Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Quảng Ninh: Èo uột làng nghề truyền thống

27/08/2020 - 2589 Lượt xem
Chỉ sau thời kỳ xoá bỏ bao cấp, các làng nghề truyền thống ở Quảng Ninh vốn không nhiều, đã tự co cụm, manh mún và lần lượt tan rã. Cả tỉnh hiện chỉ còn 4 làng nghề lay lắt tồn tại.

Nhìn chung, do đặc điểm về sự hình thành cấu trúc xã hội là sự quần tụ của nhiều cộng đồng dân cư từ địa phương khác đến sinh cơ lập nghiệp nên yếu tố nghề truyền thống ở Quảng Ninh không có những nét nổi bật như các tỉnh, thành khác.

Một thời vang bóng

Vào những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, tại những vùng đất "kinh tế mới" ở xã Phương Nam (thị xã Uông Bí), Hà An (Yên Hưng) nổi lên các làng nghề chế tác thủ công các sản phẩm từ cây cói để xuất khẩu rất phát đạt.

Thời đó, khắp thôn xóm, chỗ nào cũng có thể là nhà xưởng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, xã Phương Nam, từ vùng đất đồng trắng nước trong, hoang sơ, nhiễm mặn đã nhanh chóng trở thành xã điển hình đi đầu về sự trù phú, công trình phúc lợi, người dân no cơm ấm áo cũng chỉ dựa vào nghề truyền thống từ cây cói.

Ngược lên miền Tây, các làng nghề lâu đời hơn là gốm Vĩnh Hồng, Đức Chính (Đông Triều) đã nổi danh từ rất sớm nhờ sự kết tinh rất đặc biệt của nguyên liệu đất và sự khéo léo của bàn tay những lớp thợ tài hoa.

Khu vực miền núi phía Đông Bắc, nơi có cộng đồng bà con các dân tộc thiểu số Sán Dìu, Thanh Y, Dao sinh sống cũng đã có thời kỳ phát đạt với các nghề dệt thổ cẩm, may tre đan.

Ngoài ra còn có các vùng chuyên canh lâm thổ, thủy sản với các sản vật nửa dược liệu nửa dinh dưỡng rất giá trị và nức tiếng trong vùng như hoa hồi, ba kích, sá sùng...  Đặc biệt là sự hình thành các nông trường chè (Tiên Yên, Hà Cối) đã làm nên những làng chè nổi tiếng có tên gọi chung là chè Đường Hoa, từng được ưa chuộng tại thị trường các nước Đông Âu, Liên Xô (cũ).

Èo uột làng nghề

Đặc điểm làng nghề của Quảng Ninh là tụ hội, du nghề và rất mới mẻ. Đó cũng là các yếu tố thuận lợi để đổi mới phát triển nghề truyền thống theo hướng ứng dụng tiến bộ KHCN vào tổ chức sản xuất, năng động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thế nhưng mọi sự lại không diễn ra như ý muốn. Chỉ sau thời kỳ xoá bỏ bao cấp, các làng nghề truyền thống ở Quảng Ninh vốn không nhiều, đã tự co cụm, manh mún và lần lượt tan rã.

Cả một vùng cói xanh mướt thuở nào ở Phương Nam nay đã biến thể: sa mạc hóa vì hoạt động san lấp tạo mặt bằng, nhiều công trình, nhà máy mọc lên thay chỗ cho những xưởng thợ thủ công. Tuy quỹ đất nông nghiệp chưa hẳn đã hết nhưng do sự có mặt của những công trình đồ sộ đã can thiệp quá nhiều vào hệ thống thuỷ lợi, thổ nhưỡng tự nhiên nên rất khó cho việc canh tác.

Cách đây không lâu, vào những kỳ giáp tết âm lịch, "chợ" gốm sứ Lán Bè Hải Phòng bao giờ cũng tràn ngập các sản phẩm từ làng gốm Đông Triều, bao nhiêu cũng bán hết vì đặc điểm rẻ về giá thành, đẹp, tao nhã, đa dạng về kiểu cách rất hợp với thị hiếu thẩm mỹ người dùng. Nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, cũng tại "chợ" gốm này, gốm sứ Đông Triều đã mất "ngôi".

Thay vào đó là các sản phẩm của dòng gốm Bát Tràng với một phong cách hoàn toàn mới, tinh xảo, nuột nà và nhất là rất cách tân về kiểu cách, phù hợp với đời sống đô thị. Hơn 1 tháng trước, khi về tìm hiểu tại các làng gốm Đông Triều, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh đìu hiu, hoang lạnh vì các lò gốm đều... tắt lửa.

Tương tự như vậy, các đồi trồng chè Hải Hà, Đầm Hà cũng đang đối mặt với những khó khăn gay gắt. Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư dự án quy mô lớn để trồng mới, cải tạo cây chè. Theo đó, mỗi ha chè trồng mới cần khoảng 40 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ nông dân tới mức 12 triệu đồng/ha. Song đến nay, mới chỉ thực hiện chừng 20% diện tích. Phần còn lại, thay vì trồng cây chè, người dân đã tự ý trồng các loại cây lấy gỗ ngắn hạn.

Khôi phục từ đâu?

Theo quy hoạch phát triển KTXH của Quảng Ninh đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất công nghiệp sẽ chiếm ưu thế so với các loại hình sản xuất khác. Nhưng như thế không có nghĩa là triệt tiêu các ngành sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang đậm dấu ấn đặc điểm của các làng nghề truyền thống.

Nếu các làng nghề được tổ chức lại một cách bài bản, có sự hỗ trợ đầu tư, định hướng của Nhà nước nhất là nguồn vốn, xúc tiến thương mại, áp dụng tiến bộ KHKT thì sẽ là một kênh quan trọng trong việc ổn định đời sống của một bộ phận lớn người dân nông thôn và kể cả đô thị.

Mặt khác, một khi làng nghề phát triển, chắc chắn Quảng Ninh sẽ có nhiều đặc sản góp phần tô điểm thêm cho giá trị vùng đất giàu tiềm năng, thu hút du lịch, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, ổn định về an sinh xã hội.

Được biết, những giá trị nhiều mặt của làng nghề đã được tỉnh bàn đến, đã có một vài động thái triển khai hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên chỉ chừng đó thôi thì chưa đủ để cứu vãn các làng nghề vốn rất ít ỏi nhưng lại đang đứng trước nguy cơ xoá sổ. Một quyết sách hành động khẩn cấp mang tính giai đoạn trước mắt và lâu dài rất cần thiết vào lúc này mới có thể cứu lấy làng nghề không bị mai một trước xu thế đô thị hoá, công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Nguồn: cand.com.vn
BTV Nguyệt Ánh

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995