Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Những người giữ ''ngọn lửa nghề'' Bát Tràng

18/02/2021 - 2394 Lượt xem
Nằm ở tả ngạn sông Hồng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nổi tiếng với nghề làm gốm sứ có lịch sử 10 thế kỷ qua. Ngày nay, không chỉ giữ gìn “lửa nghề” truyền thống, những nghệ nhân, thợ giỏi ở xã Bát Tràng còn sáng tạo ra những sản phẩm khác biệt, định vị thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa Bát Tràng trở thành một trong những làng nghề phát triển nhất ở Hà Nội hiện nay.

Tiếp nối dòng chảy truyền thống

Xã Bát Tràng gồm hai làng nghề: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và Làng nghề gốm sứ Giang Cao. Nhắc đến Bát Tràng, không thể không nhắc tới những tên tuổi như: Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Trần Độ, cố NNND Vũ Đức Thắng; các Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT): Vương Mạnh Tuấn, Tô Thanh Sơn, Trần Đức Tân, Trần Tước, Phạm Đạt, Nguyễn Lợi, Nguyễn Quý Sơn cùng 154 nghệ nhân và cố nghệ nhân đã cống hiến tâm sức làm nên những dòng sản phẩm đặc sắc, tạo thương hiệu cho Làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Người dân Bát Tràng ghi nhận đóng góp của 4 nghệ nhân trụ cột: “Độ - Thắng - Lợi - Sơn”. Nếu như NNND Trần Độ nổi tiếng với việc phục chế các dòng gốm cổ của Thăng Long thì cố NNND Vũ Đức Thắng được biết tới với kỹ thuật phủ men chồng màu độc đáo và là người thành lập bảo tàng tư nhân Hồn Đất Việt. Hòa trong dòng chảy chung làm nên thương hiệu của làng nghề Bát Tràng, không thể không nhắc tới NNƯT Tô Thanh Sơn - người tạo ra dòng men rạn từ xương gốm, hay NNƯT Vương Mạnh Tuấn với sản phẩm ấm Tử Sa độc đáo, đòi hỏi kinh nghiệm khắt khe về nghề...

Nói về sự cống hiến của các thế hệ nghệ nhân, bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng chia sẻ: “Các chú, các anh đều là những “cây đa, cây đề” của Làng nghề Bát Tràng đã tiếp nối dòng chảy truyền thống và là những người tiên phong mở lối cho sự sáng tạo của làng nghề từ thời kỳ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường. Sự nhạy bén của thế hệ đi trước đã đưa Làng nghề Bát Tràng chuyển mình, thích nghi với điều kiện lịch sử của đất nước để phát triển mạnh mẽ”.

"Dòng chảy ngầm"

Có một “dòng chảy ngầm” luôn tồn tại trong người dân Bát Tràng, ấy là tình yêu với gốm. Khi mới 5 - 10 tuổi, theo chân bố mẹ vào xưởng, thứ đồ chơi đầu tiên mà trẻ em làng gốm Bát Tràng có được là hòn đất thô mộc. Sớm được chạm vào gốm, tận mắt xem người lớn nặn, khắc, vẽ, nung để tạo ra sản phẩm làm đẹp cho đời, những đứa trẻ của làng Bát Tràng lớn lên và theo nghề, tự nhiên như hơi thở, tiếp nguồn truyền thống với ngọn lửa khát khao đổi mới, làm giàu cho quê hương.

Một trong những tấm gương như thế là nghệ nhân Hà Văn Long, chủ cơ sở gốm sứ Long Loan (xóm 4, làng Bát Tràng). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 đời làm nghề, ông ngoại vừa là nghệ nhân vừa là giảng viên ngành Gốm của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, từ năm 7 tuổi Hà Văn Long đã được tiếp xúc với gốm và có sản phẩm khi còn là thiếu niên. Năm 20 tuổi, nghệ nhân Hà Văn Long được bố mẹ tin tưởng giao “đứng lò” - một công đoạn quan trọng để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Gần 40 năm làm nghề, nghệ nhân Hà Văn Long luôn tâm niệm uy tín và chất lượng là hai yếu tố quan trọng nhất mà người làm nghề cần giữ gìn trong cuộc cạnh tranh thị trường khắc nghiệt. Với sở trường gốm tâm linh, đồ thờ vẽ tay phủ men kính và men Trường thạch, các sản phẩm của nghệ nhân Hà Văn Long mang đậm dấu ấn cá nhân với những nét vẽ thủ công tinh xảo, màu men bóng, trong. Đến nay, dòng sản phẩm gốm tâm linh Long Loan là một trong hai thương hiệu đứng đầu của làng Bát Tràng.

