Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Họa sĩ Mai Xuân Oanh: Nỗ lực để tranh lụa có tiếng nói của thời đại

27/11/2020 - 2435 Lượt xem
Mai Xuân Oanh là một trong những họa sĩ có nhiều sáng tạo, nỗ lực tìm kiếm tiếng nói mới cho tranh lụa Việt Nam. Anh tự nhận mình là người hoài cổ. Với chất liệu lụa, anh muốn tìm về những gì thuần túy của Việt Nam trên tinh thần kế thừa thành quả của cha ông. Tranh của anh mộc mạc nhưng tinh tế, đằm thắm, mang lại cho người xem cảm xúc tươi vui.

- Thưa họa sĩ, dù bận rộn với công tác giảng dạy nhưng tôi thấy anh vẫn rất sung sức trong sáng tác. Mới đây, người yêu hội họa lại được thưởng thức các tác phẩm tranh lụa của anh trong triển lãm cùng nhóm “Lụa” với chủ đề Ngày - Đêm...

- Đối với anh em nghệ sĩ, việc sáng tác hằng ngày cũng như cơm ăn nước uống. Lúc nào tôi cũng mong muốn tìm được điều gì mới để thỏa mãn đam mê, để mọi người khi đến xem có thể ghi nhận thành quả sáng tác của mình. Với triển lãm tranh lụa Ngày - Đêm của nhóm “Lụa”, các anh em họa sĩ đều thể hiện tinh thần làm việc hăng say với nhiều khám phá mới mẻ. “Ngày - Đêm” là quy luật bình thường của cuộc sống, là câu chuyện của tự nhiên nhưng khi đưa vào tranh, mỗi người lại có một cảm nhận, góc nhìn khác nhau. Tôi muốn gửi đến người xem cách nhìn mang tính ẩn dụ. Có những thứ thuộc về ký ức, có những điều không rõ là ngày hay đêm, vừa thực vừa mơ.

- Làm việc tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã 10 năm, gắn bó với cả tranh lụa và sơn dầu, vậy đâu mới là lĩnh vực anh muốn dồn sức nhiều nhất?

- Ban đầu tôi nghĩ lụa không phải dòng sáng tác chính của mình. Khi ấy tôi đang vẽ sơn dầu rất nhiều và chỉ muốn tìm hiểu và trải nghiệm sang lĩnh vực khác để thay đổi. Nhưng dần dần tôi thấy rất thú vị với dòng tranh này. Tôi muốn tìm về chất liệu truyền thống Việt Nam, kế thừa những thành tựu của cha ông mình. Tôi luôn mong muốn tìm cho chất liệu lụa một tiếng nói mới, cách tạo hình mới để cho nó có tiếng nói của thời đại.

- Anh có thấy sáng tác tranh lụa là một thử thách?

- Mỗi chất liệu đều có một cái khó riêng. Nếu muốn khai thác vẻ đẹp của lụa trong một cách tạo hình khác thì trong người nghệ sĩ phải có sự thôi thúc, mong muốn khám phá chứ không thể dừng lại. Trong chặng đường sáng tạo của người nghệ sĩ, có lúc thành công và có lúc phải dừng lại suy ngẫm. Chính quá trình đó giúp ta phát hiện ra những cái mới. Điều đó đã làm cho mạch sáng tạo tranh lụa Việt Nam từ thời các cụ tới giờ có khá nhiều thay đổi trong tạo hình và trong kỹ thuật.

Tranh lụa của các cụ ngày xưa thường vẽ theo lối nhuộm nhiều lần, tìm hình kỹ lưỡng, mang nhiều nét trang trí ước lệ. Dần dần, khi các họa sĩ khám phá bề mặt lụa thì mới thấy không chỉ dừng lại ở lối ước lệ, trang trí mà còn có thể thực hành nhiều kỹ thuật vẽ. Ví dụ như lối vẽ tả thực, trừu tượng. Lối vẽ vừa thực, vừa hư cũng có thể sáng tạo được trên lụa. Ngày xưa các cụ vẽ, rửa rồi lại vẽ, chồng rất nhiều lần và được coi là cách làm mẫu mực. Ngày nay, có thể không vẽ nhiều lần như vậy nhưng vẫn tạo nên hiệu quả cụ thể, những cảm quan riêng.

- Mỗi người đều có bí kíp riêng khi thực hành sáng tạo trên lụa. Con đường với lụa của anh thì sao?

- Tôi vẽ lụa trên cơ sở những gì đã học được ở trường cũng như những kinh nghiệm học hỏi được trong nhóm vẽ “Lụa” của mình. Chúng tôi luôn có sự học hỏi lẫn nhau, đặc biệt là qua các lần triển lãm. Chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ, phát hiện ra cái hay, cái tốt của bạn, có thể học tập phương pháp nào mà mình cảm thấy phù hợp với cách tạo hình của mình. Tất nhiên là mình phải đi theo cách tạo hình của mình chứ không phải của người khác. Mỗi người một vẻ, mặc dù trên cùng một nền lụa nhưng nếu bạn đi xem triển lãm Ngày - Đêm mà chúng tôi mới tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì sẽ thấy 9 họa sĩ là 9 kỹ thuật biểu hiện khác nhau.

- Quả thực khi xem các tác phẩm Âm hưởng đồng quê của anh tại triển lãm Ngày - Đêm, tôi thấy anh có kỹ thuật sáng tác rất riêng, đó dường như là sự đan cài, lớp lang trên từng thớ lụa?

- Trong bức tranh của tôi có đan xen nhiều lớp lang, có âm thanh, ánh sáng, có sự tương tác... Tôi đã sử dụng hình ảnh hư ảo, không quá rõ ràng, nửa hiện thực, nửa trừu tượng, các lớp màu chồng lên nhau khiến cho người xem nhìn gần hay nhìn xa đều thấy sự lung linh. Thông qua cách tạo hình trên lụa, tôi muốn nói đến những cảm giác về âm thanh: Âm thanh của các sự vật và âm thanh của sự va đập màu sắc. Sự va đập của hình thể đan cài giữa hiện thực và hư ảo, lớp trước rồi đến lớp sau khiến người xem có cảm giác về sự chuyển động. Để làm được điều này, tôi phải vẽ nhiều lần. Bố cục màu sắc trong tranh phải lệch nhau thì mới tạo nên ảo giác.

Với riêng các tác phẩm chủ đề Âm hưởng đồng quê, tôi muốn đan cài hiện thực và quá khứ, hiện đại và cổ điển, sao cho những yếu tố tưởng như mâu thuẫn nhưng lại có thể ăn nhập trong một tổng thể.

- Anh đã từng vẽ sơn dầu và cũng gây được nhiều ấn tượng. Với lụa thì sao, nó là cuộc chơi mang tính thời điểm hay anh có ý định gắn bó lâu dài?

- Với nghệ sĩ thì không có gì chỉ để chơi cả, đều là thực hết. Chẳng qua tôi muốn thay đổi trạng thái từ lối tạo hình này sang lối tạo hình khác để cân bằng cuộc sống. Dù với sơn dầu hay với lụa thì khi làm cái gì, tôi vẫn luôn hết mình.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Mai Xuân Oanh!

Phương Thúy

Nguồn Báo Hànộimới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/984581/hoa-si-mai-xuan-oanh-no-luc-de-tranh-lua-co-tieng-noi-cua-thoi-dai

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995