghề truyền thống gặp khó khăn, đặc biệt là xu hướng sản phẩm công nghiệp ngày càng phát triển làm cho các làng nghề mai một dần, đến nay chỉ còn được 5 cơ sở.

Ông Nguyễn Minh Toàn, một trong số ít chủ cơ sở còn bám lại với nghề gia truyền từ đời ông của mình bày tỏ: “Trước đây ở đây có đến hơn 20 cơ sở làm nghề. Nhưng sau đó người ta bỏ bớt đi. Vì đất rộng nên họ bán hoặc cất nhà cho thuê. Riêng mình vì yêu nghề nên giữ lại dù rất cực”.

Với diện tích đất hơn 1000 m2 để làm nhà xưởng, hiện nay theo giá thị trường ông Toàn cho biết nếu sang nhượng thì gia đình ông sẽ thu về hơn 50 tỷ đồng. Trong khi làm nghề đúc lư đồng nếu năm nào kinh doanh tốt, khách mua nhiều thì doanh thu được từ 400-500 triệu, trừ đi chi phí thì chỉ còn lãi hơn trăm triệu. Nhưng vì yêu nghề nên cố bám giữ. Một chiếc lư đồng hoàn chỉnh phải trải qua gần 10 công đoạn từ: nhào nặng đất, làm khuôn, định hình vào khuôn sáp, bọc đất sét, rồi đến vẻ hoa văn, đưa vào lò nung, đánh bóng… Cũng như những cơ sở khác, ông Trần Văn Thắng đã cố bám giữ nghề hơn 50 năm với nhiều khó khăn, vất vả: “Tôi sống với nghề này mấy chục năm nên không bỏ được. Tôi đã truyền nghề cho con. Cơ sở làm tính luôn người nhà thì có 10 người”.

Tất cả các công đoạn tạo ra sản phẩm lư đồng đều được làm thủ công và đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo và tính cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Chính vì yêu cầu cao nên việc tìm kiếm nguồn nhân lực để làm nghề cũng là vấn đề khó khăn của các cơ sở hiện nay. Phần lớn những người thợ làm trong các cơ sở này là người lớn tuổi, chăm chỉ, chịu khó và đã gắn bó nhiều năm với nghề.

Nghệ nhân Huỳnh Thị Xum chia sẻ thêm về quy trình nhào trộn đất để làm lư đồng thủ công: “Đất này gọi là đất trấu, có 3 phần hòa chung với nhau, nhồi dẻo thành cục. Lớp này bảo đảm khi chế đồng vô không bị bung ra”.

Việc pha chế đồng trước khi nung chảy cũng đặc biệt công phu và quan trọng, không chỉ pha theo công thức mà phải lượng theo kinh nghiệm tay nghề của mỗi người, mỗi xưởng lại có một cách chế khác nhau, tạo ta những sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu riêng biệt. Qua nhiều công đoạn thủ công để tạo ra sản phẩm lư đồng, nhưng đến khi tiêu thụ thì cũng gặp không ít khó khăn, vì hiện nay với công nghệ hiện đại đã cho ra đời những sản phẩm đẹp hơn, giá thành rẻ hơn. Thêm vào đó sản phẩm lư đồng thường chỉ tiêu thụ nhiều vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm nên doanh số thường hạn chế. Đã quyết định theo nghề truyền thống của cha mình, nhưng ông Trần Văn Tiến vẫn lo lắng cho tương lai với nghề truyền thống của gia đình: “Nghề này lo nguồn nhân công, vì khi người cao tuổi nghỉ thì không có người thay thế. Hàng chỉ bán đắt vào tháng Chạp khi người dân thờ cúng nhiều”.

Nhiều người vẫn tâm huyết với nghề truyền thống

Cũng như các nghề thủ công truyền thống khác, nghệ nhân đúc lư đồng An Hội luôn giữ bí mật nghề nghiệp. Theo một số nghệ nhân, bí quyết trong nghề chủ yếu nằm ở khâu pha chế đồng. Tỉ lệ pha chế gia giảm và thời gian nung tùy thuộc vào đặc tính kỹ thuật và vật đúc. Tuy vậy, khâu chạm trổ luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ. Để chạm trổ được lư, ngoài sự tinh tế, chuẩn xác người thợ còn phải có óc thẩm mỹ, điều này được thể hiện rõ qua từng nét chạm khắc trên lư. Nghệ nhân Hai Thắng cho hay, bí quyết nghề nghiệp thường chỉ truyền cho con cháu ruột, còn nếu là thợ bên ngoài đến học nghề thì tùy vào sự sáng dạ, chăm chỉ, người thợ sẽ tự biết chế tác cho mình một công thức chế tác riêng. Thông thường, thời gian để một thợ lành nghề ít nhất khoảng 3 năm.

Theo chia sẻ của các cơ sở, khó khăn của làng nghề đúc đồng hiện nay là sự cạnh tranh của sản phẩm lư công nghiệp nên sản phẩm truyền thống bán khá chậm. Các cơ sở thiếu vốn để trữ hàng, mua đồng nguyên liệu. Các nghệ nhân chủ yếu lấy công làm lời, thu nhập rất thấp và cực nhọc nên phần lớn họ chuyển nghề, lao động trẻ thì không mặn mà vào học nghề…

Theo thời gian, số cơ sở làm lư đồng thủ công ở làng nghề An Hội hiện đã thưa thớt dần. Những người đam mê yêu quý nghề truyền thống này vẫn đang lo sợ nghề của mình sẽ bị mai một theo thời gian. Điều mà họ mong ước hiện nay là chính quyền địa phương có những chính sách, cơ chế để giữ lại nghề truyền thống này, vừa tạo ra nét đặc trưng văn hóa giữa lòng thành phố nhộn nhịp, vừa lưu giữ những ngành nghề truyền thống của dân tộc đã tồn tại hàng trăm năm ngay giữa lòng Sài Gòn – TP. HCM./.

Ngọc Phong

Nguồn TTV 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995