Nghệ nhân Hà Văn Long giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Làng gốm Giang Cao cũng ghi nhận nhiều tên tuổi nghệ nhân mới. Sức trẻ và sự sáng tạo đã đưa sản phẩm của họ tiếp cận thị trường dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại cơ sở sản xuất gốm Hưng Dung của nghệ nhân trẻ Nguyễn Đăng Hưng (thôn 1, làng Giang Cao), hơn 30 thợ liên tục vẽ, vuốt, nặn sản phẩm đồ gia dụng. Nguyễn Đăng Hưng cho biết, trung bình mỗi năm, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa của gia đình anh đạt hơn 10 tỷ đồng.

Gặp nghệ nhân Lương Thị Thu Huyền (thôn 1, làng Giang Cao), ít người tin rằng chị đã điều hành 2 xưởng sản xuất gốm sơn mài từ hơn chục năm trước. Chị chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã muốn làm điều gì đó khác biệt. Cơ duyên đến với tôi trong một lần đi thăm Làng nghề sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín). Tôi nghĩ, gốm và sơn mài đều là chất liệu truyền thống đặc biệt của Việt Nam, nếu kết hợp sẽ cho những sản phẩm độc đáo. May mắn là sản phẩm của tôi được các thị trường khó tính nhất chấp nhận và các đơn hàng vẫn liên tục đến trong cả thời gian diễn ra dịch Covid-19”.

Sáng tạo tương lai

Đến Làng gốm Bát Tràng hôm nay, du khách được thấy diện mạo khang trang, hiện đại của Cụm công nghiệp Làng nghề Bát Tràng. Với diện tích gần 17ha, theo quy hoạch của thành phố, đây sẽ là khu giới thiệu sản phẩm làng nghề và là nơi dừng chân, mua sắm của du khách trong tương lai.

Tại Cụm công nghiệp Làng nghề Bát Tràng hiện đã hình thành một số điểm tham quan hấp dẫn. Nổi bật là gian trưng bày sản phẩm của cơ sở gốm sứ Cương Duyên, còn được biết đến với cái tên Nhà cây Đông Sơn. Đây là công trình kiến trúc sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả của "con đường gốm sứ". Ngôi nhà có thiết kế độc đáo với những cây gốm bên ngoài cùng các cột nhà, cầu thang bên trong được gắn bằng gốm mosaic, vừa mang dáng vẻ hiện đại vừa toát lên nét đặc trưng của làng nghề Bát Tràng. Chị Phạm Cẩm Linh, con gái nghệ nhân Phạm Duy Cương cho biết: “Đây là tâm huyết của nghệ nhân Phạm Duy Cương cùng các cộng sự, không chỉ giới thiệu đến du khách những sản phẩm tinh xảo của gốm sứ Cương Duyên mà còn là những tư liệu về Làng nghề Bát Tràng hơn 1.000 năm tuổi. Chúng tôi mong muốn nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng văn hóa về làng nghề, để du khách có thêm nhiều trải nghiệm khi đến với Làng nghề gốm sứ Bát Tràng”.

Theo ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, mỗi nghệ nhân, thợ giỏi ở Làng nghề Bát Tràng đều là một mắt xích quan trọng trong sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính họ đã gìn giữ “ngọn lửa nghề” suốt nhiều năm qua, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia để ngọn lửa trong các lò nung và “ngọn lửa” tình yêu với nghề gốm truyền thống không bao giờ tắt. Nhờ vậy, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng luôn là làng nghề kiểu mẫu trong số 1.350 làng nghề của Hà Nội.

Bài và ảnh: Bảo Khánh

Nguồn Báo Hànộimới http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/824345/nhung-nguoi-giu-ngon-lua-nghe-bat-trang

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995