Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Đà Nẵng: Người thổi hồn lên đá

05/09/2020 - 2257 Lượt xem
Bỏ lại những ồn ào phố thị, ngồi nhâm nhi chén trà trong một căn nhà nhỏ ở vùng biển Mân Thái, thành phố Đà Nẵng, tôi được nghe nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ kể về đời mình, được ''sống chậm'' với những nỗi niềm, đam mê của ông về tình yêu thạch ảnh, diệp ảnh. Đó là mối nhân duyên nghệ thuật mà ông đã nhọc nhằn mưu sinh để tìm đến, và nó sẽ theo ông trọn cuộc đời.

Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ, tên thật Nguyễn Đức Vỹ, sinh ra và lớn lên nơi vùng biển Mân Thái, ở đó, vẻ yên bình hoang sơ biệt lập phố thị ồn ào, trước kia chỉ lác đác lều tranh của dân chài lưới, trong giấc mơ tuổi thơ, với ông, là sự chập chờn quẫy đạp về cái nghèo, cái thiếu. Nhưng dù bao khó khăn chất chồng, đời ông vẫn lạc quan, thanh đạm, chung thủy với con đường mình đã chọn, lặng thầm cống hiến, với khát vọng làm cho Đà Nẵng đẹp hơn, phong phú hơn về các giá trị văn hóa. Năm 1995, sau nhiều thử nghiệm thất bại, ông đã thành công với nghệ thuật thạch ảnh. Ông chính là người Việt Nam đầu tiên đánh dấu chặng đường nghệ thuật thạch ảnh đen trắng - phóng ảnh lên đá. Một thời gian sau, ông tiếp tục khám phá và chuyển từ thạch ảnh đen trắng sang ảnh mầu. Những vân đá tự nhiên và hình ảnh chân dung, phong cảnh, chữ thư pháp... được ông thổi vào niềm đam mê, tâm sức, để hòa quyện, kết tinh thành tác phẩm nghệ thuật thạch ảnh độc đáo, đặc sắc, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào.

Du khách thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ.

Ông nói, một nghệ sĩ khi làm được cái mới, là đã bước qua chính mình. Sự sáng tạo không chỉ bó hẹp, thủy chung với một sản phẩm, mà phải bung tỏa, tạo ra nhiều sản phẩm mới trên nền tảng mình đã làm được. Ông kể, thời điểm tìm ra nghệ thuật thạch ảnh, với nhiều người, đó là thú chơi quá sang chảnh, không mấy người đủ tiền để tới đặt hàng ông. Lúc đó, sản phẩm làm ra chỉ để... tặng bạn. "Khi ấy, thành công là nhờ mình có duyên với nhóm bạn thân, họ cùng chung niềm đam mê muốn chinh phục những vật vô tri, vô giác”, ông Vỹ tâm sự. Trong ký ức, hình ảnh ông và bạn bè, hay có lúc đi cùng vợ, con, lặn lội tìm đá cuội ở nhiều sông, suối của xứ Quảng - đó như nỗi ám ảnh thuở hàn vi, nhưng cũng là khoảng lặng bình yên của cuộc đời, mà ông luôn nói lời cảm ơn.

Trong căn nhà đơn sơ, xa xa, ầm ào tiếng sóng, nhấp ngụm trà, ông say sưa nói về thạch ảnh, ông bảo, nhìn hình thù hòn đá, là ông liên tưởng ngay đến những ca từ đẹp trong một bản nhạc, một bài thơ. Mỗi viên đá mang một gương mặt và không viên đá nào giống viên đá nào, không mầu sắc nào giống mầu sắc nào. Ông tâm niệm, con người ta thường nghĩ những sự vật, hiện tượng như đá là vô tri, nhưng đã đam mê, gắn bó thì dễ nhận ra, đá có linh hồn.

Sau thạch ảnh, ông tiếp tục cuộc hành trình chinh phục lá. Năm 2013, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ đã thành công với nghệ thuật diệp ảnh - phóng ảnh lên gân lá. Với ông, bước tiến trong sáng tạo, là phải làm ra sản phẩm vừa tinh gọn, nhẹ và có thể dễ dàng vận chuyển đến nhiều nơi. Người nghệ nhân này từng in thành công một nghìn chữ trên diện tích hòn đá gần 4 cm2. Và trong nhiều sản phẩm, ông đã làm bao người cảm phục, khi đưa các tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn Độc lập... lên từng viên sỏi nhỏ. Trong đó, tác phẩm Bình Ngô đại cáo, ông đã in lên thạch ảnh, diệp ảnh với ba ngôn ngữ khác nhau, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung - trên nền bản đồ đất nước Việt Nam, hoặc lấy nền là chân dung Nguyễn Trãi. Ông muốn truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử, để mỗi người dân thêm tự hào về truyền thống cha ông, để du khách quốc tế hiểu về con người, đất nước Việt Nam.

