Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường – Người “thổi hồn” cho tranh đá quý

08/05/2021 - 3040 Lượt xem
“Mỗi tác phẩm của tôi làm ra không chỉ là sự chắt chiu, chứa đựng của một cuộc hành trình thỏa mãn niềm đam mê khám phá cái đẹp của ngọc và đá mà nó còn chứa đựng cả khổ đau, hạnh phúc của một cuộc đời. Tranh của tôi có một lối đi riêng bởi nó được làm ra từ thăng hoa cảm xúc của con người và bằng tinh hoa đích thực của thiên nhiên” – Đó là những chia sẻ của Nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường.

Hành trình khởi nghiệp gian nan

Ít ai có thể ngờ rằng, trước khi trở thành nghệ nhân đá quý, ông Đào Trọng Cường đã từng trải qua các nghề như: nghề sửa chữa đồ điện tử, thợ sửa nồi hơi trong nhà máy cơ khí, rồi làm nghề ép lốp xe đạp, công nhân nấu xà phòng… Dù nỗ lực cố gắng, nhưng cũng chỉ đủ ăn hoặc đã từng có lúc ông gặp thất bại. 

Cuối những năm 80 - đầu 90 của thế kỷ trước, trong quá trình theo chân những người đi tìm vận may lên vùng mỏ đá quý Lục Yên, ông Đào Trọng Cường chứng kiến cảnh hàng ngàn người hì hục lao công trong những hầm mỏ nguy hiểm mà đá quý tìm được lại rất hiếm, chủ yếu là đá chưa đủ tiêu chuẩn để làm đồ trang sức. 

Nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường chia sẻ về tranh đá quý

Mất khoảng 6 năm là quãng thời gian mà ông Đào Trọng Cường miệt mài tìm hiểu, học hỏi về nghề tranh đá quý.

Nhiều năm như vậy, đá quý Lục Yên xuất thô với giá rẻ mạt mà không mấy ai quan tâm mà nước ngoài lại thu mua, vậy họ mua để làm gì? Có thể đá quý Lục Yên bán đi không đúng với giá trị của nó? Ông đem những thắc mắc đó hỏi các thương nhân nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. 

Đến năm 1995, ông Đào Trọng Cường mới có cơ hội cùng thương nhân buôn đá quý sang Thái Lan, nhân một Hội chợ Thương mại, may mắn, ông đã tìm được câu trả lời. Hóa ra, các thương nhân Thái Lan mua đá quý Lục Yên về để chế tác thành tranh. Ông đã không ngần ngại bỏ hết số tiền tự có để mua 10 bức tranh đá quý về. 

Khi về nước, ngay lập tức ông dồn sức nghiên cứu kỹ nghệ làm tranh và bắt tay làm. Bao nhiêu lần làm hỏng, đổ đi, lại làm lại. Ông đã không ngại đập nát từng bức tranh mua về từ Thái Lan, vo vụn để nghiên cứu. 

Sau đúng 1.500 ngày đêm chong đèn đục đẽo, phân tích, lại gắn, lại phân tích… cuối cùng ông cũng biết được loại keo dính mà người Thái đã dùng. Khoảng 6 năm là quãng thời gian mà ông Đào Trọng Cường miệt mài tìm hiểu, học hỏi về nghề tranh đá quý.

Trở thành “ông tổ” nghề tranh đá quý

Bằng sự vươn lên trường kỳ không biết mệt mỏi và bằng ý chí phi thường, ông Đào Trọng Cường từ một người kinh doanh lận đận đến nay đã “bén duyên” thành một doanh nhân thành đạt, người khai sáng ra chuyên ngành nghệ thuật mới: tranh cẩn ngọc.

Năm 2000, ông hoàn thành những bức tranh ưng ý với nguyên liệu hoàn toàn là đá quý Lục Yên. Khi biết làm tranh rồi, nhìn thấy những người dân cả đời sống trên đá quý mà vẫn nghèo, ông Đào Trọng Cường lại nuôi ý tưởng phát triển một nghề mới để người dân có việc làm, có thu nhập ổn định và nguồn tài nguyên quý giá của Lục Yên không còn chịu cảnh xuất thô với giá rẻ mạt. Ông đã mở xưởng, tìm thợ, vừa làm vừa mày mò hoàn thiện nghề tranh đá.

