Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Khơi dậy tiềm năng của các ngành nghề nông thôn Hà Nội

26/11/2020 - 2441 Lượt xem
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn được Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 23/11. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đều đánh giá cao việc khơi dậy tiềm năng các ngành nghề nông thôn của thành phố Hà Nội. Đây là một trong những giá trị cốt lõi để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đó là nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên lề hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã trao đổi xung quanh nội dung này.

Kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chương Mỹ

- Ông có thể cho biết một số kết quả thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội?

 - So với cả nước, số ngành nghề nông thôn của Hà Nội khá đa dạng. Toàn thành phố có, toàn thành phố có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong đó, số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP tập trung chủ yếu ở 4 nhóm ngành nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (sơn mài, khảm trai, dát vàng bạc quỳ, điêu khắc gỗ, đá…); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Hà Nội có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Dự kiến đến hết năm 2020, thành phố sẽ công nhận thêm 4 làng nghề, nâng tổng số lên 313 làng nghề. Các sản phẩm của làng nghề Hà Nội đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

 Triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề nông thôn. Sau hai năm triển khai thực hiện đã thu được những kết quả rất quan trọng. Hiện có hàng nghìn lao động đang làm việc ổn định trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn với mức thu nhập bình quân của người lao động 5-6 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2 lần lao động thuần nông.

 - Sự phát triển của ngành nghề nông thôn có tác động như thế nào đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống của Thủ đô thưa ông?

 - Hà Nội được ví là “đất trăm nghề”. Vì vậy, ngành nghề nông thôn của Hà Nội cũng có những sắc thái riêng từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội. Trải qua năm tháng, ngành nghề nông thôn được nhân rộng đã góp phần không nhỏ đến sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu của các làng nghề truyền thống. Số liệu mà chúng tôi nắm bắt, đến nay, toàn thành phố có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai (huyện Hoài Đức) đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng...

 - Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đại diện nhiều địa phương cho rằng việc bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề đang đối diện với không ít khó khăn. Vậy, Hà Nội có như vậy không thưa ông?

 -  Cũng giống các địa phương trên cả nước, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn, phát triển làng nghề của Hà Nội bộc lộ những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đó là, việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, như: Giao thông đã xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ… Mặt bằng sản xuất chật hẹp, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí, tiếng ồn, do hầu hết sản xuất tại nhà xen lẫn với sinh hoạt hằng ngày và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Các thiết bị phòng chống cháy nổ, trang thiết bị an toàn lao động chưa được chú trọng. Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất làng nghề gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu tại chỗ đáp ứng ở mức độ rất hạn chế, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác, chưa có chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu, phụ liệu.

 Bên cạnh đó, việc bảo tồn văn hoá truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng và quan tâm nhiều. Phần lớn các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm. Trình độ quản lý của chủ cơ sở, doanh nghiệp làng nghề chưa cao nên gặp khó khăn khi tiếp thu công nghệ mới, hoạt động nghề còn mang tính thời vụ trong lúc nông nhàn.

 - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thì các ngành nghề nông thôn vẫn là lợi thế cần tận dụng, vì thông qua đây mới tạo việc làm cho lao động nông thôn, trong khuôn khổ hội nghị này, ông có kiến nghị, đề xuất để thực hiện hiệu quả Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố?

- Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội chúng tôi sẽ tổ chức rà soát đánh giá lại thực trạng các làng nghề trên địa bàn thành phố, phân nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề trong những năm tiếp theo. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng, chỉnh sửa, ban hành các chính sách về bảo tồn, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn như dạy nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao năng lực các làng nghề, ngành nghề nông thôn…

Trong khuôn khổ hội nghị này, tôi kiến nghị, khi có chính sách mới của Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện cụ thể, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để các địa phương có cơ sở thực hiện. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các tổ chức có liên quan của Trung ương quan tâm vấn đề xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp, làng nghề tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho làng nghề. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Bình

Nguồn Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội 

https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien?p_p_id=Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_mode=view&p_p_col_id=column-1&p_p_col_count=1&_Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM_jspPage=%2Fhtml%2Fcms%2Fportlet%2Ffrontend%2Fview.jsp&p_p_id=ZVOm7e3VDMRM&_Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM_title=khoi-day-tiem-nang-cua-cac-nganh-nghe-nong-thon-ha-noi&_Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM_articleId=2841611&_Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM_counter=14&_Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM_categoryId=7320&_Cms_WAR_Cmsportlet_INSTANCE_ZVOm7e3VDMRM_command=details

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995