Trong tiết xuân nồng nàn hương vị biển, tôi đã xem ông lựa từng viên đá, chọn từng gốc tre khô, tỉ mẩn rửa sạch chiếc lá bồ đề trước khi cho ra thành phẩm. Hình ảnh ông giữa chạng vạng hoàng hôn ấy, khiến tôi thấu hiểu hơn vị mặn cuộc đời, trong ánh mắt và những giọt mồ hôi thầm lặng, bao năm tháng qua đã chảy trên gương mặt hao gầy...

Với ông, làm việc gì cũng phải theo tới cùng. Có lúc, ông tưởng chừng kiệt sức bởi cuộc vất vả mưu sinh, nhưng rồi, nghệ thuật đã ăn vào máu, đã là duyên, là nghiệp. Giờ, mỗi năm ông cố gắng cho ra một sản phẩm mới, bổ sung cho bộ sưu tập thêm độc và lạ. Để có được ngày hôm nay, ông đã từng trắng tay, phải bán nhà, cầm cố xe máy, có thời điểm ông dắt cả nhà đi thuê trọ. Nhưng chính sự động viên, khích lệ của gia đình, ông đã lấy lại tinh thần, tiếp tục neo giữ, theo đuổi niềm đam mê.

Ba mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã ghi dấu nhiều thành quả, đó là niềm khát khao không dễ chạm tới với nhiều nghệ sĩ. Năm 2007, ông ghi tên vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam về thạch ảnh; năm 2013 được vinh danh Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam và năm 2016, ông được thành phố Đà Nẵng trao tặng danh hiệu nghệ nhân.

Ngắm gian hàng của ông trưng bày dưới đường hầm biển thuộc khách sạn Holiday Beach, mới hay, những nỗ lực sáng tạo của người nghệ sĩ tài hoa này chưa khi nào dừng lại. Sản phẩm đẹp mê hồn và cũng dung dị như chủ nhân - luôn hướng người xem về sự tìm tòi, khai mở, sống thanh đạm, lòng bao dung và yêu đời say đắm.

Những ngày đầu xuân mới, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ thường lên đỉnh Sơn Trà để tìm và ghi lại hình ảnh của loài Vọoc chà vá chân nâu - nữ hoàng linh trưởng. Ông được hòa mình vào thiên nhiên, đó là cách tự tiếp thêm nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào. Voọc chà vá chân nâu cũng là hình ảnh được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dùng làm hình ảnh nhận diện Đà Nẵng trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Và ông muốn đóng góp sức mình cho thành phố. Những bức diệp ảnh đầu tiên về nữ hoàng linh trưởng đang được ông dần hoàn thiện. Ông nói, nếu như mỗi đại biểu quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp APEC 2017 có một sản phẩm diệp ảnh, hoặc những hình ảnh in trên vỏ ốc thì đây thật sự là cơ hội để quảng bá thành phố biển, với cảnh quan tươi đẹp của đất nước đến bạn bè quốc tế.

Những giấc mơ sáng tạo chưa bao giờ khép cửa và người nghệ sĩ vẫn từng ngày, từng giờ toàn tâm cho khát vọng. Ông đã và đang truyền lại bí kíp nghề cho các con, cháu mình để mong sao, có người mai này thay ông giữ lửa. “Suốt cuộc đời, tôi luôn muốn làm cái gì đó mới, lạ, không muốn bước chân mình giẫm lên cái cũ. Người nghệ nhân, khi mất đi, phải để lại cái gì đó cho cuộc đời này. Đó là giá trị vĩnh cửu của nghệ thuật. Tôi muốn có nhiều thời gian hơn để tiếp tục sáng tạo và làm mới chính mình bằng những dòng sản phẩm độc, lạ hơn, để làm giàu đẹp hơn cho đất nước Việt Nam” - ông tâm sự.

Nguồn: baoquangtri.vn

BTV Quỳnh Trang

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995