Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Hà Nội: Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, người bảo tồn và phát triển tơ lụa Việt

11/07/2021 - 2347 Lượt xem
Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa khi mà máy móc thay thế sức lao động của con người, các sản phẩm công nghiệp hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày thì những làng nghề và các sản phẩm truyền thống dần vắng bóng trong cuộc sống. Nhưng có một người phụ nữ năm nay đã 67 tuổi vẫn cần mẫn như con tằm nhả tơ giữ gìn và phát triển lên tầm cao mới cho sản phẩm tơ tằm Việt Nam.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận

Mải miết giữ hồn tơ lụa Việt

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại xã Phùng xá, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội, nơi có truyền thống lâu đời trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ nhỏ bà đã sống trong hương nồng của tơ lụa, hình ảnh người bà, người mẹ kẽo kẹt bên khung cửi đã hun đắp cho tình yêu nghề của bà từ đó. Khi lên 5 – 6 bà đã được bố mẹ truyền cho đam mê, được chỉ bảo tận tình trong từng khung đoạn thì tình yêu đó ngày càng lớn hơn. Khi lập gia đình, chồng bà cũng là dân nhà nòi về tơ lụa, bà như được tiếp thêm lửa đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề. Trong mọi quyết định của bà luôn có bóng hình người chồng. Ông là người luôn đứng sau ủng hộ, sát cánh, góp ý cho những nghiên cứu, những sáng kiến của bà để bà có những thành công với nghề như ngày hôm nay.

Hơn 60 mươi năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ, dệt lụa đã có những lúc bà trải qua những khó khăn do cơ chế thị trường, khi mà các sản phẩm công nghiệp ra hàng loạt, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng. Tơ lụa Việt mất dần chỗ đứng, nhiều gia đình phải bỏ nghề, kiếm kế mưu sinh. Nhưng với bà, tình yêu nghề, yêu sợi tơ, sợi chỉ đã giúp bà vượt qua mọi khó khăm, tìm hướng đi mới, hướng chưa ai đi. Chúng tôi ví bà như người mở đường với muôn vàn khó khăn, để mở ra hướng  mới cho tơ lụa Việt.     Trải qua bao khó khăn vất vả vừa lo nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm, những khó khăn ấy càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam.

Trong những câu chuyện bà kể, chúng tôi cảm nhận được cái Tâm của bà- người làm nghề chân chính. Chữ Tâm ấy gắn với bà trong cuộc đời làm nghề, luôn lấy chữ Tâm ấy để sống, để làm việc. Dùng cái Tâm ấy cho từng sản phẩm, mang cái Tâm ấy vào việc truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ thêm đam mê với nghề truyền thống đã có hàng nghìn năm tại Phùng xá, Mỹ Đức. Hàng năm, cứ dịp hè là bà tổ chức các lớp học nghề cho các cháu. Theo bà thì đây là hoạt động ý nghĩa vì vừa tạo công ăn việc làm, vừa giúp các cháu quen và hiểu về nghề của cha ông và nhất là giúp các cháu tránh xa các tệ nạn xã hội. Mỗi dịp hè có hàng trăm cháu được bố mẹ gửi gắm đến với bà thông qua các lớp học đó.

Trong quá trình làm nghề, bà vẫn luôn đau đáu tìm ra những sản phẩm độc đáo, không nơi nào có. Với suy nghĩ con tằm đã dệt cho mình cái kén thật đẹp thì tại sao không cho con tằm dệt ra những tấm chăn đẹp. Nghĩ là làm, bà mày mò tìm cách điều khiển thế nào cho con tằm thành những người thợ dệt tài ba. Năm 2010 đánh dấu những thành công khi mà sáng kiến cho tằm tự dệt đã ra những sản phẩm đầu tiên và được mọi người đón nhận. Từ sáng kiến đó mà những chiếc chăn bông, gối cao cao cấp ra đời và được tiêu thụ ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức , Mỹ, Italya… Sáng kiến này cũng mang về cho bà rất nhiều phần thưởng cao quý và bà được ghi tên mình trong sách vàng “Sáng tạo Việt Nam”.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận trực tiếp kiểm tra nguồn nguyên liệu

Nặng lòng với sợi tơ Sen

Không chỉ được biết đến là người sáng tạo trong dệt truyền thống mà còn được biết đến là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Cơ duyên đưa bà đến với sen rất tình cờ, năm 2016, đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về Mỹ Đức tìm người tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Bà Khánh đến tận nhà nói chuyện, động viên bà tham gia nghiên cứu. Với bản tính ưa tìm tòi, sáng tạo bà nhận lời. Bà tâm sự: Nhận lời rồi nhưng cũng thấy lo, sen được coi là quốc hoa của Việt Nam nhưng không phải mùa nào cũng có, hơn nữa, để lấy được tơ sen cũng là một quá trình rất khó khăn và mất rất nhiều tâm sức vào đó.

Đến hết năm 2017, bà đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nhận thấy được khả năng phát triển của tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận đồng ý là người cùng thực hiện đề tài và hy vọng vào sự thành công của tơ sen. Tính ra  phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7 m. Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ.

Năm 2019, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, chỉ sen đó đã được thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Đây là bước ngoặt mới cho ngành dệt lụa tại nước ta bởi lần đầu tiên đã có người nghiên cứu tìm ra sản phẩm lụa được dệt từ những sợi tơ sen được trồng trên đất nước Việt, tìm ra con đường mới bên cạnh lụa tơ tằm vốn có xưa nay. Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang trên khắp cả nước. Những mẫu khăn này đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.

Sản phẩm khăn quàng cổ được làm hoàn toàn từ tơ sen

Để ghi nhận những đóng góp không biết mệt mỏi của bà, năm 2016 bà được phong tặng danh hiệu  “Nghệ nhân ưu tú”, bằng khen của UBND TP Hà Nội, bằng khen của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bằng khen Hội Nông dân Việt Nam… Và mới đây nhất, ngày 18/10/2020, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, bà Phan Thị Thuận đã là một trong 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020 tôn vinh những đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ, hàng trăm nghìn tập thể nữ tận tụy lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo đã và đang ngày đêm đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của xã hội.

Bằng tình yêu nghề truyền thống và những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền. Những sản phẩm độc đáo đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Việt Nam vươn cao vươn xa hơn nữa trên trường Quốc tế. Nhưng nghệ nhân ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm làm sao để phát triển nghề truyền thống hơn nữa khi mà tiềm năng, lợi thế vẫn còn bỏ phí rất nhiều. Bà cũng mong rằng các bộ, ban nghành nghiên cứu quảng bá sâu rộng hình ảnh tơ lụa Việt, đặc biệt là tơ sen, các sản phẩm từ tơ sen đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu với bạn bè quốc tế về con tằm tự dệt

Các em học sinh tại Phùng Xá tham gia quá trình lấy tơ sen

Bà truyền lại đam mê tơ lụa cho các cháu nội

Huy Thắng

Nguồn Tạp chí Văn hóa và Phát triển

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995