Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Men gốm dậy lên từ lòng nhiệt huyết

15/07/2021 - 2400 Lượt xem
Người ta gọi anh là “kẻ say”. Anh say men gốm bởi cái cách đi ngược số đông trong việc “thổi hồn vào đất”. Nhưng đằng sau tất cả niềm đam mê của anh dành cho gốm thì không phải ai cũng có được. Có lẽ, men gốm đã dậy lên từ men lòng nhiệt huyết của anh.

Ngay từ thời thơ ấu, Trần Văn Hợi đã bộc lộ rõ những năng khiếu nổi trội về mỹ thuật. Khác với bạn bè cùng trang lứa chỉ thích bắn bi, trốn tìm, thì cậu bé Hợi ngày ấy đã sớm say mê trò chơi nặn đất, người lúc nào cũng lấm lem. Lớn hơn một chút, cậu lại thích ngắm nhìn những lọ hoa, bình gốm, mê mẩn với sự uyển chuyển của những họa tiết trang trí trên những sản phẩm đất nung. Mặc dù ở làng không có ai làm gốm, vậy mà Hợi vẫn ước mơ được trở thành một “nghệ sĩ gốm” trong tương lai.

Nghệ nhân Trần Văn Hợi bên tác phẩm phục chế đầu rồng đời nhà Lý theo di sản Hoàng Thành Thăng Long

Nung nấu khát vọng ấy, năm 18 tuổi Trần Văn Hợi quyết tâm hiện thực hóa ước mơ bằng việc nỗ lực học tập và bắt đầu một hành trình nghiêm túc với gốm. Được đào tạo bài bản về nghệ thuật, được tiếp xúc nhiều hơn với những chuyên gia trong ngành gốm, anh Hợi mỗi ngày một say hơn với nghề hơn. Anh đi mọi nơi, học đủ các khóa học về điêu khắc, tìm đến nhiều làng nghề để học hỏi thêm kiến thức, bổ sung kinh nghiệm phát triển kỹ năng bản thân. May mắn, năm 2003 anh được gặp được người thầy Nguyễn Việt, một nghệ nhân gốm đến từ Bình Dương. Vì cảm mến tinh thần học hỏi, say mê nghề của anh Hợi, Thầy Việt nhận anh làm học trò, rồi “phá lệ” mà truyền nghề, chỉ cho anh cả những bí quyết mà cả cuộc đời thầy đúc rút được. Cứ như vậy, hơn mười năm, anh Hợi rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc cùng thầy của mình, vừa làm, vừa học hỏi, anh rút ra cho mình những kinh nghiệm để hoàn thiện khả năng bản thân, “màu sắc” nghệ thuật của Hợi vì thế mà càng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú.

Khi có đủ tố chất về nghề, được sự động viên của thầy và các đồng nghiệp, anh trở về Bắc, mở xưởng gốm tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Đây cũng là thời điểm mà nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm gốm sứ lúc nào cũng “cháy hàng” vì sức mua tăng cao. Để đáp ứng thị trường, nhiều xưởng gốm truyền thống cũng chuyển đổi sang sản xuất gốm công nghiệp nhằm sản xuất hàng hóa số lượng lớn, tiết kiệm thời gian. Ấy vậy mà anh Hợi chẳng chịu “đổi mới”. Trong không gian nho nhỏ chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông, cả lò, cả xưởng, bất chấp cái hối hả, tấp nập xung quanh mình, anh Hợi vẫn kiên trì với dòng gốm vuốt tay, dù mất cả chục ngày mới xong một sản phẩm đơn chiếc. 

Nhiệt huyết luôn cháy cùng đôi bàn tay tài hoa

Dòng gốm đơn chiếc vốn là một dòng gốm không phải ai cũng có thể kiên trì được. Khác với việc tạo ra những sản phẩm y hệt nhau, gốm đơn chiếc yêu cầu người thợ phải đảm nhận tất cả các công đoạn từ làm đất, tạo hình, tráng men cho tới khi đưa vào lò nung. Tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên không thể vội vàng, nhưng lại phải hết sức cẩn trọng, bởi chỉ sai lệch một chi tiết, công sức của người thợ cũng coi như đổ xuống sông, xuống bể. Anh kể: “Có những khi mình dồn tất cả tâm huyết để tạo hình, thiết kế mẫu, cảm thấy đã ưng ý rồi mới đưa vào lò nung. Háo hức chờ đợi từng phút, từng giây cho gốm “no” lửa để đón thành quả. Cuối cùng chỉ có một đống mảnh vỡ trước mặt mình. Nếu như những chất liệu khác có thể tái chế lại, thì gốm vỡ chỉ có thể bỏ đi. Những lúc ấy, tôi thực sự rất buồn,mà đâu chỉ buồn một lần, rủi ro của nghề gốm khó khi nào lường trước được”. Nhưng bù lại, mỗi sản phẩm khi hoàn thiện lại luôn mang một dấu ấn riêng biệt, không trùng lặp với bất cứ sản phẩm nào trên thị trường, nó được ví như một tác phẩm nghệ thuật mang tâm hồn của người tạo tác.

Nói về quá trình gắn bó với nghề, anh Hợi tâm sự: “Được nhiều mà cũng mất nhiều”. Cái được là sống với đam mê của mình, được thổi hồn vào những tác phẩm của mình, được tìm thấy niềm vui khi tác phẩm của mình đã thành hình, thành dạng, đúng như mục đích mình mong muốn. Nhưng để có được những điều đó là không ít những sự đánh đổi, mà chỉ khi đã trải qua thất bại, mới biết “đau” là như thế nào. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với nghề, bằng những kinh nghiệm tích lũy, anh Hợi đã hạn chế được phần lớn những rủi ro mắc phải trong quá trình sản xuất. Tài năng của anh ngày càng được nhiều người biết, và tìm tới đặt hàng.

Giờ đây, anh đã có thể phục chế thành công những cổ vật qua các thời đại lịch sử Việt Nam như: Thạp đời nhà Trần, chân đèn nhà Mạc, nữ thần Kâyno, nền văn hóa Khmer. Anh cũng tham gia phục dựng nhiều tượng phật, cổ vật tại nhiều di tích lịch sử, bảo tàng trên khắp cả nước… Ngoài ra, anh Hợi còn thành công trong việc tạo chất liệu men hữu cơ, sử dụng làm men phủ cho các sản phẩm của mình. Điều này cũng tạo nên nét độc đáo trong những tác phẩm của anh Hợi. Bởi với chất liệu men hữu cơ, tùy vào độ kiềm của đất, mỗi một mẻ men cũng lại cho ra những màu men riêng biệt. Tôn lên sự tinh sảo cho những sản phẩm đậm chất do anh chế tác.

Mộc mạc chân chất, lúc nào cũng “chân lấm, tay đất”, nhưng nói về gốm, lúc nào ánh mắt anh cũng bật lên một niềm tự hào, say mê khó tả. Anh bảo đó là đam mê, mà đam mê thì sao bỏ được. Lại cặm cụi với từng đường nét “rồng múa phượng bay” trên nền đất sét, anh cứ thế làm kẻ say trong men gốm.

Minh Thái

Nguồn Tạp chí Người Làm Báo 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995