Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Mai một nghề lò gốm hơn trăm năm ở Sài Gòn

10/12/2021 - 3138 Lượt xem
Thuở Sài Gòn sơ khai, làng nghề gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8) được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và đánh giá tuổi đời hơn 300 năm. Khu di tích lịch sử này cũng là công trình khảo cổ học duy nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Làng nghề gốm Hưng Lợi – xóm Lò Gốm, Sài Gòn xưa đã có những điều kiện thuận lợi, nguyên liệu ở đây cũng thích hợp cho việc sản xuất các loại gốm gia dụng và gốm xây dựng. Từ cuối thế kỷ XIX quá trình đô thị hóa diễn ra ở Sài Gòn – Bến Nghé và một số tỉnh ở Nam Bộ, sản phẩm của Xóm Lò Gốm có thêm các loại hình mới phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí kiến trúc của Đình, Chùa, Hội quán, phố chợ, công sở, nhà ở…

Những năm 1970, bên kênh Lò Gốm khu vực quận 6 và quận 8 có một làng chuyên làm nghề lò gốm làm bằng đất nung với khoảng 30 cơ sở, do quá trình đô thị hóa, nhiều cơ sở đã dẹp bỏ, chỉ còn cơ sở Năm Tiếp vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Sau này, đất nước hiện đại hóa, cuộc sống của người dân càng hiện đại, bếp ga, bếp điện dần thay thế bếp than khiến các lò gốm đất dần dần mất đi. Hiện tại, chỉ còn duy nhất cơ sở Hưng Lợi của ông Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) còn hoạt động. Gần 50 năm gắn liền với nghề làm gốm, cơ sở của ông Năm Tiếp là nơi duy nhất lưu giữ cái nghề đã mai một giữa trung tâm Sài Gòn hào nhoáng. Ngoài ra, trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, làng nghề bên kênh Lò Gốm cũng có nhiều thay đổi. Diện tích của những lò gốm nơi đây ngày càng bị thu hẹp, nguồn cung cấp nguyên liệu sẵn có ở thành phố dần dần không còn đáp ứng nổi.

Cùng với đó, người làng theo nghề cũng ít dần. Hiện nay, lò gốm thuộc dạng lớn nhất ở đây là của ông Năm Tiếp chỉ có 30 nhân công làm việc thường xuyên, trong đó với hơn chục người có thâm niên cao, nhiều kinh nghiệm thay phiên nhau túc trực, sản phẩm làm ra cũng chỉ còn tập trung vào bếp đất nung. Thế nhưng không phải vì vậy mà không khí lao động ở lò gốm kém phần khí thế. Ngược lại, mỗi buổi sáng sớm các thợ gốm lại tất bật với công việc của mình và lò nung lúc nào cũng luôn đỏ lửa, đặc biệt là vào cuối năm và chuẩn bị cho tết ông Táo.

Dù cuộc sống ở Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều so với những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng nhờ duy trì các mẫu sản phẩm truyền thống, đồng thời cũng chú trọng đến việc cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng của sản phẩm, nên cơ sở của ông Năm Tiếp vẫn ăn nên làm ra. Sản phẩm ở đây được phân chia làm 6 mẫu mã kích thước khác nhau. Giá dao động từ 30.000 – 160.000 đồng/cái.

Theo ông Năm Tiếp, nguyên liệu để sản xuất “ông lò” của cơ sở ông được lấy từ Long An, Tiền Giang, vận chuyển qua đường thủy, nối giữa sông Bến Lức đến rạch Ruột Ngựa (quận 8), bao gồm đất sét, trấu, xơ dừa. Đất sét sau khi được phối trộn sẽ được tạo hình thành sản phẩm bếp lò. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, bếp lò dần được tạo hình. Bếp lò sau khi được tạo hình sẽ được mang đi phơi khô dưới nắng và cho vào lò nung.

