Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Nam Định: Chế tác đồng hồ giả cổ ở Xuân Tiến

29/10/2020 - 2556 Lượt xem
Những chiếc đồng hồ quả lắc hay còn gọi là đồng hồ côn vốn đã rất quen thuộc với nhiều gia đình. Đồng hồ không chỉ có tác dụng theo dõi thời gian mà còn làm đẹp thêm cho không gian căn phòng. Và những chiếc đồng hồ đẹp, đắt tiền còn thể hiện được đẳng cấp, vị thế của chủ nhân. Một trong những người chế tác đồng hồ theo lối cổ ấy là ông Trần Bằng Đoàn, xóm 3, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Ông Trần Bằng Đoàn, xóm 3, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đang chế tác đồng hồ

Cái duyên với nghề chế tác đồng hồ giả cổ đến với ông Đoàn trong khoảng gần 40 năm nay. Theo ông Đoàn, đồng hồ là một trong những sản phẩm khó chế tác nhất bởi ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ của sản phẩm, người thợ khi chế tác còn phải lưu ý đến cả những thông số kỹ thuật, những chi tiết dù là nhỏ nhất cũng phải hết sức lưu tâm và làm một cách vô cùng tỷ mỷ, cẩn thận. Để có được một sản phẩm đồng hồ hoàn chỉnh thường cần đến 2 người thợ. Một người thợ phụ có trách nhiệm đục để tạo hình cho sản phẩm. Người thợ chính đảm nhận công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Những chi tiết nhỏ, cần độ chính xác cao sẽ được người thợ chính xử lý toàn bộ. Để chế tác thành công một chiếc đồng hồ côn theo lối cổ, ông Đoàn phải đặt mua linh kiện đồng hồ từ các nước Đức, Pháp, Úc; giá mỗi máy từ 15 triệu đồng trở lên, tùy theo nhu cầu của khách hàng. Có nhiều loại máy như: máy 13-23, 13-13, 16-16; 15-20, 15-23. Có loại giá trị 130 đến 150 triệu đồng. Có loại chơi 8 gông hoặc 10 gông tùy vào ý thích của từng người chơi trong đó, mỗi gông là mỗi tiếng đánh chuông của đồng hồ cũng được chế tác theo tiết tấu các bài nhạc giao hưởng với âm vực trầm ấm. Sau khi nhập linh kiện, công việc của ông Đoàn là chế tác mặt, hộp đồng hồ, quả lắc. Chất liệu vỏ hộp đồng hồ thường được làm bằng gỗ gụ hoặc gỗ sồi, gỗ trắc, gỗ mun... bởi đây là các loại gỗ mềm, có tính cộng hưởng âm thanh tốt. Người thợ chế tác vỏ đồng hồ phải hiểu về âm luật, tính cộng hưởng âm thanh, độ dày của từng hộp đồng hồ vừa phải, không dày quá, cũng không được mỏng quá. Ông Đoàn chia sẻ: “Đồng hồ có nhiều loại với những tiếng chuông khác nhau, nhưng mỗi loại là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đồng thời, qua đó muốn nhắc nhở mọi người thời gian là vàng bạc, nó chẳng chờ đợi ai cả nên cần trân trọng thời gian, trân trọng những giây phút bình yên trong cuộc đời”. Đa số người chơi đồng hồ theo lối cổ cho rằng, họ đam mê với một thú chơi văn hóa. Họ có quan điểm chỉ mua chứ không bán và trong bộ sưu tập của họ có vài trăm chiếc, nhiều chiếc trị giá hàng trăm triệu đồng. Vì thế nhiều người đã cất công đi khắp nơi tìm kiếm, để đến nay tư gia của họ trở thành thế giới đồng hồ với những “nàng ca sĩ” kiểu dáng đẹp mà chiếc chuông cũng độc đáo. Để có được kinh nghiệm chỉ nhìn qua bên ngoài cũng đã biết chủng loại, năm sản xuất, âm thanh… Thực tế, không phải ai có tiền cũng có thể chơi và biết chơi đồng hồ, nhưng ai đã biết thì đều nghiện. Cái khó nhất của người chơi là phải nghe được âm thanh, cảm nhận được cái hay của nó. Thêm nữa, bộ gông là linh hồn của chiếc đồng hồ, nếu không có kiến thức phân biệt thì rất dễ bị hớ, mua phải đồ dởm mà không biết.

