Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Bà Rịa Vũng Tàu: Người giữ “lửa” cho nghề thủ công mỹ nghệ

06/09/2020 - 3261 Lượt xem
Mới 36 tuổi, nhưng chị đã có gần 20 năm gắn bó với nghề làm mỹ nghệ. Nghề mỹ nghệ đang có nguy cơ mai một, nhiều khi chị tưởng phải bỏ nghề nhưng rồi lại vẫn đeo đuổi, gắn bó. Chính lòng yêu nghề đã giúp chị tìm tòi và cho ra đời nhiều sản phẩm mới lạ, đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Vũng Tàu đến với khách du lịch và vươn ra các địa phương khác trong cả nước. Đó là chị Trần Thanh Liêm (158/18 – Bacu, TP. Vũng Tàu), hội viên Hội Phụ nữ phường 3, một tấm gương về vượt khó vươn lên.

GIAN NAN VỚI NGHỀ…

Chị Liêm tâm sự: “Du khách đến Vũng Tàu có dịp xem những gian hàng bán đồ mỹ nghệ, thấy được sự bóng bẩy của những mặt hàng mỹ nghệ – được làm từ vỏ sò, vỏ ốc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được để làm ra một sản phẩm như vậy, người thợ thủ công mỹ nghệ phải bỏ ra nhiều công sức và qua nhiều công đoạn. Từ việc thu gom vỏ sò vỏ ốc, tẩy rửa, tạo màu sắc, hình dáng, khoan cắt… đến mua nguyên vật liệu rồi gắn kết thành những bức mành ốc, vòng tay, dây chuyền, lồng đèn ốc, bình bông ốc,… và cuối cùng là tìm đại lý giao hàng. Công việc này rất vất vả, thu nhập thấp, “nếu chỉ vì kế sinh nhai thì mình đã bỏ nghề từ lâu”. Kể về các công đoạn để làm ra một sản phẩm, chị Liêm cho biết: “Để có được một sản phẩm ưng ý phải qua rất nhiều công đoạn. Màu nguyên thủy của những con ốc này là màu đen, để có được những màu sắc khác nhau thế này phải cho lên… rang (như rang đậu phộng), và tùy mức độ “chín” khác nhau, ốc sẽ đổi màu khác nhau; rang chín tới ốc màu nâu, để già một tý ốc sẽ ngả sang màu vàng ươm, rang càng già thì ốc có màu trắng… Riêng ốc ruốc và một số loại khác không cần rang mà để màu nguyên thủy của nó”. Khâu lên màu này rất độc hại vì phải tiếp xúc với mùi khó chịu của vỏ ốc, mùi hoá chất tẩy rửa và bụi khoan cắt vỏ ốc. Nhưng đó mới chỉ là khâu sơ chế, sau đó là công đoạn gắn kết, xâu chuỗi từng con ốc, từng cái mắt, cái tai con vật… Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ.

Chị Trần Thanh Liêm (trái) tại cửa hàng mỹ nghệ của mình trong “Hội chợ triển lãm làng nghề và hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2006” (Hà Nội)

Bây giờ, khi đã là chủ cơ sở sản xuất, chị Liêm càng không quên những ngày đầu mới vào nghề. Ngày đó, chị làm công cho các cơ sở sản xuất mỹ nghệ, như gắn kết mỗi sản phẩm được 200-400 đồng. Nhiều khi, chính chị là người sáng tạo ra những mặt hàng mới nhưng “sản phẩm làm ra lại không được mang tên mình”. Từ lúc đó, tình yêu nghề đã bắt đầu nhen nhóm trong chị, nhưng hoàn cảnh khó khăn, không cho phép chị mở cơ sở riêng. Sau nhiều năm quyết tâm, vừa tích cóp vốn, vừa rèn tay nghề, lại được Hội Phụ nữ phường cho vay vốn làm ăn, năm 2005, chị Liêm mới bắt đầu có cơ sơ sản xuất nhỏ cho riêng mình. Năm 2006, công việc của chị đã bắt đầu khởi sắc nhưng cơn bão số 9 cuối năm 2006 đã làm chị điêu đứng vì hàng không bán được và bị hỏng hết, vậy là bao nhiêu vốn liếng chị bị mất cả.

MÀY MÒ TÌM HƯỚNG ĐI

Trong thời điểm tăng giá hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vật giá tăng, giá thu mua nguyên vật liệu lên cao, nhưng giá hàng làm ra lại không tăng. Trước đây, làm 1 ngàn sản phẩm được lời 1 triệu đồng, bây giờ làm 10 ngàn sản phẩm cũng lời 1 triệu đồng, nghĩa là công sức mình phải bỏ ra gấp mười lần. Công bỏ ra nhiều, hàng làm đẹp hơn, nhưng giá không tăng được bao nhiêu. Nhiều người không chịu nổi, đã phải bỏ nghề, hoặc sản xuất cầm chừng.

Tuy nhiên, không vì thế mà chị Liêm bỏ cuộc. Với lòng yêu nghề, ham học hỏi, và nỗ lực tìm kiếm khách hàng, giờ chị Liêm đã tìm được hướng đi cho riêng mình, để lại tiếp tục được gắn bó với nghề.

Sau những lần tham gia các hội chợ lớn như “Hội chợ triển lãm làng nghề” và “Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2006” (Hà Nội), “Hội chợ thương mại quốc tế Buôn Ma Thuột” (Đắc Lắc), và “Hội chợ triển lãm Giao lưu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 2007” (Bình Dương), chị đã có thêm nhiều kinh nghiệm bán hàng, giao lưu tìm đối tác. Bây giờ, chị đã có nhiều mối hàng, như mùa cuối năm thì có Nha Trang, Phan Thiết, mùa hè thì có Thanh Hoá, Hải Phòng…

Cơ sở thủ công mỹ nghệ của chị hiện đã tạo việc làm cho trên dưới 20 lao động, là những chị có hoàn cảnh khó khăn trong phường … Vừa đôn đốc chị em làm hàng chuẩn bị tham gia hội chợ xúc tiến thương mại ở Đắc Lắc, chị Liêm khoe: “Toàn hàng “độc” đó, mình mới sáng tạo ra, chưa bị ai “sao chép”. Có vậy khi đi hội chợ mới cạnh tranh được”. Những cố gắng của chị đã được ghi nhận, các sản phẩm của chị được khách hàng đón nhận ngày một tăng.

Chị Trần Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội phụ nữ phường 3, chủ nhiệm CLB tiểu thương, cho biết: “Chị Liêm là một tiểu thương nỗ lực vượt khó thoát nghèo của phường, là hội viên Hội Phụ nữ tích cực tham gia các sinh hoạt ở phường và khu phố, cũng như các hoạt động từ thiện, làm tốt vai trò tổ trưởng tổ phụ nữ tổ 54, khu phố 4, phường 3”.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn
BTV Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995