Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Làng nghề thủ công mỹ nghệ: Nỗi lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu

17/09/2020 - 2397 Lượt xem
Thiếu hụt nguồn nguyên liệu khiến ngành thủ công mỹ nghệ đối diện với nguy cơ mất đơn hàng ở các thị trường lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Lương - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội), nguồn nguyên liệu của công ty là cây cỏ tế, được trồng ở rừng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái… hiện nguồn nguyên liệu này đang cạn kiệt. Bà Lương chia sẻ, cách đây 2 năm chúng tôi chỉ mua với giá 25.000 đồng/kg, thì đến năm 2018 đã lên 50.000 đồng/kg, tăng gấp đôi, thậm chí có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp không tìm được nguồn nguyên liệu ổn định 

“Công ty chuyên làm các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ cỏ tế xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sau đó, các mặt nguyên liệu cỏ tế này tăng giá quá cao, nên phía công ty đã phải chuyển sang các mặt hàng nguyên liệu khác như bèo tây, cói, lá vôi…”, bà Lương nói.

Và dù có chuyển sang nguyên liệu khác để thay thế, thì bản thân công ty cũng vẫn canh cánh đối diện với nỗi lo “nhỡ” đơn hàng. Về nguyên liệu bèo tây, mùa mưa chúng tôi thu mua từ Bình Dương, còn đến tháng 7, 10, chúng tôi thu mua ở Hải Dương. Nhưng theo ghi nhận của phía công ty thì nguồn nguyên liệu năm nay khá khan hiếm do phía bên thủy nông phun thuốc diệt bèo tây. Cách đây 3-4 năm giá thu mua bèo tây chỉ 15.000 đồng/kg, nhưng đến cuối năm 2017 đã lên mức 25.000 - 26.000 đồng/kg.

Giá cả bấp bênh, nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định. Dẫn đến tình trạng nhiều khi công ty có đơn đặt hàng nhưng phải chờ nguyên vật liệu, không đáp ứng được thời hạn giao hàng cho phía đối tác. “Hiện nay, chúng tôi làm rất nhiều sản phẩm từ bèo tây xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ. Nhưng nguyên liệu của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào miền Nam và Hải Dương”, bà Lương chia sẻ.

Chung quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (làng nghề Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) cho hay, do nguồn nguyên liệu cỏ tế đang cạn kiệt nên làng nghề Phú Vinh phải sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu từ làng nghề Phú Túc. Hiện, công ty phải phát triển vùng nguyên liệu mây ở tỉnh Hòa Bình, nhưng vẫn không đủ cho sản xuất do quy mô trồng còn nhỏ lẻ.

Nghề thủ công mỹ nghệ của chúng tôi nguồn cung nguyên liệu là hết sức quan trọng. Như năm 2017, chúng tôi rất cần đay để buộc với mây, nếu có đay để buộc với mây thì giá trị sản phẩm được tôn vinh lên hẳn, nhưng vì không có đay nên chúng tôi phải buộc dây cuộn bằng giấy. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp có thẩm quyền hỗ trợ DN đầu tư, phát triển những vùng nguyên liệu quy mô lớn, bảo đảm chất lượng và ổn định.

Theo các chuyên gia, nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định cả về số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN làng nghề Hà Nội, nhất là khi triển khai các đơn hàng lớn, hàng xuất khẩu. 

Chỉ tính riêng Hà Nội, số liệu của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho thấy, hiện tổng doanh thu từ 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Hà Nội đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, một số làng nghề thủ công mỹ nghệ đạt doanh thu cao như các làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng, đồ mộc thôn Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng…

Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội 9 tháng năm 2018 đạt 154 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn nguyên liệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam gồm các chủng loại chính như: Tre, mây, gỗ, cói, lục bình, bẹ chuối, nguyên liệu gốm sứ, sợi…

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã diễn ra trên diện rộng những năm gần đây do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong lúc các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan, công tác quản lý ở nhiều địa phương lỏng lẻo. Nếu như trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu trong nước thì đến nay chúng ta đã phải nhập khẩu 50%.

Trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ, thì theo các DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội nguồn nguyên liệu nhập trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu. Việc này tác động không tốt đến các DN, đặc biệt là khi triển khai các đơn hàng lớn.

“Nhiều DN, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, không chỉ làm giảm doanh thu, thu nhập của người lao động mà còn làm giảm lòng tin, uy tín của DN đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài”, ông Đào Hồng Thái - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho hay.

Việt Nam có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Trong đó, hàng thủ công mỹ nghệ hiện đã xuất khẩu đến 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như: mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lụa, các loại hoa giả…

Tuy nhiên, hiện nay, trong khi hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh ở các nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nhưng tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng gần 15%. Đây là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Các DN ngành thủ công mỹ nghệ kiến nghị, các bộ, ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ổn định, khoa học, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để DN yên tâm sản xuất.

Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, để hỗ trợ các DN làng nghề Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Sở Công thương sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp liên quan về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến nguyên liệu.

Đồng thời, đề xuất UBND thành phố có cơ chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu, thực tế để có thể hỗ trợ trực tiếp, tiêu thụ sản lượng nguyên liệu, sản phẩm bán thành phẩm nhằm khuyến khích các địa phương quan tâm phát triển, cung cấp nguyên liệu “đầu vào” cho ngành mây tre đan Hà Nội.

Cùng với những chiến lược, chính sách hỗ trợ của nhà nước về vốn, phát triển thị trường, các làng nghề, DN thủ công mỹ nghệ cần chủ động hơn trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm của mình.

Nguồn: thoibaonganhang.vn
BTV Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995