Để có chiếc đồng hồ giá trị phải mất nhiều công đoạn, gồm sự kết hợp tài năng của kỹ sư máy (mà trực tiếp ông Đoàn là người đảm nhiệm), người thợ mộc, người đúc đồng, bác thợ đá... Hầu hết được làm thủ công nhưng tất cả các chi tiết đều chính xác, như được lập trình trên máy tính. Ngay cả những chiếc bánh răng, dù phải vận hành trong hàng chục năm, nhưng độ chính xác vẫn cao, rất ít bị ăn mòn.

Với người chế tác, ngoài việc am hiểu về đồng hồ, còn phải biết thẩm định, sáng tạo ra các loại hình dáng hộp đồng hồ cho phù hợp với từng loại máy. Trong đó, có hai dòng chính là Odo của Pháp và Cuckoo của Đức được chế tạo thủ công bằng tay, với tuổi thọ hàng trăm năm. Theo ông Đoàn, hai hãng này có ảnh hưởng rất lớn đến giới chơi đồng hồ giả cổ ở Việt Nam. Nước Pháp nổi tiếng với các loại đồng hồ tủ, có thể ngân những bản nhạc du dương, sâu lắng. Còn ở Đức, hãng Junghans rất nổi tiếng với các loại đồng hồ treo tường, rất có hồn. Ông Đoàn chia sẻ thêm: “Theo những người sành chơi, nghe âm thanh đồng hồ tốt nhất là khoảng 12 giờ đêm. Lúc này, không gian tĩnh mịch, tiếng đồng hồ ngân lên trong trẻo. Có chiếc trầm như tiếng chuông chùa, có chiếc rền như trống, chiếc khác vang như chuông nhà thờ, bởi thế nhiều người đã trở dậy vào ban đêm để được nghe thế giới đồng hồ hát. Riêng ông Đoàn thích chế tác những chiếc đồng hồ kiểu dáng của châu Âu, đặc biệt là phong cách Pháp. Vì vậy, quá trình chế tác, ông phải thiết kế tỉ mỉ, mẫu mã ưa nhìn, gỗ được chọn loại tốt, không mối mọt. Chất liệu gỗ không quá nặng, cũng không quá nhẹ, thường là gỗ gụ hoặc gỗ thông dầu hoặc gỗ sồi (phải nhập từ Nga về). Tiếng nhạc của đồng hồ phụ thuộc khá nhiều vào chất gỗ và “gông”. Chất gỗ khác nhau cho âm thanh đồng hồ khác nhau. “gông” chế tạo từ đồng tiếng khác, “gông” chế tác từ thép tiếng khác. “Một sản phẩm tinh vi như vậy đó chính là đỉnh cao của sáng tạo con người. Giản dị, nhưng đầy bí ẩn”, ông Đoàn cho biết thêm. 

Hiện cơ sở chế tác đồng hồ theo lối cổ của gia đình ông Trần Bằng Đoàn đã xuất đi nhiều nơi trên cả nước, theo đơn đặt hàng của khách hàng. Nhiều khách hàng tận trong Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ cũng đã tìm ra để đến đặt hàng ông sản xuất. Mỗi năm, ông đã xuất đi trên dưới 30 chiếc đồng hồ với từng chủng loại, kích cỡ vỏ hộp khác nhau. Dưới bàn tay tài hoa của ông và những người thợ, những kỹ thuật chế tác của các mẫu đồng hồ cổ từ thế kỷ XVIII đã được hồi sinh trong các phiên bản đồng hồ bắt mắt và hiện đại hơn.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

Nguồn Báo Nam Định

http://www.baonamdinh.com.vn/channel/5092/202009/che-tac-dong-ho-gia-co-o-xuan-tien-2539684/

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995