Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Quảng Nam: Gieo đam mê vào gốc tre làng

21/07/2020 - 2466 Lượt xem
Những bộ bàn ghế sang trọng chế tác từ gỗ hay thân tre dù đắt đỏ đến mấy cũng không lạ, nhưng nếu nguyên liệu là gốc tre thì vô cùng độc đáo

Người thành công trong việc thổi hồn vào gốc tre để viết nên câu chuyện độc đáo ấy là ông Phan Văn Chánh (52 tuổi; ngụ xã Đại Thạnh, Huyện Đại Lộc,Tỉnh Quảng Nam).

Lùng sục khắp nơi

Ở làng Hanh Đông, xã Đại Thạnh, nhiều người tếu táo gọi ông Chánh bằng biệt danh Chánh "cụt". Ông Chánh nghe thế chỉ cười.

Số là sau một tai nạn cách đây 32 năm, ông mất cánh tay phải. "Nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của đời tôi có lẽ là thời khắc cánh tay phải vĩnh viễn lìa xa cơ thể. Vì mải mê vận hành máy ép mía mà tay phải bị chính bộ phận nghiền mía nuốt chửng lúc nào không hay. Tỉnh dậy với bộ dạng không lành lặn, tôi nghĩ số phận mình coi như đặt dấu chấm hết" - ông Chánh kể.

Ông Phan Văn Chánh

Thế nhưng, ông không để cuộc đời dồn đến bước đường cùng. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông được một lò gạch ở địa phương nhận vào làm thủ kho. Công việc giúp ông thoát cảnh là gánh nặng của vợ con để sống cuộc đời tàn nhưng không phế.

Suốt mấy chục năm ròng, ban ngày ông miệt mài với công việc ở lò gạch. Trời tắt nắng, dân làng lại thấy ông tỉ mẩn vót từng thanh tre bên bờ sông gần nhà rồi đan lát. Ấy là vì ông yêu tre làng đến độ như máu thịt. Yêu tre, quý tre nên ông tỉ mẩn chẻ, vót hết mớ này sang mớ khác để cuối cùng là làm ra những sản phẩm từ sự rắn chắc, khéo léo của cánh tay trái. Đấy là những thúng, rổ mà vợ ông cứ vài bữa lại mang ra chợ bán. May mắn là sản phẩm của ông bán đắt như tôm tươi.

Rồi một hôm, người làng ngạc nhiên khi không còn thấy ông Chánh lui tới lò gạch. Mép sông bên nhà cũng chẳng còn bóng dáng người đàn ông cụt tay ngồi vót nan tre. Đoạn ấy là giữa năm 2012.

Nhớ về quãng thời gian này, ông Chánh bộc bạch: "Tình cờ chứng kiến bụi tre dưới chân cầu Quảng Đợi ở xã bên cạnh bị nước ngoạm bật gốc. Lúc ấy, tôi tần ngần quan sát hồi lâu và nghĩ thương quá, giá mà mình biến những gốc tre xù xì thành một cái gì đó để lưu giữ thì hay quá. Rồi tôi hình dung việc có thể biến các gốc tre này thành bàn ghế. Để tập trung toàn bộ tâm sức, tôi mạnh dạn nghỉ việc ở lò gạch, nghỉ luôn việc đan thúng rổ và bắt tay vào thực hiện ý tưởng chế tác bàn ghế từ những gốc tre bị lũ cuốn trôi về dọc sông".

Ngày đêm hì hục

Ngay trong cái đêm "thai nghén" ý tưởng ấy, quyết tâm của ông Chánh được cụ thể hóa với một bản vẽ chi tiết bộ bàn ghế bằng gốc tre. Sáng hôm sau, ông bắt đầu công việc "săn" gốc tre.

"Nguyên hai năm trời, tôi lặn lội lùng sục khắp nơi để thu gom gốc tre bị lũ cuốn về, hết thì tôi tìm đến nhà ai bán tre rồi mua để lấy gốc. Cứ đôi ba ngày, xe tải vận chuyển gốc tre tập kết về nhà một lần. Cứ thế, số lượng gốc tre chất đầy như núi. Dân làng thấy vậy tặc lưỡi cho là tôi dở hơi" - ông Chánh hào hứng kể.

