Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Thái Nguyên: Làng nghề mộc mỹ nghệ gặp khó

23/08/2021 - 2639 Lượt xem
Chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong suốt một thời gian dài, nhiều làng nghề trong tỉnh đang phải đối mặt với khó khăn do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, trong đó có các làng nghề mộc mỹ nghệ.

Dù gặp khó khăn nhưng để giữ chân 4 thợ lành nghề, cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Tuyến Liễu (làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, Phú Bình) phải giảm giờ làm và khoán sản phẩm cho thợ. Do đó, thu nhập của mỗi thợ cũng giảm trên 50% so với trước đây.

Chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong suốt một thời gian dài, nhiều làng nghề trong tỉnh đang phải đối mặt với khó khăn do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, trong đó có các làng nghề mộc mỹ nghệ.

Trên địa bàn tỉnh có 5 làng nghề mộc mỹ nghệ, gồm Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ (xã Xuân Phương); Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm (xã Kha Sơn) và làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu (xã Nga My) của huyện Phú Bình; T.X Phổ Yên có Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung (xã Tiên Phong) và  Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà (xã Trung Thành).

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, ở cả 5 làng nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trầm lắng hơn nhiều so với cùng thời điểm của những năm trước. Tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, thông thường, thời điểm từ đầu tháng 8 hàng năm, các cơ sở, xưởng mộc tại đây sẽ tăng công suất để chuẩn bị sản phẩm cho dịp cuối năm, tuy nhiên, năm nay tình hình lại khá ảm đạm.

Anh Dương Đình Hiệp, Phó trưởng Làng nghề chia sẻ: Từ năm ngoái, hoạt động sản xuất, tiêu thụ đồ mộc mỹ nghề đã có lúc bị “chững lại”, nhưng khó khăn nhất là từ  tháng 4 đến nay khi dịch COVID-19 tái bùng phát, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và trong huyện Phú Bình đều có dịch, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu khó khăn hơn... Tuy vậy, 60 hộ dân trong Làng nghề vẫn cố duy trì 1/2 công suất để giải quyết phần nguyên liệu tồn đọng, nhập sẵn trong kho từ đầu năm và giữ chân thợ lành nghề.

Tương tự, ở những làng nghề mộc mỹ nghệ còn lại, dịch COVID-19 cũng đã tác động đến hoạt động SXKD của các hộ làm nghề. Tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú  Lâm, tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 20 hộ phải tạm dừng sản xuất, hiện chỉ còn 10 hộ đang cố gắng bám trụ, duy trì hoạt động cầm chừng. Trong số 20 hộ tạm dừng hoạt động, có hộ đã phải thanh lý máy móc, còn lại hầu hết phải chuyển đổi ngành nghề, tìm công việc khác.

Anh Nghiêm Đình Thuyên, một trong những người tạm dừng nghề mộc chia sẻ: Thời điểm hoạt động ổn định, xưởng mộc của gia đình tôi có 10 thợ lành nghề. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một thời gian dài phía Trung Quốc không nhập hàng nên xưởng của tôi đã phải tạm đóng cửa. Hiện nay, tôi đang tạm làm nghề dịch vụ vận chuyển hàng hóa để kiếm sống, chờ khi tình hình dịch bệnh ổn định thì trở lại với nghề. Tôi cũng mong Nhà nước sẽ có hỗ trợ cụ thể đối với các hộ hội viên làng nghề để chúng tôi có thêm cơ hội vực dậy hoạt động SXKD.

Còn tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, anh Dương Văn Hiến, Bí thư Chi bộ thôn Giã Trung cho hay: Những năm gần đây, chúng tôi chuyển sang sản xuất đồ gỗ cao cấp và gia công cho các xưởng gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) với nguyên liệu chủ yếu là gỗ hương. Do nguyên liệu nhập từ Lào, Campuchia có giá thành cao, trong khi dịch bệnh khiến sản phẩm làm ra không bán được, vốn bị ngưng đọng, mà tiền lương thợ vẫn phải trả, nên một số hộ làm nghề đã phải tạm dừng hoạt động. Từ cuối năm 2019 đến nay, đã có 45 hộ trong Làng nghề tạm dừng hoạt động, hiện chỉ còn 70 hộ duy trì sản xuất cầm chừng, trung bình mỗi xưởng chỉ có 2-3 lao động, chủ yếu là tận dụng nhân lực trong gia đình. Còn những thợ, lao động bị mất việc, họ buộc phải tìm việc mới trong các công ty, nhà máy, doanh nghiệp.

Có thể thấy, dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có các làng nghề mộc mỹ nghệ. Trước bối cảnh này, người dân trong các làng nghề này mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất ổn định.

Ngọc Ánh

Nguồn Báo Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995