Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Yên Bái: Xuân về kể chuyện OCOP miền Tây

17/02/2021 - 2317 Lượt xem
Nói về các sản phẩm của các huyện, thị phía Tây được UBND tỉnh chứng nhận OCOP tưởng đâu xa lạ, khó khăn trong triển khai thực hiện, song khi gặp các anh, chị “chủ” thế hệ 7X, 8X, 9X năng động dám nghĩ, dám làm, đã xây dựng thành công giá trị sản phẩm nông nghiệp của quê hương mình, chúng tôi mới cảm nhận được OCOP rất gần, rất quen thuộc và hiện hữu ngay trong đời sống của những người dân vùng cao này.

Nữ Giám đốc Phạm Thị Đông (giữa) tại một triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP Mường Lò tại Hà Nội.

Ngày cuối năm, sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò. Bởi, từ khi thành lập thêm hợp tác xã (HTX) Du lịch Mường Lò - thành viên của Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò, hầu như anh Mậu không còn thời gian rảnh rỗi. 

Nếu không ra ruộng thăm lúa cùng nông dân, anh lại đến các hộ du lịch cộng đồng - thành viên HTX Du lịch Mường Lò để trao đổi về cách thức làm du lịch. Thời gian này, anh cũng như các thành viên trong Hội lại càng bận hơn cho nhiệm vụ xây dựng sản phẩm OCOP. 

- Vừa mới đây, thị xã đã đồng ý để HTX Du lịch Mường Lò xây dựng sản phẩm OCOP đấy! Anh Mậu phấn khởi thông tin. 

Là địa phương có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng với trên 30 hộ tham gia, song chưa có "sân chơi” giúp các hộ thành một tổ chức liên kết với các dịch vụ du lịch trong và ngoài nước. 

Cũng vì thế, họ chưa có cơ hội tham gia học tiếng nước ngoài để giao tiếp với khách, hay kết nối, tìm hiểu các địa điểm đẹp tổ chức các hoạt động tham quan, giới thiệu về vùng đất Mường Lò với những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào Thái đen để quảng bá, để phát triển. 

Vì thế, sau nhiều ngày "thai nghén”, năm 2019, Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò đã đứng ra thành lập HTX Du lịch Mường Lò với 15 thành viên đều làm du lịch Homestay trên địa bàn thị xã do anh Mậu làm Chủ nhiệm HTX. 

"Đây là HTX đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch là lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của thị xã. Ngay khi đi vào hoạt động, HTX đã tham gia tích cực thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP. Đến nay, HTX đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm là: gạo Chiêm hương, thịt trâu hun khói, thịt lợn hun khói, du lịch cộng đồng Nghĩa An và du lịch cộng đồng Nghĩa Lợi” - anh Mậu chia sẻ.

Còn với Trạm Tấu, xuân này thật vui, huyện được công nhận có sản phẩm OCOP 3 sao là khoai sọ nương. 

"Đối với người Mông Trạm Tấu, khoai sọ là cây lương thực đặc sản đứng sau lúa và ngô. Mấy năm gần đây, khoai sọ được khách hàng "lùng” mua và trở thành một loại hàng hóa hiếm có của Trạm Tấu. Do nhu cầu và giá trị kinh tế mà cây khoai sọ mang lại, HTX Hưng Thùy tham gia lập hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP khoai sọ Trạm Tấu hạng 3 sao. Hiện, khoai sọ Trạm Tấu đang được bán ở các chợ đầu mối tỉnh Phú Thọ và Hà Nội” - ông Hoàng Văn Hưng - Giám đốc HTX Hưng Thùy cho biết.

            Sản phẩm khoai sọ Trạm Tấu được công nhận Ocop 3 sao.

Cùng với khoai sọ, măng ớt cũng là món ăn nổi tiếng của vùng cao Trạm Tấu. Hiện, măng ớt đã được HTX ký hợp đồng bán sản phẩm cho một số doanh nghiệp, cửa hàng lớn tại các thành phố lớn và các siêu thị… 

Song, có lẽ niềm vui, thành công hơn cả với Giám đốc HTX Hưng Thùy chính là xây dựng khoai sọ và măng ớt trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Bởi, khi giá trị sản phẩm được nâng cao, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn đã có những tác động tích cực giúp đồng bào chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường, góp phần cải thiện đời sống.

Còn với chị Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thủy sản TNĐ ở thị xã Nghĩa Lộ lại luôn mong muốn xây dựng gạo Séng cù trở thành sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài nước. 

Chị Đông chia sẻ: "Điều kiện sinh thái của Mường Lò rất phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Trong cơ cấu giống lúa của Mường Lò hiện nay, Séng cù là giống lúa hàng hóa chủ lực chiếm trên 35% diện tích, có năng suất và chất lượng cao, người dân có thể chủ động được nguồn giống. Trong khi đó, bên cạnh kỹ thuật trồng và chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người dân Mường Lò đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt”. Và từ đó, chị đã xây dựng thành công Đề án "Xây dựng gạo Séng cù trở thành sản phẩm OCOP”. 

Đầu 2019, sau khi được UBND tỉnh công nhận gạo Séng cù Mường Lò là sản phẩm OCOP, Công ty đã sản xuất được 100 tấn thóc, đưa ra thị trường 70 tấn gạo, với giá bán 30.000 đồng/1kg, doanh số đạt 2,1 tỷ đồng. Số lượng này chủ yếu là tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.

"Để phát triển thị trường, mục tiêu trọng tâm và ưu tiên là chinh phục người tiêu dùng trong nước, năm 2020, ngoài việc ký hợp đồng với các hộ nông dân gieo cấy thêm vụ mùa, Công ty còn đưa sản phẩm đến các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long; Siêu thị Hapromart C13, Thành Công... để giới thiệu và tham gia hội thảo hội chợ, triển lãm ở Hà nội và các tỉnh phía Bắc để tìm kiếm thị trường” - Giám đốc Phạm Thị Đông cho biết thêm. 

Với việc coi trọng thị trường nội địa, gạo Séng cù Mường Lò đã chinh phục hoàn toàn người tiêu dùng với hướng tăng dần sản lượng với hiện tại và những kế hoạch trong tương lai khi năm 2020 sản lượng đạt là 120 tấn thóc và mục tiêu của năm 2021 là 150 tấn, năm 2022 là 200 tấn, với doanh thu 5 năm đầu cao nhất đạt 5 tỷ đồng. 

Năm 2020, các huyện, thị xã phía Tây của tỉnh đã tham gia xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP như: Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải, Táo mèo khô (sơn tra) Mù Cang Chải; Chè Shan tuyết Phình Hồ, Trà táo mèo Shan Thịnh, Cam Đường canh Văn Chấn, Trà đằng, Nếp Tú Lệ, Cam lòng vàng Văn Chấn, Thịt lợn hun khói Mường Lò, Thịt trâu hun khói Mường Lò… đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh tiếp nhận, giúp người dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Một mùa xuân mới lại về nơi vùng cao Tây Bắc. Hoa đào, hoa ban đã bung nở khắp núi rừng. Với những người tiên phong, mạnh dạn như anh Mậu, anh Hưng hay chị Đông thì những sản phẩm mà họ tâm huyết xây dựng thành sản phẩm OCOP là những bông hoa đẹp nhất, ý nghĩa nhất, bừng sáng sức xuân. 

Ngọc Sơn

Nguồn Báo Yên Bái 

http://www.baoyenbai.com.vn/12/204598/Xuan_ve_ke_chuyen_OCOP_mien_Tay.aspx

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995