Nào ngờ, hành động chẳng giống ai của ông Chánh "cụt" đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Một bộ bàn ghế được khai sinh từ gốc tre sang trọng không kém đồ gỗ chính thức được ông "trình làng" vào cuối năm 2014. Hết người này đến người khác kéo đến nhà để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng sắc sảo của bộ bàn ghế độc nhất vô nhị - kết quả từ hành trình "săn" gốc tre không biết mệt mỏi và những ngày đêm hì hục, vất vả của ông Chánh.

Một sản phẩm bằng gốc tre mới hoàn thành

Ông Chánh khẳng định trước và sau khi hoàn thành bộ sản phẩm đầu tiên này, ông chưa từng nghe hoặc thấy ai tận dụng gốc tre để làm cả bộ bàn ghế lớn như thế. Bộ bàn ghế đầu tay này chế tác từ tổng cộng 37 gốc tre. Trong đó, ghế dài được lắp ghép bởi 11 gốc, 2 ghế vừa thì mỗi ghế hết 7 gốc, 2 ghế nhỏ hết 8 gốc và 4 chân bàn là 4 gốc.

"Tất cả sau khi trải qua công đoạn cắt tỉa, cưa, đục, đẽo, khoan… sẽ được ráp với nhau bởi các chốt cũng bằng tre và sau cùng là sơn phủ PU. Ngoại trừ mặt bàn và một số chi tiết nhỏ khác, hầu như toàn bộ sản phẩm là chế tác từ gốc tre" - ông Chánh cho biết.

Làm chơi, ăn thiệt

Theo ông Chánh, mặc dù khuyết một cánh tay nhưng trong suy nghĩ lạc quan của ông thì điều đó không có gì trở ngại. Khó khăn duy nhất khiến ông phải nhiều đêm vắt óc suốt quá trình tạo nên bộ bàn ghế chỉ gói gọn trong hai từ "đối xứng".

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Chánh cho hay: "Để tìm ra các gốc tre làm chân ghế, chân bàn quả thật rất gian nan. Bốn gốc tre tạo nên mỗi chiếc ghế hay chiếc bàn phải có hình thù, kích cỡ tương đồng nhau. Nếu không tìm được thì sản phẩm làm ra sẽ nhìn không cân xứng. Việc săn lùng các gốc tre vì thế đòi hỏi phải thực sự kiên trì trước khi nói đến việc đầu tư công sức và thời gian để gọt giũa".

Thoạt đầu, ông Chánh chỉ nghĩ quyết tâm đổ mồ hôi vào mớ gốc tre để làm một bộ bàn ghế độc lạ tạo thú vui. Nào ngờ tiếng lành đồn xa, người tứ xứ tìm tới tận nhà đặt hàng. Rồi trước sự nài nỉ của một vị khách lặn lội từ TP HCM ra, ông đành bán bộ bàn ghế đầu tiên ấy để thu lại ít vốn liếng trang trải tiền chợ.

"Họ thuyết phục mãi, cuối cùng tôi cũng chiều ý và bán với giá 20 triệu đồng. Liên tiếp 2 năm sau, trung bình một năm tôi đóng được 5-6 bộ. Tất cả đều làm theo đơn đặt hàng và có bộ 9 món với giá lên tới 32 triệu đồng. Mỗi chiếc ghế hay chiếc bàn là một món. Chừ nghĩ lại, tôi cũng giật mình vì ai ngờ làm chơi nhưng ăn thiệt" - bật cười hào sảng, ông Chánh "cụt" nói.

Minh chứng rõ nhất cho việc "làm chơi, ăn thiệt" của ông Chánh là số lượng đơn đặt hàng mỗi ngày một nhiều hơn. Riêng từ đầu năm đến nay, ông đã xuất xưởng tổng cộng 7 bộ bàn ghế. Doanh thu mang lại hàng trăm triệu đồng. Số tiền chừng ấy với nhiều người có thể là nhỏ, nhưng suốt mấy chục năm làm thủ kho lò gạch ông chưa bao giờ mơ tới.

Nguồn: nld.com.vn
BTV Thúy Hường

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995