Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Bến Tre: Những làng nghề hình thành từ dừa

17/06/2020 - 8020 Lượt xem
Được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông nước hữu tình và cây xanh trái ngọt trong cả bốn mùa, Bến Tre từ lâu đã hình thành văn hóa trên ba dãy đất cù lao lớn (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa). Thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp để phát triển cây dừa vì thế đã tạo nên Xứ sở dừa với nét nổi bật cho vùng đất miền Tây sông nước này. Với đặc điểm trên, làng nghề ở đây cũng phát triển đa dạng và phong phú như: Sản xuất chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác.

Làng nghề tiểu thủ công nghệ Phước Long – Giồng Trôm
Cách thành phố Bến Tre hơn 12km, sau khi qua cầu Bến Tre 2 và rẽ theo hướng tỉnh lộ 887, đến xã xã Phước Long, huyện Giồng Trôm nơi hình thành và phát triển Làng nghề tiểu thủ công nghệ Phước long. Vận dụng điều kiện tự nhiên có sẵn tại địa phương, người dân đã sáng tạo nên hàng loạt sản phẩm phong phú từ nguyên liệu chính là cây dừa. Tận dụng những bộ phận tưởng chừng bỏ đi từ cây dừa, nhờ óc sáng tạo của các nghệ nhân đã cho ra hàng loạt sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường: sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đan giỏ cọng dừa, sản xuất chỉ xơ dừa,… Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với sản phẩm “giỏ cọng dừa” đã xuất hiện tại Bến Tre hơn 20 năm. Để có thể làm nên sản phẩm “giỏ cọng dừa” người thợ chỉ cần học đan 3 ngày và thực hiện 8 công đoạn như: ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt, hoàn thành phần đáy giỏ và cuối cùng là vô cây trữ vào kho chứa. Ban đầu, sản phẩm làm ra chỉ phục cho cho sinh hoạt hàng ngày nhưng dần dần đã phát triển thành Làng nghề tiểu thủ công nghệ Phước Long như ngày nay.

Những sản phẩm mỹ nghệ từ dừa nổi tiếng tại Bến Tre

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong – Giồng Trôm
Cũng tại Giồng Trôm nhưng nằm cách biệt với đất liền, một làng nghề truyền thống khác được hình thành trên cồn từ nổi Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc). Tại đây người dân cũng làm ra những sản phẩm từ dừa nhưng chủ yếu là giỏ cọng dừa, vì thế được mang tên Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong. Để đến khám phá làng nghề nơi đây, du khách có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ. Nếu đi đường thủy thì từ bến sông Bến Tre xuôi theo dòng Hàm Luông mất khoảng hơn 45 phút; đường bộ thì từ thành phố Bến Tre qua cầu Bến Tre 2 theo đường tỉnh 887, sau đó qua Bến phà Hưng Phong sẽ đến được làng nghề.
Tuy chỉ mới hình hơn 16 năm, nhưng Nghề đan giỏ cọng dừa ở đây có bước phát triển khá mạnh mẽ. Nhờ vào mẫu mã đa dạng lại thân thiện với môi trường, sản phẩm giỏ cọng dừa ngày càng được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt vào dịp cuối năm, mọi người đều đặt làm giỏ quà tặng, nên sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều. Đây cũng là dịp làng trở nên nhộn nhịp hơn cả. Các công đoạn làm giỏ tương tự như làng nghề Phước Long, hiện tại nơi đây vẫn sản xuất theo hộ gia đình.

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh và Khánh Thạnh Tân
Nằm bên dòng sông Thơm vùng đất màu mỡ với hàng dừa trải dài bất tận, Hai xã An Thạnh- Mỏ Cày Nam và Khánh Thạnh Tân – Mỏ Cày Bắc được thiên nhiên ưu ái những điều kiện thuận lợi để hình thành nghề chỉ xơ dừa. Từ thành phố Bến Tre đi qua cầu Hàm Luông theo QL60 đến thị trấn Mỏ Cày Nam, đi thêm khoảng 3km rẽ phải sẽ đến làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh, Mỏ Cày Nam. Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày Bắc cũng cách đó khoảng 10km. Tại đây, Dừa được biến hóa thành những sản phẩm từ xơ dừa se lại thành chỉ… Chỉ xơ dừa có nhiều loại khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xơ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn,…Đây là làng nghề mới phát triển sau này và có vệ tinh nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng có trồng nhiều dừa, nhưng chủ yếu vẫn là ở xã An Thạnh và xã Khánh Thạnh Tân. Bởi lẽ, hai xã nằm bên cạnh dòng sông Thơm vô cùng thuận lợi để vận chuyển sản phẩm bằng đường thủy. Những sản phẩm tại hai làng nghề này được thị trường thế giới thích thú và thường xuyên xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Ấn Độ…
Hoạt động làng nghề tại Bến Tre không nhiều, song lại phù hợp với sự khéo léo của người dân nơi đây. Qua quá trình phát triển và gìn giữ nghề, các nghệ nhân đã xây dựng nét đặc sắt rất riêng cho vùng đất sông nước này. Với những thuận lợi về địa hình, không khí trong lành, phong phú đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn… Bến Tre đang được du khách trong và ngoài nước tìm đến khám phá cảnh đẹp cũng như văn hóa nơi đây.

Nguồn: langngheviet.com.vn

(BTV Quang Linh)

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995