Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Lâm Đồng: Thăng trầm nghề, làng nghề truyền thống - Đứng trước nhiều nguy cơ mai một, thất truyền

20/07/2021 - 2648 Lượt xem
Muốn quá trình sản xuất các mặt hàng nói chung phát triển, nhất định sản phẩm làm ra phải có thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, với các sản phẩm từ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc tiêu thụ sản phẩm là một vấn đề còn lắm gian nan. Còn làng nghề truyền thống thì phải đối mặt với nhiều nguy cơ mai một, thất truyền.

Dù biết nghề nhưng không làm nghề, với nguy cơ không có đất sét, đó là thực trạng hiện nay của làng gốm người Chu Ru ở xã P’Ró

Biết… mà không làm

Gốm của người Chu Ru ở Lâm Đồng có tiếng và độc đáo. Cả làng ai cũng biết làm gốm, đó là khẳng định của người dân ở thôn K’Răng Gọ, xã P’Ró, Đơn Dương. Còn số liệu chính thức của cơ quan chức năng là nơi đây có 60 hộ làm nghề với 150 lao động.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, đến nay ở thôn chỉ có 6 hộ làm thường xuyên, còn số lao động làm công việc này khá thất thường, ai rảnh giờ nào, làm giờ đó. Người làm thường nhật nhất là bà Ma Bi, còn hai chị em ruột của bà là Ma Li và Ma Phong thì còn phải làm rẫy, làm ruộng nên dành ít thời gian cho công việc làm nghề truyền thống này.

Những người theo nghề là con cháu, anh em của bà Ma Bi như Ma Quan, Ma Than, Ma Tâm là con bà Ma Bi; Ma Grét là con gái của bà Ma Li. Bà Ma Bi tâm sự rằng bà không bao giờ giấu nghề, cả làng này nói chung ai cũng biết làm gốm của đồng bào Chu Ru nhưng vì thu nhập không bao nhiêu, làm ra cũng khó bán nên bà con không làm. Ngay trong căn nhà của bà hiện chất đầy những sản phẩm gốm truyền thống đang chờ khách đến mua.

Cô cháu gái Ma Grét 27 tuổi của bà Ma Bi nói rằng mình biết làm gốm từ khi còn nhỏ, hiện tại cũng đang làm ở nhà. Nếu có người đặt hàng để thực hiện sản phẩm thì quá tốt nhưng khách lại quá lẻ tẻ, làm sản phẩm ra có khi cất ở nhà vài tháng trời mới có người mua. Tính ra thu nhập từ làm gốm để nuôi sống gia đình rất khó khăn, vì vậy ngay bản thân Ma Grét cũng phải đi làm thuê, làm mướn. Nếu có ai đặt hàng thì tranh thủ làm một ngày vài giờ thôi, vì căn bản phải kiếm được đồng ra đồng vào mỗi ngày để nuôi sống bản thân và gia đình.

Một vấn đề khác khi phát triển làng nghề gốm của đồng bào Chu Ru ở xã P’ró mà đến người làm nghề, chính quyền địa phương rất lo ngại là lượng đất sét làm gốm ở địa phương ngày càng giảm. Vài hôm trước, người làm gốm ở làng K’Răng Gọ lo lắng vô cùng khi vùng đất sét chuyên làm gốm đã bị chủ đất múc đi gần hết, các hộ dân cùng UBND xã đã xuống hiện trường nhưng cũng đành chấp nhận vì là đất của người ta.

Cụ thể về sự việc này, bà Hoàng Ngọc Bảo Linh - Phó Chủ tịch UBND xã P’Ró cho biết, việc đất sét làm gốm của đồng bào DTTS ở P’Ró bị chủ đất múc đi là sự thật, chính quyền địa phương đã trực tiếp trao đổi, vận động với chủ đất để thỏa thuận giữ lại nguồn đất sét làm gốm cho bà con nhưng vẫn khó khăn, vì căn bản chủ đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có thể, thời gian tới bà con làm gốm ở K’Răng Gọ phải đi tìm nguồn đất sét mới để tiếp tục làm nghề nhưng không chắc chắn có còn loại đất này hay không.

Chia sẻ kinh nghiệm làm nghề dệt thổ cẩm trong buôn B’Nớ C, xã Lát, huyện Lạc Dương. Ảnh: Quỳnh Uyển

Ngày càng mai một, thất truyền

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 30 làng nghề, 76 nghề truyền thống, thu nhập bình quân lao động đạt 4,43 triệu đồng. Trong 19 làng nghề truyền thống, ngoài 5/6 làng nghề tại thành phố Đà Lạt, 1 làng nghề ở huyện Đức Trọng đã xây dựng thương hiệu làng nghề thì tất cả các làng nghề truyền thống ở các địa phương khác chưa xây dựng thương hiệu làng nghề. Và, trong các làng nghề đã xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống thì chưa có một làng nghề truyền thống nào của vùng đồng bào DTTS.

Về hoạt động của các làng nghề, nghề truyền thống, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, chỉ có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống hoạt động tốt. Điều đặc biệt là các làng nghề truyền thống hoạt động tốt chỉ nằm ở các làng nghề hoa tại thành phố Đà Lạt. Còn các làng nghề truyền thống khác đều nằm trong diện hoạt động cầm chừng và nguy cơ mai một như: Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở thôn Bnớr C, thị trấn Lạc Dương; Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà; Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở Thôn 1, 3 - xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm; Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở buôn Go, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên; Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc.

Riêng việc cần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống lộ trình đến năm 2030 thì có đến 7 làng nghề truyền thống ở vùng đồng bào DTTS vì các lý do có nguy cơ mai một, thất truyền; cần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây nguyên. Còn riêng nghề truyền thống làm nhẫn bạc của người Chu Ru thì đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Theo Chi cục Phát triển Nông thôn - Sở NN&PTNT, việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề ở địa phương nói chung vẫn còn mang tính tự phát; thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ và trang thiết bị tiên tiến phục vụ cho sản xuất. Trình độ quản lý, kinh nghiệm trong kinh doanh của chủ cơ sở sản xuất còn yếu, chưa đáp ứng kịp nhu cầu hiện nay, thiếu nhân lực có tay nghề; khó tiêu thụ sản phẩm; chưa mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất thực tiễn; chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường yếu.

Đặc biệt việc khai thác tiềm năng du lịch trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào DTTS chưa được khai thác hiệu quả; các sản phẩm mây tre đan khó khăn trong thị trường tiêu thụ, giá bán còn thấp và chưa ổn định; sản phẩm ngành nghề về chủng loại, mẫu mã còn kém về mức độ kỹ xảo, chất lượng thấp, không đồng đều. Một số ngành nghề truyền thống như đúc bạc, nghề gốm, rèn thủ công… của đồng bào DTTS chỉ làm theo kinh nghiệm, ngày càng mai một và có nguy cơ thất truyền.

Đức Tú

Nguồn Báo Lâm Đồng
 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995