Ngày 6/11/2002, ông Đào Trọng Cường tổ chức một cuộc Triển lãm Tranh đá quý tại Hà Nội tạo được tiếng vang. Nhiều người lần đầu tiên biết đến một chất liệu hội họa và một nghề mới, nghề làm tranh đá quý ở Việt Nam. Những bức tranh đá quý do ông làm ra ngày càng được thị trường đón nhận rộng rãi. 

Ông Đào Trọng Cường đã hoàn thành những bức tranh ưng ý với nguyên liệu hoàn toàn là đá quý Lục Yên

Năm 2006, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia. Cũng trong năm này, ông mở triển lãm tranh đá quý với 300 bức cỡ hoành tráng.

Những tác phẩm như: Bác Hồ kính yêu, Bình minh, Khát vọng, Tranh Đông Hồ, Chùa Một Cột,… đã trở thành những tác phẩm bất hủ trong sự nghiệp của Đào Trọng Cường cũng như của làng tranh đá quý Việt Nam, giúp ông giành được hàng loạt giải thưởng danh giá như Tinh hoa Việt Nam…

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường còn được biết đến là một nghệ sĩ, doanh nhân chăm chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Tác phẩm Bình Minh của ông bán được hơn 21.000 đô la Mỹ, được ông ủng hộ cho các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm Ngày nay được bán với giá 9.000 đô la, được ông ủng hộ cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Hay như tác phẩm Ba miền được bán với giá 1,83 tỷ đồng, được ông ủng hộ toàn bộ cho quỹ Vì người nghèo.

Mới đây nhất nghệ nhân Đào Trọng Cường đã trao tặng cho Bộ Ngoại giao bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ lòng biết ơn của những họa sĩ đương đại với công lao to lớn của vị cha già dân tộc.

Ông đã dành thời gian 6 tháng để hoàn thành bức tranh quý có kích cỡ 1m54 x 2m76. “Để hoàn thành bức tranh này, tôi cũng khá vất vả, bởi vì đá quý không thể xóa được như bột màu, sơn dầu. Tôi đã dùng đá quý như sapphire, thạch anh, đá nguyên sơ, bột đá quý để thành màu bức tranh vừa chân thật, vừa bền vững với thời gian”, nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường chia sẻ.

Nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường được ghi nhận là người khai sáng ra nghề cẩn ngọc tại Việt Nam. Ông đã được  Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội ghi nhận bằng các danh hiệu: Nghệ nhân Quốc gia, Nghệ nhân Bàn tay vàng; Giải thưởng Sao vàng đất Việt; Giải Ngôi sao Việt Nam; Giải thưởng Chất lượng cao; Giải thưởng Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Vinh danh “Nhà Công thương Việt Nam xuất sắc”…

Ông còn được biết đến qua các hoạt động văn hóa, xã hội, ngoại giao. Tiêu biểu là việc tặng những bức tranh được cẩn nạm bằng đá quý chân dung các vị Nguyên thủ các quốc gia dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam 2006; Chân dung các vị lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Chủ tịch Cuba Phidel Casstro; Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Việt nam dự diễn đàn an ninh khu vực Asean (ARF) năm 2010, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gate cùng nhiều doanh nhân lịch sử trong và ngoài nước.

Hơn hai mươi năm trôi qua, nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường luôn giữ được lối đi riêng bằng chữ tín, chữ tâm, bằng bản lĩnh, trí tuệ, sự chịu đựng, quyết tâm học hỏi và trau dồi tri thức của một người làm nghề chân chính. Với đôi bàn tay tài hoa cùng trí thông minh, sáng tạo, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, ông đã viết lên câu chuyện cổ tích của một người nghệ sĩ luôn chứa chan sự đẹp đẽ, phóng khoáng trong con người và tác phẩm. 

Huyền Chi

Nguồn thuonghieuvaphapluat.vn

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995