Lò gốm của ông Năm Tiếp tại phường 16, quận 8, TP HCM

Ngoài ra, để đảm bảo tuổi thọ cho sản phẩm, tránh bị nứt khi nấu nướng, các bếp lò còn được gia cố thêm khuôn nhôm xung quanh mà những người thợ gọi vui là mặc giáp cho “ông Táo”. Bình quân mỗi ngày cơ sở của ông Năm Tiếp xuất ra thị trường gần 500 bếp lò. Nhưng cận Tết số lượng tăng gấp 3 lần, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.

Có thể nói, làng nghề thủ công truyền thống ngoài việc tạo việc làm cho người tại chỗ, còn cung cấp việc làm cho một số người làm dịch vụ cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hoàn chỉnh và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, làng nghề cũng là nơi cộng đồng dân cư có chung lối sống văn hóa, yêu lao động, cần cù, giản dị, tiết kiệm; sống đùm bọc, giúp nhau cùng rèn luyện tay nghề. Phát triển làng nghề còn liên quan đến bảo tồn văn hóa cơ sở tạo để nơi đây không có đất để văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn: ma túy, cờ bạc, rượu chè, đua xe… nảy nở. Cũng chính từ đó mà nảy sinh nhận thức “làng nghề thủ công truyền thống chắc chắn sẽ đóng góp tích cực, thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Và nghề làm gốm ở Hưng Lợi tồn tại hơn 300 năm vẫn giữ được lửa lò như nó vốn có, nhưng để gìn giữ và phát triển làng nghề này cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của cơ quan chức năng.

Quận 8 rà soát việc phục hồi, tu bổ di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm, xâm hại dẫn đến thu hẹp diện tích Khu di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi tại Phường 16, Quận 8 mà báo chí đã phản ảnh trước đó, UBND Quận 8, TP.HCM vừa có công văn phản hồi vấn đề này.

Năm 1998, Lò gốm cổ Hưng Lợi được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.

Cụ thể, theo công văn 2501 của UBND Quận 8, đến nay Khu di tích khảo cổ Lò gốm Hưng Lợi vẫn chưa thành lập ban quản lý khu di tích. UBND Phường 16, Quận 8 là đơn vị quản lý khu di tích trên. Việc xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm hại dẫn đến thu hẹp diện tích của khu di tích này, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo UBND Phường 16 qua các thời kỳ.

Đối với công tác xử lý, theo ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND Quận 8, những trường hợp vi phạm về xây dựng, đến nay địa phương đã xử lý hành chính. Đồng thời buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và đã tổ chức tiến hành cưỡng chế, phá dỡ theo đúng quy định.

Để giữ gìn, tu bổ khu di tích trong thời gian tới, ngày 6/4/2021 vừa qua, Trung tâm tồn di tích TP.HCM đã khảo sát, lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, phục hồi di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi trên diện tích 836m2 theo đề xuất của Ủy ban nhân dân Quận 8. Trong đó có các hạng mục như: xây dựng cổng, hàng rào bảo vệ khu đất 836m2; Khai quật khảo cổ phần nền móng của Lò Gốm; xây dựng nhà bao che bảo vệ khu vực khai quật, giới thiệu cho khách tham quan và các nhà nghiên cứu; xây dựng nhà trưng bày để giới thiệu bộ hiện vật Lò gốm Hưng Lợi đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố; phục hồi mô hình lò gốm cổ; xây dựng Công viên giới thiệu gốm sứ Sài Gòn – Nam Bộ phục vụ khách tham quan và cộng đồng cư dân tại địa bàn.

Trong thời gian chờ phê duyệt dự án, những ngày tới Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM và UBND Quận 8 tiếp tục tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ di tích. Đồng thời thường xuyên kiểm tra không để phát sinh tình trạng xây dựng lấn chiếm, xâm hại Khu di tích lò gốm cổ Hưng Lợi như thời gian qua.

Nguyễn Quang

Hùng Trần

Nguồn TTV

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995