Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Nam Định: Từ niềm đam mê nhà gỗ

27/08/2021 - 2663 Lượt xem
Nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Điềm ở làng Hồ Sen, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) không chỉ phục dựng, làm mới nhiều ngôi nhà gỗ cổ truyền thống mà còn đảm nhận các công trình và phục chế các di tích lịch sử đình, chùa đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Người thợ của Công ty Xuân Điềm chỉnh sửa từng chi tiết của ngôi nhà gỗ trước khi bàn giao cho chủ nhà.

Là thạc sĩ chuyên ngành xây dựng công trình, giảng dạy bộ môn Mộc mỹ nghệ ở Khoa Đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định nên anh Điềm có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu các công trình nhà cổ và di tích lịch sử ở nhiều địa phương, học hỏi được kinh nghiệm và lĩnh hội tinh hoa của nghề từ những người thợ có tay nghề cao phục vụ cho quá trình giảng dạy của mình. Trong quá trình tìm hiểu, anh đặc biệt có hứng thú với những ngôi nhà gỗ với những hoa văn cổ tinh xảo mang dấu ấn ở từng thời kỳ và không nghĩ một ngày mình có thể làm tốt nghề “tay trái” mang thương hiệu riêng được nhiều người biết đến như hiện nay.

Anh Điềm nhớ lại: Năm 2009, khi về xã Yên Tiến (Ý Yên) để tìm hiểu về nghề mộc của địa phương, anh gặp ông Nguyễn Văn Quân và rất “tâm đầu ý hợp” khi trò chuyện về nghề. Khi đó, ông Quân đã nảy ra ý tưởng nhờ anh Điềm làm nhà gỗ cho mình. Ban đầu, anh Điềm chỉ lên ý tưởng, thiết kế giúp nhưng thấy anh có tay nghề, kiến thức nên ông Quân quyết định để anh làm chủ công trình. Không phụ lòng tin tưởng, anh dành hết tâm huyết để tìm hiểu, thiết kế xây dựng căn nhà gỗ đầu tiên. Với sự hỗ trợ của 3 người thợ, trong thời gian 3 tháng, ngôi nhà hoàn thiện với những đường nét tinh xảo trộn lẫn nét hiện đại và văn hóa truyền thống trong sự hài lòng của cả chủ và thợ. Tiếng lành đồn xa, từ công trình đầu tiên là ngôi nhà của ông Quân, nhiều người tìm đến anh để ký hợp đồng. Để thuận tiện cho công việc, năm 2016, anh thành lập Công ty TNHH Xuân Điềm. Với kinh nghiệm rút ra từ mỗi “đơn hàng”, anh Điềm tập trung nâng cao chất lượng, tìm kiếm những người thợ có tay nghề cao và tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc nhà gỗ ở mỗi vùng miền và giai đoạn lịch sử.

Những người thợ chạm khắc gỗ hoàn thiện bức tranh cho ngôi nhà gỗ

Theo anh, làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà mái bằng; công việc đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỉ mỉ, khéo léo, đặc biệt là tay mực thước của người thợ. Bởi, một ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ không chỉ đảm bảo kiến trúc, thẩm mĩ mà còn chứa đựng hồn cốt, nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, khi nhận một công trình, anh thường hội ý với những thợ mộc giỏi để xác định cự ly của tim cột cái, tụ chồng bò, tụ xà máng, tim tụ cột quân...; trao đổi với những thợ chuyên đắp hoa văn cổ truyền sao cho hợp phối cảnh ngôi nhà. Những ngôi nhà chạm khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng), thường là những gia đình, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao, có địa vị trong xã hội. Những ngôi nhà khắc tùng, cúc, trúc, mai theo dáng long, ly, quy, phượng (tứ linh hóa) thường là những gia đình giàu có nổi tiếng trong vùng. Một số ngôi nhà bình dân thường chỉ đục chạm hình tượng trong tranh Đông Hồ như đàn lợn âm dương, vượt vũ môn, hái dừa… Một nếp nhà gỗ dù là 5 gian hay 3 gian đều phải qua nhiều công đoạn: Từ lựa chọn nguyên vật liệu, loại gỗ cho ngôi nhà, tạo hình, thiết kế, chọn tích điêu khắc trang trí…, rồi chuyển qua khâu gia công đục đẽo, lắp ráp đánh giấy ráp, dựng, phun sơn và cuối cùng là cất nóc đều đòi hỏi phải công phu, kỹ lưỡng. Vì thế, trong nhiều năm làm nghề, anh đã lặn lội tìm đến nhiều địa phương để tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử đặc biệt ở các làng cổ từng vùng miền. Hiện nay, việc làm nhà gỗ theo kiến trúc cổ đã “hiện đại” hơn nhiều bởi ngoài đồ nghề truyền thống như cưa tay, bào, đục, chàng, bạt, thợ mộc còn có cả máy cưa, máy mài, máy đánh bóng, máy khoan, máy cắt nên các công đoạn được rút ngắn nhiều, nhưng nghệ thuật chạm gỗ luôn đòi hỏi sự kỳ công và kiên nhẫn; nhất là những công việc đòi hỏi tay nghề cao ở người thợ như làm các cột cái, cột con, cột quân, xà lòng, xà nách, xà khóa, bờ, trụ... Mỗi bộ cửa bức bàn cũng đã là công trình nghệ thuật, phải đúng là cửa thùng khung khách; 4 cánh phải là các bức chạm nổi hoặc chạm lộng, các họa tiết theo các tích cổ… Vì vậy, với 35 người thợ, anh Điềm phân làm việc ở 3 xưởng khác nhau như xưởng gỗ, xưởng xẻ, xưởng sản xuất để mỗi tốp thợ tập trung vào công việc của mình. Đối với anh Điềm, khó khăn lớn nhất là phải cân đối giữa việc giảng dạy và sự phát triển của công ty, bởi việc đào tạo những sinh viên có tay nghề tốt để các em ra trường có cơ hội việc làm cao là trách nhiệm của người thầy và việc ký kết được nhiều hợp đồng để tạo việc làm thường xuyên, có thu nhập tốt cho đội ngũ những người thợ của công ty. Đến thời điểm này anh đang duy trì tốt cả hai công việc, trong đó việc giảng dạy vẫn luôn được ban giám hiệu và sinh viên Trường Cao đẳng Xây dựng đánh giá cao.

Tâm huyết với những ngôi nhà gỗ, đến nay những ngôi nhà mang thương hiệu Xuân Điềm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong 10 năm qua, anh đã thi công được hơn 100 ngôi nhà gỗ Bắc Bộ và trùng tu, tôn tạo nhiều công trình đình, chùa, nhà thờ, di tích văn hóa lịch sử trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Báo Nam Định

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995